Thủng màng nhĩ
(Giúp bạn)Khi màng nhĩ bị thủng do viêm tai giữa hoặc do chấn thương sẽ làm cho sức nghe giảm và tai giữa rất dễ bị nhiễm trùng.
Khám phá dẫn tin theo Giáo dục Sức khỏe cho biết, nhiều người vẫn còn chủ quan với hiện tượng thủng màng nhĩ, vì thấy tai vẫn nghe tốt. Thực thế, trong thời gian bị thủng màng nhĩ, sức nghe có bị giảm nhưng không đáng ngại. Tuy nhiên, lúc này, sức nghe không hẳn là vấn đề chính, mà quan trọng, lỗ hổng từ màng nhĩ là nơi “hút” vi khuẩn nên tai rất dễ bị viêm nhiễm, chảy nước, chảy mủ nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ.
Đây cũng là nguyên nhân khiến những người đã bị thủng màng nhĩ thường xuyên bị viêm tai tái diễn, gây chảy nước, mủ hôi, ngứa rất khó chịu. Nhất là với những người không biết vệ sinh tai đúng cách, tần số viêm càng lặp lại liên tục.
Thủng màng nhĩ
Những người bị viêm tai tái lại này, không chỉ khó chịu tại chỗ do chảy nước, mủ, ngứa… mà còn rất nguy hiểm. Vì thủng màng nhĩ, chảy mủ tại chỗ… không chỉ là biểu hiện riêng của bệnh viêm tai giữa, mà nó có thể là biểu hiện các bệnh lý khác ở tai. Tuy nhiên, vì chủ quan nên nhiều người không đi khám mà không biết đó có thể là bệnh lý gây nguy hiểm cho tính mạng.
Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ có thể xảy ra do bị vật nhọn đâm vào hay khi có tác động mạnh lên màng nhĩ hoặc cũng có thể do viêm tai giữa…
- Chấn thương trực tiếp: Vật nhọn đâm vào, thường gặp trong các trường hợp này là bất cẩn trong khi lấy ráy tai để dụng cụ đâm vào màng nhĩ.
- Chấn thương gián tiếp: Khi áp lực quá mạnh tác động lên màng nhĩ, xảy ra khi bị người khác tát tai quá mạnh, hoặc do chấn thương bom mìn, hay lặn quá sâu...
- Viêm tai giữa: Do viêm nhiễm từ vùng mũi họng gây tụ dịch, tụ mủ trong hòm nhĩ và làm thủng màng nhĩ từ trong ra.
Dấu hiệu cảnh báo bị thủng màng nhĩ
Theo Sức khỏe & đời sống, màng nhĩ có chức năng bảo vệ tai giữa và dẫn truyền âm thanh. Khi màng nhĩ bị thủng sẽ làm cho sức nghe giảm và tai giữa rất dễ bị nhiễm trùng.
Thủng màng nhĩ đột ngột hay còn gọi là rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt và điếc. Nếu chỉ rách màng nhĩ đơn thuần thì điếc nhẹ, nếu tổn thương sâu đến tai trong thì điếc nặng hơn.
Nếu thủng màng nhĩ do viêm tai giữa cấp thì trước đó sẽ có triệu chứng sốt nóng, đau nhức trong tai, ù tai, nghe kém. Khi màng nhĩ thủng, mủ thoát ra được ngoài ống tai thì các triệu chứng trên giảm đi.
Trường hợp thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch thì triệu chứng không rõ ràng và diễn biến phức tạp.
Biểu hiện của bệnh viêm tai giữa thanh dịch rất khó phát hiện, người bị viêm tai giữa thanh dịch thường không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không có chảy dịch ở tai, triệu chứng duy nhất là bị nghễnh ngãng.
Bệnh viêm tai giữa thanh dịch là biến chứng thường gặp nhất của viêm VA, do vậy, để phòng bị thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch cần điều trị căn nguyên viêm VA.
Biến chứng của thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ có nhiễm trùng lâu ngày sẽ gây viêm xương chũm làm giảm sức nghe nghiêm trọng và gây ra những biến chứng nặng hơn do ổ viêm lan toả vào các vùng lân cận như: viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên, liệt mặt...
Vì vậy, khi nghi ngờ bị thủng màng nhĩ điều quan trọng cần làm là đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị kịp thời. Việc điều trị chủ yếu khi bị thủng màng nhĩ là vá lại tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa thủng màng nhĩ phải cảnh giác khi ngoáy những vật nhọn vào tai, tuyệt đối không tự ý ngoáy tai hoặc lấy ráy tai bằng các dụng cụ bằng kim loại và phải tích cực điều trị các bệnh về mũi họng vì có thể gây viêm tai giữa mủ dẫn đến thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến sức nghe và có thể bị những biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thuốc: Natriclorid: Dùng nhỏ rửa mắt, rửa mũi. Bụi bẩn do đi xe máy nhiều, ghèn rỉ mắt. Ngứa mắt, mỏi mắt, khô rát mắt. Phòng ngừa bệnh dịch về mắt. Trị sổ mũi, nghẹt mũi. |
Trà Mi
Theo GDVN