Đối phó với thủy đậu khi giao mùa
(Giúp bạn)Tháng 2 đến tháng 7 hàng năm được xem là mùa của dịch thuỷ đậu, vốn là một bệnh thông thường, tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, thủy đậu sẽ gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm.
Thủy đậu do vi rút gây ra, có tính lây lan rất cao, bệnh xảy ra ở nhiều đối tượng, người lớn cũng mắc nếu như lúc nhỏ chưa từng bị bệnh này, nhưng nhiều nhất là trẻ em (1-6 tuổi). Thường thủy đậu không quá nguy hiểm, nhưng vẫn có thể có những biến chứng nặng.
Người bệnh là nguồn lây duy nhất. Người ốm làm lây bệnh ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên cho đến khi nốt đậu đóng vảy (thường ở ngày thứ 7 kể từ khi nốt đậu mọc). Vi rút từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt trẻ ốm bắn sang người lành khi nói, ho hoặc hắt hơi, xâm nhập vào cơ thể qua mũi - họng, rồi theo đường máu đến cư trú ở lớp tế bào thượng bì da và niêm mạc (niêm mạc miệng, kết mạc mắt...), gây nên những nốt phỏng ở đó.
Sau một thời gian ủ bệnh chừng 14-15 ngày thì bệnh phát. Trong nhiều trường hợp trẻ vẫn ăn, chơi bình thường nên người lớn khó nhận ra, đến khi đậu mọc mới biết hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu. Có khi trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, đau mỏi các khớp, dễ kích thích, ngứa, rồi 24-36 giờ sau đậu mọc.
- 1
Biến chứng
Các biến chứng hay gặp nhất là bội nhiễm da do nốt phỏng bị vỡ hoặc do trẻ gãi hay dịch nước hóa mủ. Viêm phổi gặp ở 20-30% người bệnh. Biến chứng nặng nhất là viêm não do thủy đậu, gặp ở 0,1-0,2% và thường rất nặng ở người lớn. Các biến chứng như: giảm tiểu cầu, viêm tủy cắt ngang, liệt thần kinh mặt, rối loạn tiểu não, hội chứng Reye, viêm cơ tim, viêm thận, viêm gan, viêm đa rễ thần kinh... ít gặp hơn.
- 2
Xử lý
- Theo kinh nghiệm dân gian, trong gia đình nếu có người mắc bệnh thuỷ đậu thì vấn đề vệ sinh cần được lưu tâm hàng đầu, hạn chế gió, lạnh và đồng thời phải cung cấp thêm chất bổ dưỡng để tăng sức đề kháng cho người bệnh. Người bệnh cũng cần chú ý nghỉ ngơi ở nhà từ 7-10 ngày, không nên đi ra ngoài để tránh lây lan cho người xung quanh. Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ mắc căn bệnh này thì ba hoặc mẹ cần phải nghỉ làm để chăm sóc trẻ, điều này ít nhiều gây xáo trộn sinh hoạt chung của cả gia đình.
- Nếu trẻ bị nặng thì cha mẹ không được chủ quan mà phải đưa con đến các cơ sở y tế để được điều trị và theo dõi kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có như bội nhiễm, sốc nhiễm trùng…
- Cha mẹ có thể tiến hành chích ngừa thủy đậu cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 - 6 tuần. Tuy nhiên, theo khuyến cáo mới nhất của Ủy Ban Tư Vấn Tiêm Chủng của Hoa Kỳ, trẻ em chỉ chích một liều thì khả năng phòng bệnh chưa tuyệt đối, do đó trẻ em và người lớn cần tiêm 2 liều vacxin để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
- Việc chủng ngừa thủy đậu không chỉ cần tiến hành với trẻ em, là đối tượng chính của bệnh này, mà còn ở cả người lớn. Những người lớn khi mắc bệnh cũng gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí còn nặng hơn cả trẻ nhỏ nên chích ngừa là hoàn toàn cần thiết. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai từ 2-3 tháng cần đi tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và bé.
- 3
Chữa theo y học cổ truyền
Với bệnh nhẹ - triệu chứng gặp là: những nốt thủy đậu mọc rải rác màu hồng nhạt, sốt nhẹ, có khi không sốt, ho ít. Nước mũi loãng trong, người bệnh ăn uống và tinh thần bình thường. Bệnh đang ở phần vệ khí. Phép chữa là sơ phong thanh nhiệt. Bài thuốc gồm: lá dâu 12 gr, cam thảo đất 8 gr, rễ sậy 10 gr, lá tre 16 gr, cúc hoa 8 gr, kim ngân hoa 10 gr, kinh giới 8 gr. Sắc uống.
Khi thủy đậu mọc có thể dùng phương pháp trừ thấp giải độc sau: dùng bài thuốc gồm: cam thảo dây 12 gr, lá tre 10 gr, sinh địa 12 gr, hoàng đằng 8 gr, rễ sậy 8 gr, kim ngân hoa 12 gr, vỏ đậu xanh 12 gr. Sắc uống.
Với bệnh nặng, triệu chứng là: thủy đậu mọc dày, sắc tím, màu nước đục, xung quanh nốt thủy đậu màu đỏ sẫm, sốt cao, phiền khát, mặt đỏ, môi hồng, viêm niêm mạc miệng, có những nốt phỏng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ. Phép chữa là: thanh nhiệt giải độc ở khí phận, lương huyết ở doanh phận. Bài thuốc gồm: kim ngân hoa 12 gr, liên kiều 8 gr, bồ công anh 16 gr, sinh địa 12 gr, xích thược 8 gr, chi tử (sao) 8 gr. Nếu phiền táo, thêm hoàng liên 8 gr. Táo bón, thêm đại hoàng 4 gr. Khát nước, miệng khô, thêm thiên hoa phấn, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 8-12 gr. Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày, uống nóng sau khi ăn 30 phút.