Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo lứa tuổi
(Giúp bạn)Nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi lứa tuổi là khác nhau nên cha mẹ cần có sự hiểu biết nhất định để cân đối tỷ lệ năng lượng hợp lý, giúp trẻ không bị suy dinh dưỡng và phát triển toàn diện.
Ảnh minh họa.
Nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi
Khi trẻ bước vào tuổi ăn dặm sau 6 tháng đầu đời bú mẹ hoàn toàn thì khá nhiều phụ huynh còn mơ hồ và khá lúng túng khi chế biến bữa ăn cho con. Chia sẻ trên trang, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, bố mẹ cần có sự hiểu biết nhất định để cân đối tỷ lệ năng lượng hợp lý, giúp trẻ không bị suy dinh dưỡng vì thiếu chất.
Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lí theo lứa tuổi.
Theo bác sĩ Hương, có 4 nhóm thực phẩm chính cần thiết trong các bữa ăn hàng ngày của trẻ là chất bột đường, chất béo, chất đạm và nhóm rau củ, trái cây. Mỗi nhóm chất có một vai trò thiết thực riêng.
- Chất bột đường: cung cấp năng lượng cho cơ thể, tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào. Chiếm 50% tổng nhu cầu năng lượng trong ngày của trẻ.
- Chất béo: vừa là nguồn cấp năng lượng vừa là thành phần của màng tế bào và mô não. Ngoài ra, chất béo còn là dung môi giúp các vitamin A, D, E, K hòa tan, hấp thu vào cơ thể.
Trẻ dưới 6 tháng cần 45-50% chất béo do sữa mẹ cung cấp. Trẻ từ 7 tháng trở đi nhu cầu chất béo khoảng 40% trong tổng khẩu phần ăn của trẻ.
- Chất đạm: là vật liệu xây dựng nên các tế bào, là nguyên liệu để tạo dịch tiêu hóa, các nội tiết tố...
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống có nhu cầu đạm là 2g/kg cân nặng mỗi ngày. Trẻ từ 7 đến 12 tháng, nhu cầu này là 2,2 g và ở trẻ từ 13 đến 24 tháng là 1,7g.
Yêu cầu tỷ lệ đạm động vật ở trẻ dưới 6 tháng tuổi là 100% (có trong sữa mẹ), ở trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi là 70% và ở trẻ 13 đến 24 tháng tuổi là trên 60%.
- Rau, trái cây: cung cấp các vitamin, nước và một số khoáng chất. Cung cấp chất xơ giúp điều hòa nhu động ruột, tăng tải cholesterol. Trẻ nhận đủ lượng rau, trái cây sẽ không táo bón, da mịn màng, ít các bệnh lý nhiễm trùng.
Chế độ ăn phù hợp lứa tuổi
- 7-8 tháng: ăn dặm 1-2 bữa bột mỗi ngày, từ loãng đến sệt. Bú mẹ nhiều lần trong ngày.
- 9-18 tháng: ăn 2-3 bữa cháo, từ sệt chuyển sang đặc, bú mẹ, uống thêm sữa, ăn thêm các chế phẩm từ sữa và trái cây.
- 18-24 tháng: ăn 3 bữa chính cơm nát và cháo đặc, uống thêm sữa, ăn thêm các chế phẩm từ sữa và trái cây.
Bác sĩ Hương đã lưu ý, bữa ăn chính của trẻ chỉ nên kéo dài tối đa 40 phút. Nếu trẻ ăn quá lâu và quá ít thì nên ghép những món mà trẻ thích ngay sau bữa ăn để tạo thành một bữa ăn lớn hoàn chỉnh.
Ảnh minh họa.
Chế biến 1 chén bột đủ 4 nhóm thực phẩm cho trẻ ở tuổi tập ăn dặm:
- Bột gạo: 20g
- Nạc sống như thịt/cá/tép...: 20g (băm nhuyễn đong khoảng 1 muỗng cà phê lớn)
- Rau/củ/...: 20g
- Dầu tinh luyện : 5-10g
Chế biến 1 chén cháo đủ 4 nhóm thực phẩm cho trẻ từ 9 tháng trở lên:
- Gạo: 25-30g
- Thịt/ cá/ tép/ trứng...: 25-30g
- Rau/củ: 20-25g
- Dầu tinh luyện: 5-10g
Một số lời khuyên về ăn uống cho trẻ:
- Chỉ nên cho ăn một loại thức ăn mới trong vài ngày, rồi theo dõi có xuất hiện phản ứng dị ứng hay không ( phát ban , ói mữa, tiêu chảy )
- Không cho ăn thức ăn đặc vào bình sữa
- Thức ăn của bé phải được chứa/ đựng trong những hộp có nắp, đậy kín, và bảo quản trong tủ lạnh không quá 2 ngày
- Sử dụng muỗng nhỏ khi đút bé ăn
- Tránh đặt bé nằm trên giường, ngậm bình có chứa sữa, nước trái cây, nước giải khát ngọt vì có thể làm phát triển những bệnh răng miệng. Nếu thực sự cần, hãy cho trẻ dùng nước lọc.
- Tránh những thức ăn có thể khiến cho bé bị nghẹt thở