Hướng dẫn chăm sóc bậc cao niên

23:20 10/02/2014

(Giúp bạn)Việc chăm sóc sức khỏe cho các bậc “cao niên” là công việc đòi hỏi người chăm sóc vừa phải có lòng kính trọng đối với người già, vừa phải có kiến thức y học mới có thể làm tốt.

Bao giờ cũng phải tìm nguyên nhân bệnh tật, không nên quy tất cả cho tuổi tác. Theo một nghiên cứu, khoảng 80% người trên 80 tuổi có thể sinh hoạt được bình thường, có khả năng sống độc lập không bị lệ thuộc vào người chăm sóc. Vì vậy, người nhà và người chăm sóc không nên cho rằng tất cả các người già là sa sút trí tuệ, không thể chạy chữa được, không có hy vọng gì cải thiện tình hình… Khi quyết định một phương pháp xử trí, kể cả phẫu thuật thì riêng tuổi tác không phải là một chống chỉ định.

Bằng sự quan tâm của thầy thuốc và người nhà, nhiều việc có thể làm để ngăn ngừa sự phát sinh một bệnh cũng như dự phòng sự tiến triển xấu của bệnh đó ở người già. Những điểm chính cần đặc biệt chú ý để phòng bệnh ở người già gồm:

huong-dan-cham-soc-bac-cao-nien-1

  • 1

    Về dinh dưỡng:

    Cần thực hiện cách ăn uống cho hợp lý và khoa học. Hạn chế tối đa thuốc lá, rượu, phấn đấu từ tuổi 65 dùng ngày càng ít, tiến tới loại bỏ hoàn toàn rượu và thuốc lá.

  • 2

    Vấn đề sử dụng thuốc: 

    Bạn nên rà soát lại tất cả các loại thuốc đang dùng cho người già, loại bỏ những thuốc không cần thiết hoặc có hại với sự giúp đỡ của bác sĩ. Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy: điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp làm giảm rõ rệt nguy cơ tai biến mạch máu não cũng như tử vong do bệnh tim. Thuốc khuyên dùng là thiazid hoặc giống thiazid (như chlorthalidon) coi như bước đầu, sau đó dùng liều thấp reserpin hoặc atenolol khi cần; dùng như vậy, tác dụng phụ của thuốc không đáng kể, rất ít độc hại. Bệnh nhân cao tuổi không nên chỉ thích những thuốc đắt tiền, bởi vì các thuốc vừa nêu đã được thực nghiệm là hiệu quả, rẻ, nên được coi là thuốc đầu tay.

  • 3

    Sử dụng các phương pháp chẩn đoán bệnh:

    Bằng xét nghiệm, máy X-quang, điện tim, siêu âm, chụp cắt lớp trong những trường hợp triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Người già cần được khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh glôcôm, điều chỉnh kịp thời sự giảm sút thị lực, thính lực, khám chữa răng, làm răng giả nếu cần, chú ý phát hiện những tổn thương vùng miệng.

  • 4

    Tạo miễn dịch với một số bệnh:

    Cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, uốn ván... Định kỳ làm xét nghiệm đờm cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao. Định lượng cholestorol huyết thanh, đặc biệt với bệnh nhân suy mạch vành hoặc có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

    huong-dan-cham-soc-bac-cao-nien-2

  • 5

    Phát hiện sớm bệnh ung thư:

    Vì ngày càng nhiều phụ nữ cao tuổi mắc bệnh ung thư vú và tử vong nên phụ nữ cao tuổi cần định kỳ khám, chụp tuyến vú, 6 tháng một lần cho đến 75 tuổi. Mọi người cao tuổi, cả nam lẫn nữ, đều cần phải khám định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm ung thư các loại. Những người thường dùng và dung nạp được thuốc aspirin liều thấp và estrogen (cho bệnh nhân nữ) được khuyên dùng vì các lợi ích phòng bệnh tim mạch và ung thư.

