Tác dụng chữa bệnh của cây hoàng liên
(Giúp bạn)
Củ Hoàng liên là vị thuốc rất qúy, thường mọc trên vùng núi cao, ẩm thấp. Ở Việt nam có Xuyên hoàng liên, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, được trồng ở Sapa (Lào cai), Quản bạ (Hà Giang) và vị hoàng đằng cũng có công dụng và chiết xuất chất berberin giống hoàng liên, có mọc khắp nơi từ Bắc chí Nam. Ở Trung Quốc có:Vân hoàng liên ở Vân Nam, Hồ hoàng liên ở Hồ Nam, Xuyên hoàng liên ở Tứ xuyên và dã hoàng liên, rất quí hiếm ở núi Nga Mi.
1/ Hoàng liên chữa viêm chân răng, viêm họng:
Ở nước ta, người bị VIÊM CHÂN RĂNG – VIÊM HỌNG – VIÊM LƯỠI có tỷ lệ rất cao, nhất là ở người lớn tuổi và trẻ em. Viêm chân răng có thể gây làm mũ, làm răng lung lay, đau nhức và làm hư răng; Viêm họng lâu dài cũng gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm như viêm phế quản, viêm đường tiêu hoá, viêm cầu thận …
Nguyên nhân viêm chân răng, viêm họng có thể là do bị tổn thương khi ăn uống, nhưng hầu hết là do bị vi khuẩn, vi trùng tấn công.
Thuốc Đông y trị viêm chân răng, viêm họng, viêm lưỡi có nhiều, như: Dùng bột tổ ong vò vẽ đốt tồn tính, bột thanh phàn, bột thanh đại, lá rau bồ ngót… xát vào răng miệng để diệt vị trùng, vi khuẩn. Nhưng có lẽ dùng rượu Hoàng liên để ngậm là có hiệu quả nhanh nhất.
Bài thuốc này tôi học được của Đại tá Quách Tự Hấp, người Quảng Nam, hưu trí ở thành phố Nha Trang, nhân chuyến Ông đi xe đạp xuyên Việt, có ghé Phan thiết để thăm lại chiến trường xưa và thăm đồng đội. Biết tôi là lương y, nên Ông phổ biến cho bài thuốc chữa viêm răng. Ông nói: "Tôi đậu tú tài Pháp, tham gia bộ đội từ năm 1945, liên tục ở các chiến trường Quân khu V, Lào và Cam pu chia. Tuy là người được học ở trường Tây, nhưng tôi lại rất thích tìm hiểu về Đông y và sưu tầm được một số bài thuốc YHDT khá lý thú, nhưng tâm đắc nhất là bài “Hoàng liên ngâm rượu, trị viêm chân răng”. Nguyên trước kia, Tôi bị viêm hai hàm răng trong mấy tháng trời. Răng lung lay tưởng chừng muốn rụng cả, ăn uống rất khó khăn. May có đồng đội cho bài thuốc Hoàng liên ngâm rượu, chỉ ngậm vài lần là hàm răng cứng chắc lại. Đến nay đã trên 70 tuổi mà răng tôi vẫn còn tốt”.
Hoàng liên là vị thuốc bổ đắng, có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, tả hoả rất hay, lương y ai cũng biết. Nhưng đây là “người thực việc thực”, của một trí thức truyền lại nên qúy giá vô cùng.
Bài thuốc:
- Hoàng liên 15g (giã nát). (Có thể thay thế vị Hoàng đằng 30g)
- 1 xị Rượu (250 ml), khoảng 30 độ.
Ngâm trong chai hay lọ, chừng vài ngày có thể dùng được.
Cách dùng: Tôi dùng bài thuốc trên chữa các bệnh.
a/ Trị viêm chân răng – viêm họng – viêm lưỡi:
Cho rượu hoàng liên ra ly, pha thêm ít nước lạnh vào cho loãng, để đở đắng, ngậm chừng 10 phút, nhổ ra ngoài. Ngày 1 – 2 lần. Chừng vài lần thì bớt.
b/ Trị viêm tại giữa:
Dùng bông gòn, chấm thuốc rượu Hoàng liên, ráy vào tai. Ngày 1 lần. Chừng vài lần sẽ hết viêm.
c/ Trị Viêm mắt, mắt đỏ:
Cho một ít rượu Hoàng liên ra ly sạch, pha loãng với nước lọc, để chừng nữa giờ cho bay hết rượu, hay đem nấu lên cho bay rượu. Dùng bông sạch chấm nước trên đắp lên mắt, chừng 5 phút. Ngày 1 – 2 lần. Rất mau bớt.
