Mẹo chăm sóc trẻ khi bị cảm lạnh vào mùa hè
(Giúp bạn) - Thời tiết nắng nóng và oi bức mùa hè đôi khi có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ hoạt động kém hơn, nếu không được chăm sóc đúng cách rất có thể bé sẽ dễ mắc phải tình trạng cảm lạnh mùa hè.
Cảm lạnh ở trẻ rất dễ xảy ra nếu cha mẹ sử dụng điều hòa nhiệt độ, quạt hơi nước, quạt gió để làm mát cho bé không đúng cách. Ngoài ra việc cho bé tắm khi chưa ráo mồ hôi, không thường xuyên thấm mồ hôi ở lưng bé cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cảm lạnh mùa hè.
Một vài lời khuyên dưới đây sẽ giúp cha mẹ xử lý cơn cảm lạnh mùa hè nhanh chóng cho bé:
- Mẹ nên thường xuyên chuẩn bị các vật dụng y tế cần thiết trong gia đình để phòng chống cảm lạnh, cảm cúm như nước muối sinh lý rửa mắt, mũi, dụng cụ hút mũi, nước súc miệng, thuốc hạ sốt, cặp nhiệt độ (hoặc nhiệt kế).
Luôn có nhiệt kế trong tủ thuốc của gia đình |
- Mẹ cần biết cách xử lý cơn cảm lạnh của bé theo lứa tuổi. Nếu bé còn quá nhỏ (dưới 3 tháng tuổi) và có các dấu hiệu như ho, sốt, chảy nước mũi, cần đưa trẻ đến bác sỹ để khám và điều trị dứt điểm. Do hệ miễn dịch còn non yếu và khá nhạy cảm nên tốt nhất mẹ không nên xử lý cảm lạnh, cảm cúm cho trẻ sơ sinh tại nhà.
- Đối với những em bé lớn hơn một chút, mẹ cần chú ý đưa bé đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu như sốt cao (39 – 40 độ C), sốt li bì, mất nước, ho nhiều kèm theo các triệu chứng như tức ngực, khó thở, ho kéo dài hơn một tuần.
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh miệng, mũi của bé. Nếu bé bị ngạt mũi, có thể giúp bé hít thở dễ dàng hơn bằng cách nhỏ nước mũi và sử dụng dụng cụ hút mũi làm sạch dịch nhầy trong mũi của bé.
Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé |
- Nếu tình trạng ngạt mũi của bé không thuyên giảm, bạn có thể nâng đầu bé lên cao một chút, đặt thêm khăn ở dưới gối của bé để cải thiện giấc ngủ hoặc có thể cho bé nằm nghiêng để dễ thở hơn.
- Cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng kín để hỗ trợ làm giảm chất nhày và giảm tình trạng nghẹt mũi cho bé.
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể cho bé bên cạnh đó cần làm sạch đồ chơi, quần áo, chăn gối để tránh vi trùng lây lan. Mẹ cũng cần phải thường xuyên rửa tay trước và sau khi chăm sóc bé.
- Mẹ cần chú ý khi bé bị sốt và đổ mồ hôi, dùng khăn thấm mồ hôi và cho bé mặc quần áo mát mẻ, thấm hút tốt. Nếu để trẻ bị ướt lưng có thể dẫn đến nguy cơ bị viêm phổi rất nguy hiểm.
- Trong những ngày bé bị bệnh mẹ nên cho bé bú và uống nước nhiều hơn. Việc cung cấp nước cho bé khi ốm sốt là điều đặc biệt cần thiết để giữ nước trong cơ thể. Cung cấp đủ nước cũng giúp bé mau chóng khỏi bệnh hơn. Mỗi em bé nặng khoảng 4,5kg trong vòng 24h cần phải được cung cấp 450ml nước. Tương tự, một em bé nặng 9kg cần được cung cấp 900ml nước mỗi ngày. Trong trường hợp bé không chịu uống nước hay bú sữa mẹ, cần đưa bé đến cơ sở y tế nhằm có những biện pháp bù nước cho cơ thể tốt hơn.
Cho trẻ bú nhiều hơn bổ sung nước và đề kháng cho cơ thể |
Đôi khi mẹ hoàn toàn không thể phân biệt được một cơn cảm lạnh thông thường với một căn bệnh nguy hiểm hơn. Mẹ có thể tham khảo thêm lời khuyên của bác sỹ trong việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh đối với sức khỏe của bé.
Bé sốt cao và ngủ ly bì, quấy khóc là những dấu hiệu thông thường khi trẻ nhiễm bệnh và mệt mỏi. Tuy nhiên nếu những biểu hiện này kéo dài thì mẹ không nên xem thường mà hãy chủ động xin lời khuyên của bác sỹ.
Bé có dấu hiệu thở gấp, thở khó, đau ngực cần phải được theo dõi sát sao. Mẹ có thể sử dụng đồng hồ để đếm nhịp thở của bé trong vòng 10 giây sau đó nhân với 6 để kiểm tra xem bé có nhịp thở bình thường hay không (Trung bình mỗi em bé khỏe mạnh mới sinh sẽ thở khoảng 50 – 60 nhịp/ phút; đối với trẻ lớn hơn là 30 -40 nhịp/ phút).