Bệnh tả do Vibrio cholerae
(Giúp bạn)Bệnh tả (Cholera) là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây ra, độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy nặng kèm theo mất nước.
Nguyên nhân gây bệnh tả do Vibrio cholerae
Tác nhân gây bệnh:
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ y tế, vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) là vi khuẩn hình cong dấu phẩy (do đó được gọi là phẩy khuẩn) không bắt mầu gram, không sinh nha bào, di động nhanh nhờ có một lông. Phẩy khuẩn tả dễ nuôi cấy trong môi trường nghèo dinh dưỡng, pH kiềm (pH từ 8,5-9,0) và mặn.
Phẩy khuẩn tả có khoảng 140 nhóm huyết thanh đã được xác nhận, nhưng chỉ có nhóm huyết thanh O là gây được bệnh tả. Phẩy khuẩn tả được chia thành V. cholerae O1 và không O1 (Vibrio cholerae không ngưng kết với O1 còn được gọi là chủng NAG).
Vibrio cholerae gồm 2 týp sinh học (biotype) là vi khuẩn tả cổ điển và tả El Tor. Mỗi týp sinh học lại được chia thành các týp huyết thanh như Ogawa, Inaba và Hikojima.
Phẩy khuẩn tả gây bệnh bằng độc tố ruột. Độc tố ruột gắn vào niêm mạc ruột non, hoạt hoá enzyme adenylcyclase dẫn đến tăng AMP vòng, làm giảm hấp thu Na+, tăng tiết Cl- và nước gây tiêu chảy cấp tính. Phẩy khuẩn tả có thể chuyển hóa trong thiên nhiên, thay đổi tính di truyền do đột biến từ chủng không gây dịch có thể thành chủng gây dịch và kháng nhiều loại kháng sinh.
Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài: Phẩy khuẩn tả dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (800C/5 phút), bởi hóa chất (Clo 1 mg/lít) và môi trường axit. Khô hanh, ánh nắng mặt trời cũng làm chết phẩy khuẩn tả. Nó có thể tồn tại lâu trong phân, đất ẩm, nước, thực phẩm.
Trong đất, phẩy khuẩn có thể sống 60 ngày, trong phân 150 ngày, trên bề mặt thân thể 30 ngày, trong sữa 6-10 ngày, trên rau quả 7-8 ngày, trong nước 20 ngày. Nhiệt độ 250C- 370C, nồng độ muối 0,5 đến 3%, độ pH kiềm (7 - 8,5) và giàu chất dinh dưỡng hữu cơ trong nước là những điều kiện tối ưu cho phẩy khuẩn tả tồn tại.
Phương thức lây truyền bệnh tả do Vibrio cholerae
Theo Sức khỏe & đời sống, bệnh tả lây theo đường tiêu hoá, qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người hoặc phân động vật và qua thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, bởi nước bẩn, qua bàn tay bẩn và ruồi, nhặng nhiễm vi khuẩn tả.
Điều trị bệnh tả do Vibrio cholerae
- Cách ly bệnh nhân, nên tổ chức cấp cứu tại chỗ, cần tăng cường bác sĩ và điều dưỡng từ tuyến trên xuống hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, dây truyền...
- Bồi phụ nước, chất điện giải nhanh chóng và đầy đủ thông qua đường uống (sử dụng ORS) hoặc truyền tĩnh mạch tuỳ tình trạng nguy kịch của bệnh.
- Sử dụng kháng sinh hợp lý dựa trên kết quả kháng sinh đồ. Nên dùng nhóm fluoroquinolon. Đối với phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi, dùng azithromycin. Điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc mật thiết với 1 liều điều trị duy nhất.
- Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột như morphin, opizoic, atropin...
- Nên cho bệnh nhân ăn sớm, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Đối với trẻ còn bú, cần tăng cường bú mẹ.
- Tiêu chuẩn ra viện: Hết tiêu chảy, tình trạng lâm sàng ổn định, kết quả xét nghiệm cấy phân âm tính 3 lần liên tiếp. Nếu những cơ sở không có điều kiện cấy phân thì cho bệnh nhân ra viện sau khi ổn định về mặt lâm sàng được 1 tuần.
Tham khảo thuốc: 3b – Medi: Bổ sung các vitamin nhóm B cho cơ thể. Với liều cao dùng để điều trị các chứng đau nhức do các bệnh lý thần kinh, bệnh yếu cơ... |
Trà Mi
Theo GDVN