  • 6

    Việc luyện tập:

    Đối với người cao tuổi, việc luyện tập thể dục có những lợi ích cho huyết áp, hệ tim mạch, hằng định nội môi về glucose, tỷ trọng xương, có tác dụng tốt đối với toàn thân, chống mất ngủ, táo bón, dự phòng khỏi ngã. Nhưng khi tập luyện cần loại bỏ những động tác quá mạnh với cột sống nhất là với những người đã mất chất xương. Trong luyện tập nên có sự hướng dẫn của nhân viên vật lý trị liệu, phải chú ý chuẩn bị những biện pháp đề phòng ngã. Người già nên tránh việc đi xe máy hoặc tự lái xe hơi, nhất là với người không hoàn toàn minh mẫn.

  • 7

    Quản lý bệnh tật: 

    Biện pháp có giá trị nhất trong việc đề phòng bệnh tật, tránh tai biến cho người cao tuổi là nắm vững tình hình sức khỏe, tiền sử, bệnh sử của họ. Người nhà và thầy thuốc phải chú ý tới những vấn đề bệnh nhân than phiền nhiều nhất, và cả những điều tưởng nhỏ nhặt, như: ngã, hay quên, lú lẫn, rối loạn tình dục, tiểu tiện không tự chủ. Chú ý những nguy cơ có thể có và tìm cách ngăn chặn, như đối với bệnh nhân giảm nhận thức, hay hút thuốc lá có thể gây nên hỏa hoạn do vô ý, hoặc bệnh nhân dùng nhiều thuốc ngủ có nguy cơ tắc ruột do ứ phân, mê sảng, lú lẫn.

  • 8

    Sẵn sàng can thiệp kịp thời: 

    Do người già bị suy giảm sức đề kháng nên các triệu chứng bệnh thường không rõ rệt, không điển hình, khi có bệnh cấp tính, cần cấp cứu, như: bệnh nhân bị viêm phổi nhưng không sốt; lú lẫn do tiểu tiện không tự chủ dẫn đến ngã. Do đó đối với những biến đổi nhẹ về chức năng của người già cũng cần quan sát kỹ, xác minh và xử lý khẩn trương. Những người già có nguy cơ cao gồm: trên 80 tuổi; sống một mình; mắc bệnh trầm cảm, không nơi nương tựa; giảm sút trí tuệ; bị ngã nhiều lần; đại, tiểu tiện không tự chủ; người trước đây không được quản lý tốt. Các đối tượng này cần được gia đình, người thân hoặc nhân viên sức khoẻ cộng đồng giúp đỡ.

    huong-dan-cham-soc-bac-cao-nien-3

  • 9

    Chăm sóc tại nhà:

    Nếu làm tốt công tác an sinh xã hội cần phấn đấu để đa số người già được chăm sóc tại nhà. Nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần dành một khoản kinh phí cho các dịch vụ: nhân viên dọn dẹp nhà cửa, nhân viên chăm sóc sức khỏe. Khi cần có thể tổ chức để gửi bệnh nhân già tại nhà chăm sóc sức khỏe ban ngày, người phục vụ bệnh nhân tại giường.

    Hỗ trợ các hộ gia đình có người già cần chăm sóc tại nhà. Tổ chức dịch vụ phục vụ cơm nước đến nhà, dịch vụ di chuyển cho bệnh nhân tàn phế. Tổ chức chăm sóc cấp cứu bệnh nhân tại nhà, giúp gia đình người già thu xếp cuộc sống tại nhà.

  • 10

    Hỗ trợ cho gia đình:

    Đối với các gia đình có bệnh nhân bị sa sút trí tuệ hoặc có những bệnh tật phức tạp, nhiều khi chính gia đình lại cần sự hỗ trợ của thầy thuốc hơn cả người bệnh. Vì vậy, thầy thuốc và các tổ chức xã hội ở cơ sở nên bố trí người hỗ trợ gia đình bệnh nhân về tinh thần và vật chất cũng như chăm sóc sức khỏe.

Comments