2/ Tánh vị của Hoàng liên (Coptis chinensis Franch).
“Hoàng liên vị khổ./ Tả tâm trừ bỉ./ Thanh nhiệt minh mục./ Hậu trường chỉ lỵ”. (Y Học nhập môn). Hoàng liên vị đắng, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, tả hoả, giải độc, sát trùng. Dùng làm thuốc bổ đắng, chữa tiêu hoá kém, viêm loét dạ dày, tiêu chảy, kiết lỵ, nôn mữa, viêm thận cấp. Dịch chiết từ hoàng liên dùng để rửa mắt, nhỏ mắt chữa viêm màng kết mạc, chữa ho gà, hoàng đản, sốt cao, thấp nhiệt bỉ mãn, muộn phiền khó ngũ (âm hư hoả vượng), răng đau, mắt đỏ, khát nước, mụn nhọt, mẫn ngứa, tai chảy mủ.
Hoàng Liên, Hoàng bá, Hoàng đằng có hoạt chất Berberin chữa lỵ trực trùng, sốt rét, viêm loét dạ dày, viêm nhiễm đường tiêu hoá, tiêu chảy, viêm mắt, mụn nhọt, các bệnh về Gan, Mật…
- Berberin còn giúp ngăn ngừa nhiễm nấm, bội nhiễm nấm, chống lại tác hại của vi khuẩn bệnh tả, E.Coli.
- Đặc biệt, Berberin điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, mà không ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột.
- Dùng kháng sinh kết hợp với Berberin sẽ hạn chế tác dụng phụ do kháng sinh gây ra. Berberin còn có tác dụng hạ huyết áp, cường tim, chống loạn nhịp tim.
- Berberin ngăn ngừa khởi phát bệnh đái tháo đường, cơn nhịp nhanh thất và đột tử do bệnh mạch vành sau những tổn thương do thiếu máu cơ tim.
- Berberin còn ức chế co cơ, giảm cholestérol và triglycerid, giảm viêm khớp, kích thích sự bài tiết mật, thải trừ bilirubin.
Cấm kỵ: Không nên dùng chung hoàng liên với cà phê, ca cao, trà liều cao. Có thể bị ngộ độc. Sách xưa có nói “Khi dùng hoàng liên thì cử dùng thịt heo. Nhưng cũng có sách nói đến tác dụng chữa bệnh khi dùng chung hai vị này”. Tôi chưa thấy ai nói đã bị ngộ độc khi dùng chung hai vị này với nhau.
3/ Hoàng liên vị thuốc trường sanh:
Vị thuốc hoàng liên đã được sử dụng từ lâu đời trong Đông y và các “Đạo gia” thường dùng lâu dài, để được sống “trường sanh bất tử”.
- Trong “Thần nông bản thảo kinh”, xếp hoàng liên vào loại “thượng phẩm”, nghĩa là vị thuốc không độc, có thể dùng lâu dài, để bổ dưỡng.
- Trong cuốn “Thần tiên truyện” của Cát Hồng, hiệu là Bảo Phác Tử, đời Đông Tấn (284 – 364), có ghi: “Phong Quân Lý Huyệt Công đã uống hoàng liên trong 50 năm, đắc đạo thành tiên” (Phong quân Lý Huyệt Công, tịnh phục hoàng liên ngũ thập niên, đắc tiên).
- Ngô Khoan, trong tác phẩm “Hoàng Liên thi”, đời nhà Minh cũng có viết:”… Hoàng liên có vị đắng đặc trưng, uống vào tăng tuổi thọ, lại chữa được nhiều bệnh”. (…Phục thực khả tư thọ, kỳ công lợi ư bệnh).
