Làm sao khi bị nhiễm vi-rút Herpes?
(Giúp bạn)Bệnh Herpes do vi rút Herpes gây ra. Bệnh Herpes thường xuất hiện ở vùng môi, miệng và bộ phận sinh sinh dục, nhưng cũng có thể xuất hiện ở những cơ quan khác.
Em năm nay 26 tuổi, đã quan hệ, gần đây bộ phận sinh dục của em có nổi một mụn hơi trắng ở đầu, nhỏ bằng nữa hạt gạo, không ngứa, không sưng, không rát, bạn trai em không bị gì, em đi khám Bác sĩ nói em bị nhiễm vi-rút Herpes, nhưng theo em đọc các triệu chứng của bệnh Herpes thì em không giống, bạn trai em bình thường, em có tiền sử bị viêm lộ tuyến và huyết trắng nhiều, Bác sĩ tư vấn giúp em, nếu em bị vi-rút Herpes sao triệu chứng của em không giống ạ?
ThS. Đinh Văn Tài - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế trả lời:
Chào bạn!
Qua thông tin bạn mô tả, bạn bị nổi một mụn nhỏ bằng nửa hạt gạo, không ngứa, không sưng, không rát, mặc dù bạn đã quan hệ tình dục là yếu tố có thể dễ dẫn tới viêm nhiễm “vùng kín” hơn nhưng điều khá yên tâm là bạn đã đi khám, xác định là nhiễm vi rút herpes. Thường chủng herpes HSV-2 gây bệnh cơ quan sinh dục, với các triệu chứng điển hình gồm mụn nước, có thể mụn mủ, mọc thành cụm, sau đó vỡ ra gây vết loét, cảm giác đau nhức, sốt, mệt mỏi toàn thân,…
Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng cũng không điển hình, mụn có thể vỡ ra gây bội nhiễm, trợt loét, đau nhức,… . Bên cạnh đó, bạn cũng bị viêm lộ tuyến với biểu hiện huyết trắng nhiều.
Có 2 loại nhiễm vi-rút rộp da có thể gây herpes sinh dục
Do vậy, với trường hợp của bạn, trước hết nên lưu ý vệ sinh thường xuyên “vùng kín”, nên giữ cho “vùng kín” luôn khô ráo. Tránh quan hệ tình dục trong giai đoạn đang có tổn thương này. Đồng thời, bạn nên đảm bảo chế độ ăn uống, tăng cường vitamin (C, A, B,..), sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể. Theo dõi tổn thương, nếu tổn thương xuất hiện thêm, vỡ trợt, viêm loét, đau nhức,… thì cần sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa phụ sản hoặc da-hoa liễu để điều trị thích hợp. Bạn cũng nên đi khám để điều trị triệt để tình trạng lộ tuyến nếu thường xuyên bị viêm nhiễm “vùng kín” gây khó chịu.
Xin chào Bác sĩ! Tôi năm nay 27 tuổi (là nữ), đã lập gia đình. Vào ngày 06/06/2014 tôi phát hiện núm vú trái có vài vết nứt, đau rát. Tôi đã bôi mù u vì nghĩ rằng do sơ ý nên trầy xước. Nhưng đến ngày thứ 5 vẫn không khỏi, bị loét nặng, có mủ, đau nhức... Tôi đã đến tiệm thuốc tây, chị bán thuốc bảo tôi bị herpes dạng hiếm. Cho uống thuốc 5 ngày và bôi ACYCLOVIR STADA, tôi đã bớt đau nhức nhiều nhưng vết thương vẫn còn mủ ít. Chị ấy cho uống thêm 2 ngày và bôi dung dịch MILAN. 22/06/2014 núm vú đã lành hẳn, tôi không thấy đau nhức nữa, nhưng khi ấn tay vào bầu ngực vẫn còn hơi đau đến hôm nay. Bác sĩ bảo do tôi uống trễ nên virus xâm nhập vào tủy để vài hôm sẽ tự khỏi. Tôi thật sự rất lo lắng xin Bác sĩ vui lòng tư vấn giúp tôi. Tôi vô cùng biết ơn ạ!
ThS. Nguyễn Kiên Cường - Y học Dự phòng - Viện Y học dự phòng Quân đội trả lời:
Chào bạn!
Bệnh Herpes do vi rút Herpes (Herpes Simplex Virus - HSV) gây ra. Bệnh Herpes thường xuất hiện ở vùng môi, miệng và bộ phận sinh sinh dục, nhưng cũng có thể xuất hiện ở những nơi khác như mắt, mũi, núm vú, ngón tay,…
HSV gồm có 2 loại: HSV 1 gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt, mũi, miệng. Lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với vi rút qua thương tổn của chúng hoặc qua nước bọt. HSV2 gây bệnh ở da niêm mạc bộ phận sinh dục, là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, sự phân loại này không hoàn toàn tuyệt đối vì nhiều trường hợp tìm thấy HSV 1 ở thương tổn tại bộ phận sinh dục và HSV2 cũng được thấy ở tổn thương môi, miệng.
Theo một số tài liệu, khi một người bị nhiễm HSV thì vi rút sẽ gây bệnh tại chỗ, đồng thời đến cư trú trong hạch thần kinh cảm giác. Khi cơ thể suy giảm sức đề kháng thì HSV lại bùng phát gây bệnh. Một số yếu tố hay làm cho bệnh tái phát bao gồm: tổn thương da-niêm mạc do tia tử ngoại, sốt, cảm lạnh, giảm sức đề kháng, khi có kinh nguyệt,...
Với trường hợp cụ thể của bạn, trước hết về cách xử lý như bạn đã nêu là hoàn toàn không nên vì các tổn thương ở vú không chỉ do vi rút mà còn có thể do vi khuẩn, nấm, tác nhân dị ứng,… gây ra, trong khi chưa xác định được chính xác tổn thương thì bạn đã tự mua thuốc để bôi điều trị. Người bán thuốc cũng không thể có chuyên môn để chỉ định điều trị đúng bệnh, việc bôi thuốc như vậy có thể khiến bệnh nặng lên, mầm bệnh kháng thuốc và gây khó khăn cho việc chữa khỏi bệnh.
Do vậy, điều quan trọng bây giờ của bạn là nên tới cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để khám kiểm tra kỹ lại xem mức độ tổn thương, tính chất tổn thương ra sao và xác định nguyên nhân tổn thương để có biện pháp điều trị thích hợp nhất. Bạn cũng không nên quá lo lắng vì sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, làm suy giảm miễn dịch dẫn tới dễ nhiễm mầm bệnh hơn, đồng thời nên tránh cào gãi, sờ nặn, cọ sát,… vùng tổn thương vì có thể khiến tổn thương nặng lên và nên vệ sinh hàng ngày bằng nước sạch, chỉ bôi các thuốc theo chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thuốc: Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN