Nhiễm trùng đường tiết niệu
(Giúp bạn)Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hay thận và sinh sôi nẩy nở rồi gây nhiễm khuẩn cho nước tiểu, cuối cùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng cơ quan của hệ tiết niệu.
Sức khỏe & đời sống dẫn lời BS Bùi Mai Hương cho biết, đường tiết niệu bao gồm nhiều hệ thống và liên quan mật thiết với nhau. Các bộ phận của đường tiết niệu đều có thể bị viêm nhiễm hoặc riêng lẻ hoặc kết hợp, có thể bị nhiễm trùng cấp tính hoặc bị nhiễm trùng mạn tính kéo dài. Nhiễm trùng đường tiết niệu (NTTN) nếu không phát hiện sớm và điều trị tích cực kịp thời đều có thể để lại những hậu quả xấu.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ
Trong cấu tạo của hệ thống đường tiết niệu, có một số nét cần lưu ý đặc biệt như: niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của đàn ông và ở gần 2 cơ quan (âm đạo và lỗ hậu môn) rất dễ gây nhiễm trùng cho niệu đạo, từ đó gây viêm nhiễm ngược dòng lên các cơ quan khác của hệ tiết niệu.
Có rất nhiều loại vi sinh vật có thể gây NTTN ở phụ nữ nhưng đáng lưu ý nhất là các vi khuẩn thuộc đường tiêu hóa như: E.coli, enterobacter, klebsiella, proteus; thứ đến là một số cầu khuẩn như là S.epidermidis (tụ cầu da), S.saprophyticus (tụ cầu hoại sinh), lậu cầu, chlamydia, mycoplasma… hoặc nấm candida albicans.
Đặc biệt, các loại vi khuẩn này có thể vừa gây NTTN vừa gây nhiễm trùng đường sinh dục, nhất là do quan hệ tình dục không đảm bảo vệ sinh.
Yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu
Trong các yếu tố thuận lợi gây NTTN ở nữ giới, người ta cũng thường đề cập đến thói quen nhịn tiểu do nhiều lý do khác nhau, ví dụ như: ngại đi tiểu nhất là mùa đông, ở nơi công cộng mà nơi đi vệ sinh không kín đáo, đi tàu xe dài ngày…
Thêm vào đó, có một số phụ nữ bị NTTN do ngại uống nước. Người ta thấy, NTTN có thể do quan hệ tình dục không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ đường sinh dục, tiết niệu hoặc quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh NTTN đã có sẵn như: viêm đường sinh dục do lậu cầu, mycoplasma, chlamy- dia, vi nấm hoặc do tắc nghẽn bàng quang bởi sỏi; hoặc mắc một số bệnh như: đái tháo đường, nằm bất động dài ngày; hoặc ít cử động như: trong bó bột do gãy xương đùi, khung chậu…
Một số thao tác y tế do dụng cụ y tế không vô khuẩn hoặc do bàn tay cán bộ y tế chưa thật sự vô khuẩn cũng có thể gây nên NTTN như: nong niệu đạo, thông niệu đạo, thăm dò bàng quang, tán sỏi…
Người ta cũng đã ghi nhận trong mốt số trường hợp NTTN do dụng cụ phòng tránh thai như màng ngăn âm đạo hoặc bao cao su. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp NTTN không xác định được yếu tố thuận lợi.
Biểu hiện của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiều trường hợp NTTN có cả giai đoạn cấp tính và giai đoạn mạn tính. Trong trường hợp cấp tính có thể có sốt, tiểu buốt, tiểu máu hoặc tiểu mủ (lậu cấp tính), buồn nôn, nôn. NTTN mạn tính thường hay đau thắt lưng và nhất là phía bên đường tiết niệu bị viêm nhiễm. Một số trường hợp có thể có đầy hơi, chướng bụng đặc biệt là viêm nhiễm do sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản), hiện tượng tiểu dắt, tiểu buốt, tiểu són cũng thường bắt gặp.
NTTN ở phụ nữ nếu không được điều trị triệt để và kịp thời có thể gây nên áp-xe quanh thận, viêm bể thận và suy thận cấp tính hoặc bị nhiễm trùng máu. Những phụ nữ đang mang thai nếu bị NTTN có thể gây sảy thai, sinh non hoặc gây nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ.