- Đào Hoằng Cảnh, còn được gọi là Hoa Dương An Cư hay Trinh Bạch Tiên sinh (456-536), người Đơn Dương, Nam Kinh. Là nhà Y học lớn, nhà lý luận đạo giáo trứ danh đời Tề, Lương. Ông để lại 44 tác phẩm, trong đó có bộ “Bản Thảo Kinh tạp chú” có ghi về vị Hoàng liên như sau: “Hoàng liên được các vị đạo gia trọng dụng, dùng trong các phương riêng (đạo phương), uống lâu dài để được trường sanh bất lão” (cửu phục trường sanh, bất lão diên niên) …
- Thánh y Trương Trọng Cảnh (145-208), cũng đã sử dụng hàng chục bài thuốc có vị Hoàng liên làm quân, như: Hoàng liên tả tâm thang (Kim qủy) để chữa chứng nhiệt uất bên trong gây bức huyết vọng hành, làm nôn ra máu, chảy máu cam, đái ra máu; Hoàng liên thang (Thương hàn luận) để cân bằng hàn nhiệt, hoà vị giáng nghịch; Bán hạ tả tâm thang (Thương hàn luận) để hoà vị, giáng nghịch, khai kết, trừ bỉ … Ngòai ra, trong Đông y có hàng chục thang thuốc có sử dụng Hòang liên, như: Ngưu hòang thanh tâm hoàn, An cung ngưu hoàn hoàng, Tam hòang tả tâm thang, Đương qui long hội hòan, Ô mai hòan, Phì nhi hòan, Đương qui lục hòan ẩm thủy, Cát căn Hòang liên thang, Tiểu nhi hồi xuân đơn, Tiểu hãm hung thang, Chỉ thực đạo trệ thang, Hương Liên hòan, Phổ tế tiêu độc ẩm, Thanh dinh thang, Thanh ôn bại độc ẩm, Hòang liên giải độc thang, Bạch đầu ông thang…
Hoàng liên là vị thuốc tôi rất tâm đắc và đã sử dụng để trị các chứng viêm chân răng, viêm họng, viêm lưỡi, viêm tai, viêm mắt, viêm xoang, giải uất, thanh nhiệt … và cho hoàng liên vào các chế phẩm như: Hoàn dạ dày, thuốc bổ “Tiêu cam dưỡng tỳ” cho trẻ em, “Ngưu hoàng hoàn” chữa các chứng nhiệt uất sinh mụt nhọt, ngứa lở, nóng xót trong lòng ngực, nôn ra máu … rất hiệu nghiệm./.
Tên khác:
Vị thuốc Hoàng liên, còn có tên Vương liên (Bản Kinh), Chi liên (Dược Tính Luận), Thủy liên Danh vậng, Vận liên, Thượng thảo, Đống liên, Tỉnh Hoàng liên, Trích đởm chi (Hoà Hán Dược Khảo), Xuyên Hoàng liên. Tiểu xuyên tiêu, Xuyên nhã liên, Xuyên liên, Thượng xuyên liên, Nhã liên, Cổ dũng liên, Chân xuyên liên (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên gọi:
Vị này có rễ như những hạt châu liên tiếp kết lại, có màu vàng nên gọi là Hoàng liên (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tác dụng:
+ Sát tiểu nhi cam trùng, trấn Can, khứ nhiệt độc (Dược Tính Luận).
+ Tả Tâm hỏa, trừ thấp nhiệt ở Tỳ Vị (Y Học Khải Nguyên).
+ An Tâm, chỉ mộng di (tinh), định cuồng táo (Bản Thảo Tân Biên).
+ Giải độc Khinh phấn (Bản Thảo Cương Mục).
+ Tả hỏa, táo thấp, giải độc, sát trùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
Chủ trị:
+ Trị Tâm hỏa thịnh, phiền táo, miệng lở, nôn mửa do Vị nhiệt, kiết lỵ do thấp nhiệt, tiêu chảy, mắt đỏ, mắt sưng đau, lở loét do nhiệt độc, thấp chẩn (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị thời hành nhiệt độc, thương hàn, nhiệt thịnh, tâm phiền, bỉ mãn, nôn nghịch, kiết lỵ, tiêu chảy do nhiệt, bụng đau, phế kết hạch, tiêu khát, cam tích, giun đũa, hoa gà, họng sưng đau, mắt lẹo, miệng lở, ung thư nhọt độc, thấp chẩn, thủy đậu (Trung Dược Đại Từ Điển).
