Rung nhĩ: Dấu hiệu và cách xử lý

15:55 14/04/2015

(Giúp bạn)Điều trị rung nhĩ bao gồm việc chuyển nhịp, kiểm soát tần số tim và chống hình thành các cục máu đông trong buồng tim.

Theo Wikipedia, rung nhĩ (Atrial fibrillation) là rối loạn dòng điện trong tâm nhĩ làm co giật cơ thành dạng rung nhanh và không đều. Phần lớn do điện chạy ngược trở lên từ tâm thất hay do điện bị cản và dội lại. Điều đáng nói là nhiều người bị rung nhĩ nhưng không có biểu hiện gì, vẫn có thể sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, rung nhĩ là nguyên nhân hàng đầu (cùng với tăng huyết áp) gây ra 15% tổng số trường hợp nhồi máu não trên toàn thế giới hằng năm.

Những dấu hiệu nhận biết

Theo Sức khỏe và đời sống, triệu chứng cơ năng của bệnh chủ yếu là cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, đôi khi kèm theo hoa mắt chóng mặt, thấy tim đập nhanh và không đều. Rung nhĩ có thể gây cảm giác rất khó chịu, đặc biệt là về đêm làm người bệnh khó ngủ.

-1

(Ảnh minh họa)

Một số bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, tức ngực, thậm chí khó thở khi lên cơn rung nhĩ. Triệu chứng chủ yếu là nghe thấy nhịp tim rối loạn hoàn toàn, không theo một nhịp điệu nào cả. Một số bệnh nhân tự bắt mạch mình thấy nhịp tim không đều, hay đôi khi có đoạn mạch yếu, chìm xuống.

Rung nhĩ có thể xảy ra liên tục, cũng có thể xuất hiện thành từng cơn. Cơn rung nhĩ thường xuất hiện khi gắng sức, khi lo lắng, giận dữ hay khi có các stress tâm lý. Cơn rung nhĩ giai đoạn đầu thường tự xuất hiện và tự hết khi bệnh nhân nghỉ ngơi hay hết các stress.

Càng về sau, cơn rung nhĩ có thể càng kéo dài, thậm chí vài ngày và thời gian xuất hiện ngày càng nhiều hơn.Tuy nhiên, các triệu chứng cơ năng của rung nhĩ không hoàn toàn đặc hiệu, có thể rất thầm lặng.

Một số bệnh nhân có thể nhầm lẫn triệu chứng của rung nhĩ với các bệnh khác, đặc biệt khi bệnh nhân đã có bệnh lý nội ngoại khoa từ trước. Chính đặc điểm này làm rung nhĩ đôi khi được chẩn đoán muộn, khi bệnh nhân đã có nhồi máu não hay các biến chứng tắc mạch khác.

Xử trí rung nhĩ bằng cách nào?Điều trị rung nhĩ bao gồm việc chuyển nhịp, kiểm soát tần số tim và chống hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Hiện nay thường sử dụng các thuốc chuyển nhịp hay chuyển nhịp bằng shock điện và thậm chí là phẫu thuật. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này không cao, dễ tái phát, đôi khi rất tốn kém và phức tạp. Việc điều trị chuyển nhịp về lâu dài không mang lại lợi ích về mặt tiên lượng tử vong so với kiểm soát tần số tim cho bệnh nhân.

Điều trị kiểm soát tần số đáp ứng thất kết hợp với chống đông thường được các bác sĩ lựa chọn đầu tiên. Bệnh nhân có thể được điều trị kiểm soát tần số kết hợp với chống đông lâu dài, nếu không có triệu chứng khó chịu và bệnh nhân tuân thủ được dùng thuốc và theo dõi hiệu quả chống đông.

Tuy nhiên, kiểm soát tần số thất với một số bệnh nhân có thể khó khăn, đặc biệt với người già do dùng các thuốc này đồng thời gây ra tác dụng nhịp chậm, thậm chí bệnh nhân có thể mệt mỏi, choáng ngất.

Dùng thuốc chống đông đường uống cho bệnh nhân rung nhĩ hiện nay vẫn là một thách thức. Các thuốc chống đông đường uống phổ biến ở nước ta hiện nay bị ảnh hưởng nhiều do chế độ ăn hay tương tác với các thuốc đang dùng.

Mặt khác, nhiều bệnh nhân khó tuân thủ điều trị, dùng thuốc phải theo dõi hàng tháng dẫn tới chi phí tốn kém. Nếu uống thuốc chống đông mà không được theo dõi cẩn thận có thể có biến chứng do uống thuốc chưa đạt liều hoặc quá liều. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể mắc biến chứng chảy máu não, chảy máu dạ dày do quá liều thuốc chống đông, đôi khi dẫn tới tử vong.

Hiện nay, có một số biện pháp điều trị mới hứa hẹn sẽ giúp điều trị rung nhĩ hiệu quả hơn như: bít tiểu nhĩ bằng dụng cụ làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ trái, giảm các tai biến tắc mạch liên quan đến rung nhĩ.

Hiện nay, bít tiểu nhĩ được chỉ định cho những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim và không dung nạp với thuốc chống đông đường uống.Phòng chống bệnh rung nhĩ bằng cách tập luyện thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, rượu, bia, kiêng cà phê và ăn nhạt.

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Việc bổ sung acid folic phải được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ trong điều trị thiếu máu ác tính nguyên hồng cầu khổng lồ. Vì triệu chứng thiếu acid folic dễ che lấp triệu chứng thiếu hụt B12 nên thường người ta dùng B12 trước để điều trị thiếu máu ác tính, nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang dùng acid folic.

Tú Liên

Nên đọc
-2 Dễ mắc nguy cơ đột quỵ vì bệnh rung nhĩ
-3 Làm cha mẹ tuyệt vời từ những hành động nhỏ
-4 Trẻ sơ sinh thiếu hụt vitamin D
-5 Ôm nhau mang đến nhiều lợi ích sức khỏe

Theo GDVN

Comments