Nhiễm Giardia lamblia

15:49 14/04/2015

(Giúp bạn)Nhiễm Giardia là bệnh nhiễm ký sinh đơn bào đường ruột trên, do loại trùng roi Giardia lamblia gây nên.

Nhiễm Giardia lamblia là gì?

Thông tin trên trang tin điện tử Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Tp.HCM, nhiễm Giardia là bệnh nhiễm ký sinh đơn bào đường ruột trên, do loại trùng roi Giardia lamblia gây nên. Bệnh lưu hành trên toàn cầu, đặc biệt ở những vùng điều kiện vệ sinh kém, trẻ em thường bị nhiễm bệnh nhiều hơn người lớn; những người bị suy giảm miễn dịch (AIDS) có thể bị bệnh nặng và kéo dài.

Tỷ lệ xét nghiệm thấy có ký sinh trùng trong phân dao động từ 1- 30% tuỳ cộng đồng và nhóm tuổi. Ở một số nước Âu, Mỹ (Anh, Mehico, Mỹ), bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc lứa tuổi 25 - 39 và thường tăng cao từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Một vài nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm Giardia lamblia ở trẻ em khoảng 15%, ở người lớn khoảng 1-10%.

-1

Những vụ dịch lớn thường liên quan đến nguồn nước bị nhiễm bẩn, những vụ dịch nhỏ thường liên quan đến thức ăn, thực phẩm hoặc ở cùng nhà trẻ.

Nguyên nhân nhiễm Giardia lamblia

1. Tác nhân gây bệnh

- Là ký sinh trùng roi (Giardia lamblia),  có thể nhìn thấy rõ dưới kính hiển vi.

- Khả năng tồn tại ở môi trường: chúng có khả năng sinh nha bào (nang trùng) nên chịu đựng khá tốt ở môi trường ngoại cảnh, xử lý nước bằng Clo hoặc ozon ở nồng độ thông thường không diệt được nha bào nhưng chúng dễ dàng bị diệt khi đun sôi.

-2

2. Phương thức lây truyền

- Lây truyền qua đường phân - miệng.

- Bệnh lây lan rất dễ dàng qua đường tiêu hóa: kén trùng roi theo thức ăn, nước uống, rau sống, bàn tay bẩn, đồ chơi trẻ em... xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa. Vì thế mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh.

Triệu chứng nhiễm Giardia lamblia

1. Triệu chứng lâm sàng

Theo Sức khỏe & đời sống, hầu hết người nhiễm bệnh mang kén nhưng không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 1-3 tuần, bệnh khởi phát từ từ hoặc cấp tính. Giai đoạn bệnh cấp tính thường diễn ra từ vài ngày đến vài tuần, tuy bệnh tự khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn thải kén kéo dài. Ở một số bệnh nhân, bệnh có thể trở nên mạn tính và tiến triển trong nhiều năm.

Các thể lâm sàng của bệnh do Giardia là tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mạn tính, và hội chứng giảm hấp thu. Cả hai thể bệnh cấp và mạn tính, tiêu chảy thường diễn ra từ nhẹ tới nặng. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng: phân nát và nhiều, đi tiêu một lần/ngày; hoặc số lần đi ngoài nhiều hơn, phân lỏng hơn, có thể chứa nhầy nhưng thường không có máu và mủ; phân thường có bọt, nặng mùi, và nhờn; sụt cân và mệt mỏi; trẻ em thì chậm lớn và chậm phát triển; có khi thấy chán ăn, buồn nôn và nôn, cảm giác khó chịu và đau vùng thượng vị, ợ, đầy hơi và trướng bụng; ít gặp sốt nhẹ, và đau đầu, nổi mụn sẩn, đau khớp, và đau cơ...

Hội chứng giảm hấp thu có thể phát triển trong giai đoạn cấp hoặc mạn, có thể dẫn đến sụt cân nặng và suy kiệt.

2. Cận lâm sàng

- Soi phân, dịch hút tá tràng hoặc niêm mạc ruột non khi sinh thiết thấy nang trùng hoặc thể tư dưỡng của ký sinh trùng trong bệnh phẩm, cần tiến hành ít nhất 3 lần xét nghiệm trước khi kết luận âm tính.

- Xét nghiệm kháng nguyên trong phân bằng phương pháp ELISA tìm kháng thể IgG, IgM giúp chẩn đoán bệnh.

- Chụp Xquang ruột non thấy bình thường ở những bệnh nhân bị bệnh nhẹ, nhưng ở những bệnh nhân có các triệu chứng nặng có thể cho thấy các dấu hiệu không đặc hiệu như kéo dài thời gian vận chuyển, biến đổi nhu động ruột, dày nếp niêm mạc, đứt đoạn baryte.

Điều trị nhiễm Giardia lamblia

Tất cả những bệnh nhân có triệu chứng cần phải được điều trị. Đồng thời cần cân nhắc điều trị cho những bệnh nhân không có triệu chứng, do những người này có thể truyền bệnh cho những người khác. Đối với các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng, có thể chờ đợi vài tuần trước khi bắt đầu điều trị, để xem bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Thuốc được khuyên dùng là: Tinidazol, Metronidazol, Quinacrin, hoặc Furazolidon.

Sau điều trị, cần xét nghiệm lại phân, hai mẫu trở lên, cách nhau một tuần. Các loại thuốc này đôi khi có các tác dụng phụ gây khó chịu.

Các biện pháp phòng, chống nhiễm Giardia lamblia

- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ: Thực hiện các biện pháp phòng chống chung như phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa

- Vệ sinh phòng bệnh:

+ Thực hiện rửa tay trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi cầu hoặc sau khi dọn vệ sinh cho trẻ.

+ Thực hiện ăn chín, uống sôi

+ Cung cấp nước sạch, tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước, tiến hành lọc các nguồn nước nhiễm phân người hoặc súc vật.

+ Sử dụng hố xí, xử lí phân trẻ hợp vệ sinh.

- Quản lí người lành mang trùng: Định kỳ kiểm tra, xét nghiệm phân của người nhà, người tiếp xúc, người chế biến thực phẩm, thức ăn ở các nhà trẻ, nhà hàng nếu phát hiện có nang trùng hoặc ký sinh trùng thì tổ chức cách ly, điều trị ngay. Nếu cần cho chuyển nghề.

- Xử lý môi trường: Chú ý xử lý sát khuẩn, tẩy uế nguồn phân.

Bệnh nhiễm Giardia nếu được điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn mà không bị di chứng gì. Trái lại không được điều trị, bệnh nhân có thể bị rối loạn hấp thu nặng và có thể dẫn đến tử vong vì các nguyên nhân khác.

Trà Mi

Nên đọc
-3 Những lý do khiến bạn ngáy khi ngủ
-4 Sai lầm thường mắc khi ăn cá
-5 Nên và không nên để bảo vệ gan
-6 Những thực phẩm có lợi cho dạ dày

Theo GDVN

Comments