Liều dùng: 4 – 12g
Kiêng kỵ:
+ Huyết thiếu khí hư, tỳ vị suy nhược, thiếu máu gây ra hồi hộp mất ngủ mà kèm theo phiền nhiệt táo khát, sau khi sinh mất ngủ, huyết hư phát sốt, tiêu chảy, bụng đau, trẻ con lên đậu, dương hư gây tiêu chảy, người lớn tuổi bị tiêu chảy do Tỳ Vị hư hàn, người âm hư tiêu chảy vào buổi sáng, chân âm bất túc, nội nhiệt phiền táo, đều cấm dùng Hoàng liên, nên cẩn thận vì nó mát quá (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Hoàng liên ghét Cúc hoa, Huyền sâm, Bạch tiển bì, Nguyên hoa (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
+ Ghét Bạch cương tàm, Kỵ thịt heo (Dược Tính Luận).
+ Sợ Ngưu tất (Độc Bản Thảo).
+ Hoàng cầm, Long cốt, Lý thạch làm sứ cho Hoàng liên (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
+ Giải độc Ba đậu, Ô đầu (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị tà hỏa nung nấu bên trong, bức bách huyết vận hành bậy gây nên nôn ra máu, chảy máu cam, táo bón, tiểu đỏ, thấp nhiệt uẩn kết bên trong, đầy tức, nóng bứt rứt trong ngực, rêu lưỡi vàng dính, mắt sưng đỏ, miệng lưỡi lở và các chứng lở loét trong ngoại khoa kèm các chứng nóng nảy trong tim ngực, táo bón: Hoàng liên 8g, Hoàng cầm12g, Đại hoàng 16g. Sắc uống (Tả Tâm Thang – Thương Hàn Luận).
+ Trị lở loét do nhiệt độc: Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá mỗi thứ 8g, Chi tử 12g. Sắc uống (Hoàng liên Giải Độc Thang – Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị kinh Tâm có thực nhiệt: Hoàng liên 28g, sắc với 1,5 chén nước, còn 1 chén, uống ấm (Tả Tâm Thang – Hòa Tễ Cục phương).
+ Trị nôn mửa ra nước chua, đau sườn trái: gồm: Hoàng liên 6 phần, Ngô thù du 1 phần. Tán bột, làm viên mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, với nước nóng (Tả Kim Hoàn – Đan Khê Tâm Pháp).
+ Trị tâm phiền, ảo não, phản vị, hoản sợ, hồi hộp, nhiệt ở phần trên: Hoàng liên 20g, Chu sa 16g, Cam thảo 10g. tán bột. Lấy rượu chưng, trộn thuốc bột làm thành viên, to bằng hạt lúa lớn. mỗi lần uống 10 viên (Hoàng liên An Thần Hoàn – Nhân Trai Trực Chỉ).
+ Trị bệnh sốt mà dư nhiệt chưa dứt, nóng nảy trong ngực không ngủ: Hoàng liên 3,2g, A giao 8g, Kê tử hoàng 1 cái, Thược dược 12g, Hoàng cầm 8g. Sắc uống (Hoàng Liên A Giao Thang – Thông Tục Thương Hàn Luận).
+ Trị tâm thận bất giao, hồi hộp, không ngủ được: Xuyên liên 20g, Nhục quế tâm 2g. tán bột, trộn với mật làm viên, uống với nước muối nhạt, lúc đói (Giao Thái Hoàn – Tứ Khoa Giản Hiệu).
