Đau nhức đầu do viêm xoang vào mùa lạnh
(Giúp bạn)Vào mùa đông, chứng nhức đầu thường xuất hiện khi trời lạnh bất ngờ, giá buốt hay sau khi từ trong nhà ấm bước ra đường, nếu biết cách, chúng ta hoàn toàn có thể trị dứt điểm triệu chứng khó chịu này.
Mẹ tôi bị bệnh viêm xoang đã lâu, thường xuyên đau nửa bên đầu. Đi khám bệnh kết quả bị viêm xoang hàm. Hiện nay mỗi lần trời trở lạnh mẹ tôi rất đau đầu.
Có cách nào giúp mẹ tối đỡ đau đầu khi trời lạnh, dùng thuốc xông đặc trị bệnh viêm xoang liệu có khỏe không?
(Bảo Nguyên - Vĩnh Phúc)
Vào mùa lạnh bệnh nhân viêm xoang hay bị nhức đầu
Tuổi trẻ dẫn lời Ths.Bs Nguyễn Trương Khương (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM) cho biết, nhức đầu khi trời trở lạnh có thể do sự phù nề, chèn ép trong hố mũi của các cấu trúc bất thường như vẹo vách ngăn, bóng khí cuốn mũi, điểm tiếp xúc hoặc các tổn thương hình thành do viêm nhiễm lâu ngày như dày niêm mạc, polyp, nang.
Người bệnh ở nhóm bệnh này thường có đau nhức trong mũi, vùng giữa mặt, hoặc nặng mặt. Đồng thời có thể kèm theo nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất mùi. Trong những trường hợp viêm xoang sàng hoặc xoang bướm bệnh nhân thường có đau đầu vùng chẩm (phía sau đầu) và vùng gáy.
Bên cạnh đó, trời trở lạnh cũng là yếu tố khởi phát một số bệnh thần kinh như Migraine (đau nửa đầu), bệnh thường gặp ở nữ và có yếu tố di truyền. Bệnh nhân thường đau đầu dữ dội một bên hoặc hai bên thái dương hay sau ổ mắt.
Trong những trường hợp điển hình bệnh nhân thường sợ ánh sáng, sợ tiếng động, vả mồ hôi và mệt mỏi. Cơn đau thường kéo dài vài giờ đến vài ngày. Bệnh hay hay lặp đi lặp lại hằng tuần, hằng tháng hoặc khi có các yếu tố khởi phát như lo lắng, khí hậu thay đổi, một số thức ăn, một số thuốc, rượu, cà phê hoặc chu kỳ kinh nguyệt.
Trường hợp mẹ của bạn để chẩn đoán chính xác cần phải được thăm khám kỹ lưỡng cả hai chuyên khoa thần kinh và tai mũi họng. Hiện bạn chưa cho chúng tôi biết mẹ bạn có được chụp phim CT hay chưa, nếu đã chụp rồi chúng tôi cũng chưa biết được mức độ viêm xoang hàm của mẹ bạn ở mức độ nào, có tương ứng mức độ nhức đầu không. Và cũng không loại trừ hẳn mẹ của bạn có bị Migraine hay không.
Các loại thuốc xông chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không phải là cách điều trị chính của bệnh lý viêm xoang.
Cách xử trí khi bị nhức đầu
Báo Lao động cho hay, khi vừa đi ngoài đường về rất hay bị đau nửa đầu. Lúc đó, hãy ngâm tay vào nước nóng (nhiệt độ nước nóng già sẽ tốt nhưng phải đảm bảo không bỏng da tay), lượng nước chỉ cần ngập qua bàn tay là đủ. Có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu bưởi, hồi hoặc quế.
Mỗi lần ngâm từ 30 - 40 phút nếu lạnh thì đổ thêm nước nóng để nhiệt độ nước luôn nóng. Ngâm tay nhiều lần trong nước nóng sẽ bớt đau đầu.
Lấy khăn bông nhỏ nhúng giấm trắng rồi vắt nhẹ, để khăn còn ẩm và đắp lên trán, nhắm mắt thư giãn 15 phút. Nếu bị đau đầu dai dẳng thì cứ 2 giờ làm 1 lần sẽ dễ chịu.
- Dùng bột gừng khô trộn chút nước thành bột nhão (không pha loãng) bôi lên trán. Gừng nóng sẽ giảm bớt đau đầu.
- Một trong những cách tự nhiên để chống đau đầu dễ làm nhất đó là sử dụng trà gừng. Cách thực hiện đơn giản là cắt gốc, đun sôi trong 10 phút, sau đó lọc như uống trà, hoặc có thể sử dụng túi trà có sẵn.
- Trà xanh, mận và bạc hà cũng giúp làm giảm căng thẳng hiệu quả. Cách thực hiện: 5 quả mận khô, 1 thìa trà xanh và hai muỗng canh bạc hà hòa tan cùng 4 ly nước đun sôi trong 10 phút. Uống 3 ly mỗi ngày sẽ cho thấy tác dụng làm giảm đau đầu của các loại trà thảo dược này.
- Đốt nến có tinh dầu bạc hà (hoặc hoa hồng, oải hương, cúc La Mã) trong phòng cũng giúp giảm đau đầu nhanh chóng.
- Thoa dầu gió, dùng thìa bạc đánh gió vùng trán, lông mày, thái dương và xoa bóp vùng da đầu, gáy cũng nhanh hết đau đầu. Tuy nhiên, không dùng nhiều hơn 3 - 4 lần trong ngày.
Tr.Tuyển
Theo GDVN