Dị tật lỗ đái lệch cao
(Giúp bạn)Dị tật lỗ đái lệch cao gây tiểu tiện bất thường vì dòng nước không ra đúng ở đỉnh quy đầu như bình thường mà lại chảy ra ở mặt trên dương vật, thường gây ẩm ướt và mùi khai khó chịu.
Lỗ tiểu lệch cao là một dị tật bẩm sinh ở trẻ trai
Biểu hiện là lỗ tiểu không đổ ra ở đỉnh quy đầu, cũng không ở mặt dưới dương vật và bìu mà lại đổ ra ở mặt lưng của dương vật, gần về phía mu. Theo Sức khỏe và đời sống, có khi lỗ tiểu đổ ra tại rãnh - viền quy đầu (nhưng ở phía trên) hoặc đổ ra dọc theo phần giữa lưng của dương vật tới xương mu.
Nặng nhất là trường hợp không có lỗ tiểu, bàng quang bị mở luôn ra ngoài ổ bụng, nước tiểu cứ chảy ra suốt ngày. Đây là dị tật bàng quang lộ ngoài thể hoàn toàn và lỗ tiểu lệch cao.
Dị tật này gây tiểu tiện bất thường vì dòng nước không ra đúng ở đỉnh quy đầu như bình thường mà lại chảy ra ở mặt trên dương vật, thường gây ẩm ướt và mùi khai khó chịu. Dương vật hay bị biến dạng như ngắn, to bè, bị chẻ làm hai ở mặt trên (trông như lòng máng) và bị kéo ưỡn lên phía mu.
Hình dạng bất thường này làm bệnh nhân rất buồn và khổ sở vì hằng ngày phải đi tiểu giấu mọi người, lo sau này không thể lập gia đình.
Những trẻ có dị tật bàng quang lộ ngoài phải mổ ngay từ những ngày đầu sau đẻ. Những trường hợp lỗ tiểu lệch cao còn lại cũng cần được chữa sớm ở lứa tuổi 1-3 để tránh ảnh hưởng xấu tới tâm lý trẻ. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật làm cho dương vật thẳng theo trục sinh lý, tạo lại dương vật có hình thái bình thường và làm thêm đoạn niệu đạo thiếu từ vị trí tiểu lệch cao tới giữa đỉnh quy đầu.
Trước đây, trẻ thường phải mổ nhiều lần trong nhiều năm nhưng hiện nay chỉ cần mổ 1 lần. Nếu được điều trị khi bệnh nhân còn nhỏ, sau này dương vật sẽ phát triển gần như bình thường và bảo đảm được các chức năng.
Lỗ tiểu lệch cao có thể kèm theo một số dị tật khác như bất thường về nhiễm sắc thể, dị tật ở hệ tiết niệu... Do vậy, cần đưa trẻ bị bệnh đi khám sớm để phát hiện bệnh và có kế hoạch mổ chữa vào những thời điểm thích hợp.
Hẹp bao quy đầu
Ngoài ra, trẻ trai có thể mắc những dị tật khác như hẹp bao quy đầu. Theo Kiến thức, bao qui đầu là một nếp da mỏng, dễ đàn hồi, trùm lên toàn bộ qui đầu của dương vật. Chít hẹp bao qui đầu là tình trạng vòng bao qui đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau nên không thể lộn được bao qui đầu. Đa số chít hẹp bao qui đầu là do bẩm sinh.
Trẻ có dấu hiệu đái khó và phải rặn mạnh, tia nước tiểu nhỏ trong khi bao qui đầu chứa đầy nước tiểu căng phồng lên, vuốt nhẹ da bao qui đầu ra phía sau không nhìn thấy lỗ đái.
Hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to, gây viêm nhiễm.
Quai bị
Quai bị là một bệnh nhiễm trùng gây ra sưng các tuyến nước bọt. Đặc biệt là bệnh ảnh hưởng tới các tuyến đằng trước mang tai, khiến cho má bé trông có vẻ phình ra. Bé sẽ phát ra triệu chứng bệnh từ hai đến bốn tuần sau khi bị lây nhiễm.
Bệnh quai bị gây ra viêm tinh hòan tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp ở các bé trai trước tuổi dậy thì. Bệnh do virút có tên khoa học là Paramyxovirút gây nên, bệnh chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6-10 tuổi.
Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là là thời gian giáp Tết. Bệnh xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.
Bệnh có thể lây cho người tiếp xúc ở một tuần trước khi tuyến mang tai sưng và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến mang tai.
Về phòng bệnh, điều trước tiên là người bệnh phải được cách ly tại nhà, không đi học, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.
Tham khảo thuốc: Vitamin C Phòng và điều trị bệnh do thiếu Vitamin C. Methemoglobin huyết vô căn khi không có sẵn xanh methylen. |
Tú Liên
Theo GDVN