+ Trị sởi đã mọc ra mà bứt rứt: Hoàng liên với cây Xích sanh mộc cho vào sắc chung với bài ‘Tam Hoàng Thạch Cao Thang’ uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị mồ hôi trộm, sắc mặt vẫn còn có thần khí: dùng bài ‘Đương Quy Lục Hoàng Thang’ thêm Hoàng cầm, Táo nhân, Long não (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị phong nhiệt công lên làm mắt sưng đỏ đau: Hoàng liên, Địa hoàng, Cam cúc hoa, Kinh giới tuệ, Cam thảo sảo, Xuyên khung, Sài hồ, Thuyền thoái, Mộc thông, sắc uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị các chứng bệnh thuộc mắt như quáng gà, mắt có màng mộng, mắt mờ: Bột Hoàng liên 40g, gân dê đực 1 cái còn tươi, quyết nhuyễn. Trộn với thuốc bột làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 21 viên với nước tương nóng. Trong thời gian uống thuốc cấm ăn thịt heo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Hoàng liên cùng với Đương quy, Cam cúc hoa, ngâm sữa người cho ngấm rồi chưng, khi chưng cho vào một ít Minh phàn, Đồng lục, rửa vào mắt rất tốt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị các loại đới hạ, ra mủ máu: Dùng Hoàng liên, Thược dược, Liên tử, Biển đậu, Thăng ma, Cam thảo, Hoạt thạch, Hồng khúc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị đới hạ ra toàn huyết (Xích đới), bụng đau: Hoàng liên, cùng Hòe hoa, Chỉ xác, Nhũ hương, Một dược (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị các loại cam nhiệt của trẻ con: dùng Hoàng liên cùng với Ngũ cốc trùng, Lô hội, Bạch vô di, Thanh đại, Bạch cẩn hoa, Bạch phù dung hoa (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị trĩ: Hoàng liên, Xích tiểu đậu, tán bột, bôi vào nơi trĩ lở, rất tốt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị sau khi lên sởi gây ra tiêu chảy: Hoàng liên dùng với Can cát, Cam thảo, Thăng ma, Thược dược (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị bệnh do rượu, nghiện rượu: dùng Hoàng liên cùng với Ngũ vị tử, Mạch môn đông, Can cát, rất có hiệu quả (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị lở miệng: Hoàng liên dùng với Ngũ vị tử, Cam thảo sắc lấy nước cốt ngậm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị chứng tiêu khát đột ngột, tiểu nhiều: Dùng Hoàng liên cùng với Mạch môn đông, Ngũ vị tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị người suy nhược bị đới hạ, và người gìa cũng như sản phụ bị đới hạ không dứt, dùng Hoàng liên, Nhân sâm, Liên tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị nga khẩu sang: Hoàng liên 8g, Thạch xương bồ 1 chỉ. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị kiết lỵ: Hoàng liên 12g, tán bột, một ngày chia làm 3 lần uống với nước (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị sốt cao do lỵ trực trùng cấp tính, tiêu ra máu mủ: Hoàng liên 4g, Hoàng bá, Bạch đầu ông, Tần bì, Cát căn, mỗi thứ 12g, Mộc hương 8g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị ruột viêm, lỵ trực khuẩn: Hoàng liên 80g, Mộc hương 20g. Tán bột, làm viên, mỗi lần uống 2 - 8g, ngày 2-3 lần với nước (Hương Liên Hoàn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị thấp nhiệt uất tích ở can đởm, mắt đỏ, mắt sưng đau, ra gió chảy nước mắt, mắt mờ: Hoàng liên 4g (xắt vụn), ngâm sữa người, điểm vào mắt, mỗi ngày 2-3 lần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị thấp nhiệt uất tích ở can đởm, mắt đỏ, mắt sưng đau, ra gió chảy nước mắt, mắt mờ: Hoàng liên 8g, Thiên hoa phấn 12g, Hoàng cầm 8g, Chi tử 12g, Cúc hoa 12g, Xuyên khung 4g, Bạc hà 4g, Liên kiều 12g, Hoàng bá 8g. Sắc uống (Hoàng Liên Thiên Hoa Phấn Hoàn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị nôn mửa do vị nhiệt, nôn mửa lúc có thai Hoàng liên 7 phân, Tô diệp 7 phân. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tìm hiểu thêm
Tên khoa học:
Coptis teeta Wall. Họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
Mô tả:
Cây thảo sống lâu năm, cao độ 30cm. Lá mọc so le, có cuống dài, mọc từ thân rễ trở lên. Phiến lá gồm 3-5 lá chét. Mỗi lá chét lại chia thành nhiều thùy, mép có răng cưa to. Thân rễ hình trụ, nhiều rễ con, màu nâu vàng nhạt, có hình dáng chân gà nên còn gọi là “Hoàng liên chân gà”, chỗ bẻ màu vàng, vị đắng. Hoa màu trắng, mọc ở ngọn cán hoa. Quả gồm nhiều đài, khi chín màu vàng. Hạt màu nâu đen. Ra hoa tháng 10-2 năm sau. Hoàng liên lấy thân, niên túc (cứ mỗi năm đầu rễ sinh ra một đốt, đầy bốn năm thì gọi là niên túc),Cây hoang ở vùng núi cao trên 1.500m. Ở Việt Nam cây mọc hoang ở trên dẫy Hoàng liên Sơn rất nhiều. Thường trồng bằng hạt vào cuối mùa xuân.