Điều quan trọng nhất là khi nghi ngờ bị NTTN cần đi khám bệnh ngay, nhất là khám ở những cơ sở y tế có các điều kiện tối thiểu để xác định căn nguyên gây NTTN.
Khi khám bệnh, bác sĩ ngoài khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh (tìm yếu tố thuận lợi gây NTTN) sẽ chỉ định làm siêu âm, chụp X-quang hệ thống đường tiết niệu, đặc biệt là khi nghi ngờ là NTTN sẽ cho làm xét nghiệm nước tiểu, từ khâu nhuộm soi kính hiển vi cho đến các kỹ thuật cao hơn là nuôi cấy tìm vi khuẩn có trong nước tiểu.
Ngăn chặn nhiễm trùng đường tiết niệu
Theo Pháp luật Xã hội, nhiễm trùng đường tiểu tương đối dễ điều trị nhưng chúng cũng khiến bạn đau đớn, khổ sở. Hãy tham khảo những mẹo dưới đây để phòng tránh căn bệnh này:
Đi tiểu sau khi "XXX": Trong khi XXX, các vi khuẩn li ti có thể thâm nhập vào đường tiết niệu, vì vậy cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu là đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.
Mặc quần chíp bằng vải cotton: Vải cotton luôn có độ thoáng tốt, không gây bí bách, ra mồ hôi, như vải nylon hoặc các loại vả khác. Dù thế nào, nó cũng giúp “cậu bé”, “cô bé” dễ thở hơn. Do đó, bạn nên tránh mặc quần chíp bằng vải tơ nhân tạo hoặc bằng nylon nhé.
Thay quần áo ướt ngay sau khi bơi: Bộ quần áo bơi ẩm ướt là vùng đất “chăn nuôi” tiềm năng cho những vi khuẩn gây bệnh viêm đường tiết niệu đấy. Nhớ tắm lại và thay luôn bộ quần áo khô ráo sạch sẽ sau khi bơi xong.
Uống nhiều nước: Để giữ cho đường tiểu của bạn luôn khoẻ mạnh, sạch sẽ và không nhiễm trùng bạn cũng cần phải uống nhiều nước nữa đấy. Uống nước nhiều giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn và cũng là cách tốt nhất để “tống khứ” những con vi khuẩn đáng ghét ra ngoài cơ thể.
Vệ sinh vùng kín từ trước ra sau: Sau khi tắm hoặc vệ sinh vùng kín xong bạn cần lau chùi từ trước ra phía sau để tránh lây lan vi trùng vi khuẩn từ hậu môn lên đường tiết niệu.
Uống nước ép quả nam việt quất: Nếu bạn cảm thấy hay phải đi tiểu nhiều lần trong ngày, mà mỗi lần đi được có tí tẹo thui thì cũng có thể là dấu hiệu bắt đầu của viêm nhiễm đường tiết niệu đấy.
Nước ép trái cây nam việt quất rất giàu các loại vitamin và chất chống ôxi hoá sẽ chống lại sự viêm nhiễm ở đường tiết niệu.
Không sử dụng xà bông khi tắm: Đây là điều rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu. Thỉnh thoảng sử dụng bọt bong bóng xà phòng cũng không sao nhưng nếu càng nhiều hoá chất thì càng dễ gây kích ứng đường tiểu và dễ nhiễm trùng hơn.
Nếu bọt bong bóng là sở thích của bạn thì hãy thử hạn chế dùng chúng, chỉ dùng một hoặc hai lần mỗi tháng và nếu bạn là người dễ mắc nhiễm trùng thì nên tránh hoàn toàn.
Nếu bạn cảm thấy bệnh tình ngày càng khó chịu và nặng thêm thì đến gặp bác sĩ ngay lập tức để điều trị bệnh viêm nhiễm. Hãy chú ý các triệu chứng của bệnh mà đừng cố chịu đựng hoặc trì hoãn việc chữa trị khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Tham khảo thuốc: Nitrofurantoin: là thuốc kháng khuẩn, dẫn chất nitrofuran, có tác dụng chống nhiều chủng vi khuẩn đường tiết niệu Gram âm và Gram dương. |
Trà Mi
Theo GDVN