Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

15:41 14/04/2015

(Giúp bạn)Ngộ độc thực phẩm rất dễ phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc.

Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày nay khi thức ăn ngày càng phong phú, và tác nhân gây độc nằm trong thức ăn thì lại càng phong phú hơn, vì vậy chẩn đoán ngộ độc thực phẩm trở nên khó khăn phức tạp nhất là trong việc chẩn đoán tác nhân gây ngộ độc. Việc xét nghiệm để xác định tác nhân gây độc thường rất tốn kém và khó khăn. Trong khi chẩn đoán và điều trị ngộ độc không những cần chính xác mà lại đòi hỏi nhanh chóng khẩn trương để kịp thời áp dụng các biện pháp cứu chữa.

Dấu hiệu khi bị ngộ độc thực phẩm

Người bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.

-1

Đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước, thể ngộ độc nặng bệnh nhân đi ngoài không tự chủ, phân tự chảy. Màu sắc phân thường màu vàng, mùi tanh nếu tác nhân gây bệnh là vi rút, độc tố, hóa chất…. nếu do vi khuẩn hay amip thì có màu nâu, nhầy hồng, mùi khẳn. Một số trường hợp ngộ độc thực phẩm không hề có triệu chứng này do khi bệnh nhân nôn đã thải trừ hết tác nhân gây ngộ độc.

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh như:

Sốt: thường gặp trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm có nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Đau đầu hay gặp trong ngộ độc thực phẩm do các tác nhân là độc tố hay hóa chất.

Ngộ độc do ăn phải đồ hộp bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum có thể gây yếu, liệt chi, nuốt khó, liệt cơ hô hấp gây khó thở.

Sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Sức khỏe và đời sống cho hay, trước một người bị ngộ độc hoặc nghi bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách dùng 2 ngón tay của chính bệnh nhân để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn. Chú ý, khi bệnh nhân nôn để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.

Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu thì không gây nôn vì gây nôn có thể sẽ làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang gây nôn. Tại y tế cơ sở, nếu có điều kiện thì tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 - 6 giờ sau khi ăn phải thức ăn có chất độc (không rửa dạ dày nếu bệnh nhân co giật, lơ mơ). Sau đó nhanh chóng cho bệnh nhân uống than hoạt (1g/kg cân nặng) đối với người lớn và 0,5g/kg cân nặng đối với trẻ em (than hoạt tính có thể uống nhắc lại với liều như vậy sau 3 - 4 giờ). Tiếp đó cho uống thuốc tẩy sunfat magnesium hoặc sorbitol để tống chất độc còn lại trong ruột và than hoạt qua đường phân.

Sau khi cấp cứu tại chỗ, nên chuyển bệnh nhân đến y tế tuyến trên để được theo dõi và điều trị chuyên khoa. Trường hợp đến muộn, cần gửi bệnh nhân đến khoa hồi sức cấp cứu để xử trí. Có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc Trung ương để hỏi thông tin khi cần thiết.

Tham khảo thuốc:

Sorbitol 5g

Thuốc thúc đẩy sự hydrat hoá các chất chứa trong ruột. Sorbitol kích thích tiết cholecystokinin-pancreazymin và tăng nhu động ruột nhờ tác dụng nhuận tràng thẩm thấu.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Mẹo trị ho cho trẻ nhỏ
-3 Thuốc trị bệnh ho khan
-4 Hội chứng con cưng
-5 Bệnh ung thư thực quản

Theo GDVN

Comments