Thu hái, sơ chế:
Thu hái vào tháng 10-12, thời vụ thu hoạch thích hợp nhất là vào tháng 11 trước tiết Lập đông, thường dùng loại 2-3 năm hoặc hơn. Lúc này rễ Hoàng liên đã chắc nặng, chứa ít nước, tỉ lệ khô cao. Khi sấy khô nên dùng buồng sấy, sấy khô xong, muốn làm sạch rễ con, làm đất và cuống lá cần phải cho vào ống xóc. Ống xóc là một dụng cụ đan bằng tre, có thể làm to hoặc nhỏ. Trước tiên cho Hoàng liên vào ống, đậy nắp lại, nếu ống nhỏ thì hai người cầm hai đầu ống đu đưa, làm cho Hoàng liên bên trong cọ sát vào nhau, khiến các rễ con, cuống lá, bùn đất bị rụng ra, thì thu được Hoàng liên sạch sẽ, đẹp, phẩm chất cao. Xóc xong, đổ tất cả ra sàng, đầu tiên dùng sàng mắt to sàng lấy Hoàng liên, sau đó dùng sàng mắt nhỏ, sàng bỏ đất cát đi, òn cuống lá lấy về, cũng xếp ngay ngắn thành các bó nhỏ, chặt thành đoạn ngắn 1,5cm, phơi khô (Trung Dược Đại Từ Điển).
Phần dùng làm thuốc:
Thân rễ (Rhizoma Coptidis). Màu sắc bình thường, rễ mập mạnh, ít rễ râu, cứng, chắc, khô, không vụn là tốt.
Mô tả dược liệu:
Thân rễ khô hình trụ có nhiều rễ con cong queo, có nhiều đốt khúc khuỷu nhiều nhánh không quy tắc, dài chừng 32-65mm, thô chừng 3,2 - 3,5mm, mặt ngoài màu vàng nâu hoặc nâu vàng nhạt, tận cùng phía trên thường phân nhánh phình lớn, có vết sẹo của cuống lá ở thân và gốc, đồng thời có những lá vẩy nhỏ. Chất cứng. Bẻ ngang cứng, mặt bẻ màu vàng tươi đậm. Không mùi vị đắng, ở chính giữa có lỗ nhỏ.
1- Nga mi liên: Có nhiều trong núi sâu của núi Nga mi là một trong những loại mọc hoang rễ thô, mạnh có hình như bàn tay phật nên gọi là ‘Liên vương’, thường sinh trưởng lâu 20-30 năm mới được phát hiện thì phẩm chất cực tốt nhưng sản lượng quá ít.
2- Nhã liên: sản lượng rất nhiều phẩm chất kém hơn Nga mi liên.
3- Vị liên: hình dạng như móng chân gà, nên gọi là “Kê trảo liên”, phẩm chất tương đối kém. Loại ở phía bắc Trường Giang trơn sáng, lông ít, chất cứng, vỏ nhỏ, bên ngoài màu vàng nâu, bẻ ngang bờ bên đỏ vàng. Loại ở phía nam Trường Giang chất xốp vỏ thô, màu nâu, màu vàng nhạt, bẻ ngang màu vàng sẫm.
4- Vân liên: Dài khoảng 32mm, thẳng và bóng, phân nhánh ít. Màu vàng nhạt, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ gẫy lớp ngoài màu vàng nâu, chính giữa màu vàng tươi.
Bào chế:
+ Cho Hoàng liên vào trong túi vải, xát cho sạch lông gĩa mát dùng, hoặc ngâm trong nước tương 2 giờ vớt ra, sấy khô bằng gỗ liễu để dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).
+ Chải sạch rửa tạp chất (không nên ngâm lâu sẽ mất chất), ủ đến vừa mềm, thái mỏng phơi trong râm cho khô (dùng sống) hoặc tẩm rượu sao qua [dùng chín] (Trung Dược Đại Từ Điển).
Bảo quản:
Để nơi khô ráo. Bào chế rồi đậy kín.
Cách dùng:
1- Tả Tâm hỏa thì dùng sống.
2- Trị can đởm thực hỏa thì tẩm sao với mật heo.
3- Trị can đởm hư hỏa thì tẩm sao với dấm.
4- Trị hỏa ở thượng tiêu thì sao với rượu.
5- Trị hỏa ở trung tiêu thì sao với nước gừng.
Từ khóa bài viết: Tác dụng chữa bệnh của cây hoàng liên,