Bệnh lở miệng
(Giúp bạn)Lở miệng hay nhiệt miệng thường gặp ở nhiều người. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó chịu bởi cảm giác đau đớn cho người bệnh.
Theo Khỏe mỗi ngày, lở miệng là tình trạng xuất hiện nhiều vết loét nhỏ nổi trong miệng, lưỡi, nướu. Theo lương y Vũ Quốc Trung, tình trạng lở miệng rất thường gặp, ai cũng trải qua ít nhất một lần. Mỗi lần bị lở miệng, lưỡi là thấy đau đớn, khó khăn trong ăn uống, nhất là khi ăn món mặn, dùng các loại nước chấm, tỏi, ớt...
Trước đây, nhiều người cho rằng bệnh này do nóng trong người, hay ăn phải thực phẩm có tính nóng mà gây nên như thế; cần phải ăn thức ăn có tính mát. Nhưng về sau này, các nhà chuyên môn nhận thấy không phải như vậy, mà cho rằng bệnh lở miệng gây ra bởi một số yếu tố, trong đó có siêu vi, một vài chất hóa học có trong kem đánh răng, một chế độ ăn thiếu a-xít folic, hoặc chất sắt, và hay gặp ở những phụ nữ mang thai.
Có giả thuyết mới cho rằng vi khuẩn Streptococcus - chuỗi cầu Sanguis; chấn thương tình cảm hay căng thẳng thần kinh cũng có thể khiến phát sinh lở miệng.
Còn theo đông y, bệnh phát sinh do hỏa độc, nhiệt độc, thấp nhiệt ở tỳ, vị, tâm, can, thận, hay gặp nhất là ở tỳ vị.
Triệu chứng bệnh lở miệng
Chứng lở miệng lưỡi có đặc điểm chung là vết loét có màu đỏ xung quanh, trung tâm có mảng mục màu vàng, gây đau nhiều trong khoảng hai-ba ngày và giảm dần khi bắt đầu lành.
Biểu hiện tại chỗ thường là các triệu chứng viêm nhiễm, sưng nóng, đỏ đau, lở loét rất khó chịu, nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm.
Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng-lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chứng bệnh này có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở phụ nữ và trẻ nhỏ hơn.
Những vết loét xảy ra độ vài ngày đến 2 tuần là tự khỏi, không bao giờ để lại sẹo. Tuy nhiên, bệnh thường tái phát.
Nguyên nhân gây lở miệng
- Hỏa độc, nhiệt độc ở tỳ, vị:
Báo Giáo dục Việt Nam cho biết, do cảm phải nhiệt độc từ bên ngoài như nắng nóng… xâm nhập vào tỳ, vị. Hỏa độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, miệng hôi, khô miệng, lưỡi đỏ. Đông y gọi là khẩu sang.
- Thấp nhiệt ở tỳ, vị:
Do ăn uống nhiều chất béo, cay, khó tiêu… nhiệt độc cộng với tân dịch (nước miếng) ở miệng, lâu ngày nung đốt niêm mạc miệng, lưỡi (gọi là thấp nhiệt) gây nên những vết loét, nứt nẻ, những đám nấm trắng ở miệng lưỡi, dân gian quen gọi là đẹn, tưa lưỡi…
Đông y gọi là nga khẩu sang (lở loét, sần sùi giống miệng con vịt), tuyết khẩu (vì miệng có màu trắng (của nấm) giống như tuyết).
Điều trị bệnh lở miệng
1. Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng 2-3 lần hàng ngày. Đánh răng lâu sẽ khiến bạn cảm thấy đau rát thế nên chỉ cần quẹt kem lên từng chiếc răng cho "có lệ", sau đó súc bằng nước súc miệng là được. Lúc này nước súc miệng đóng vai trò như thuốc giảm đau sẽ làm dịu một phần cảm giác rát, tính sát khuẩn của nó còn giúp đánh bay cái lớp vàng nhầy nhầy quanh vết loét. Như vậy, vết thương trong miệng vừa được giảm đau, vừa được sát khuẩn thì sẽ mau lành hơn.
2. Thay đổi thực đơn đặc biệt cho những ngày bị nhiệt miệng: Loại bỏ những món ăn có tính háo nước ra khỏi thực đơn. Tăng cường những loại rau có vị đắng nhưng tính mát như rau đắng, khổ qua, rau má, các loại rau củ giúp thanh nhiệt như bầu, bí, rau dền, giá đậu. Uống các loại nước mát như nước chanh, nước mía, nước đậu xanh, dừa, nha đam. Nếu huyết áp tốt, bạn có thể uống rau má đậu xanh.
3. Uống viên sủi vitamin: Thuốc sủi là trợ thủ đắc lực trong việc chữa nhiệt miệng. Sau khi ngâm trong nước cho thuốc sủi hết bọt, nên uống trước 16h vì vitamin C có tính kích thích thần kinh, uống trễ sẽ gây khó ngủ. Liều lượng khuyên dùng: 60 mg mỗi ngày.
Lưu ý: Nhiệt miệng diễn tiến từ vài ngày đến vài tuần nên bạn cần đầu tư thời gian, kiên trì trị bệnh ít nhất 3 - 4 ngày trở lên mới hiệu quả.
Phòng bệnh lở miệng
1. Uống ít nhất 2 lít nước lọc hàng ngày để cơ thể đủ nước và tươi mát. Đây là biện pháp phòng bệnh về nhiệt đơn giản và ít tốn kém nhất. Không cần phải uống nước mía, nước dừa mà chỉ cần nước lọc là đủ.
2. Hạn chế ăn những thực phẩm liên quan đến 3 chữ “khô, chiên, xào” vì nhóm này có tính háo nước. Nghĩa là khi ăn vào, tự nhiên chúng sẽ hút nước của cơ thể, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt nước, làm cơ nhiệt tăng lên. Để giải quyết bài toán hám ăn đồ khô, chiên thì bạn cần uống nước khoáng hay nước biển khô để bù nước vì nước lọc không thể bù nước kịp trong trường hợp này.
3. Ăn nhiều trái cây, thực phẩm có vitamin C và chất xơ như đu đủ, ổi, cam, cà chua, kiwi, mâm xôi, dâu tây… Các loại trái cây này vừa làm đẹp da, có lợi cho sức khoẻ lại tăng tính mát cho cơ thể. Bạn nên hạn chế ăn trái cây có màu vàng sậm, ngọt lịm như mít, sầu riêng, nhãn vì đây là các loại trái cây nhiệt đới gây nóng trong người.
Trà Mi
Theo GDVN