Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị rối loạn lipid máu

15:29 14/04/2015

(Giúp bạn)Thuốc điều trị rối loạn lipid máu có tác dụng giúp cho các chất béo có trong máu trở lại giới hạn bình thường.

Theo Báo Dân Việt, rối loạn chuyển hóa lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau: tăng Cholesterol trong máu, tăng Triglycerid máu, tăng LDL-Cholesterol hoặc giảm HDL-Cholesterol máu.

Hiện tượng này nếu kéo dài gây xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch. Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid không có một biểu hiện bất thường nào, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu và xơ vữa động mạch cũng xảy ra một cách từ từ đến nỗi chúng ta có thể không hay biết gì về nó.

Đa số các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu là do dinh dưỡng, chế độ ăn quá nhiều mỡ động vật, quá nhiều thức ăn chứa nhiều Cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần...), chế độ ăn dư thừa năng lượng (béo phì), uống nhiều rượu, hút thuốc lá...

Một số trường hợp có thể do di truyền, hoặc thứ phát sau một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, bệnh gan mật...

Các loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu

Báo điện tử Kiến thức cho biết, thuốc điều trị rối loạn lipid máu có tác dụng giúp cho các chất béo (thường gọi là mỡ) có trong máu như cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol, triglycerid trở lại giới hạn bình thường.

Có nhiều nhóm thuốc hạ lipid huyết như nhóm statin, nhóm fibrat (clofibrate, fenofibrat, gemfibrozil),nhóm resin gắn axít mật (cholestyramin), niacin (tức vitamin PP)và thuốc mới là ezetimib.

Thuốc được dùng phổ biến hiện nay chính là nhóm statin, gồm có: simvastatin (biệt dược Zocor), lovastatin (Mevacor), pravastatin (Pravachol), fluvastatin (Lescol), atorvastatin (Lipitor), rosuvastatin (Crestor).

Các statin còn được gọi là nhóm thuốc ức chế men khử HMG-CoA vì cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế cạnh tranh men 3-hydroxy-3 metyl-glutaryl coenzym A reductase (viết tắt HMG-CoA reductase). Men khử HMG-CoA bị thuốc ức chế không xúc tác phản ứng tạo ra cholesterol ở gan sẽ làm giảm cholesterol trong máu xuống.

Các statin còn có tác dụng làm tăng số lượng thụ thể của LDL-cholesterol (viết tắt LDL-c, còn gọi là cholesterol “xấu”) nhằm tăng sự thoái hoá và làm giảm cholesterol “xấu” này xuống mức mong muốn. Các statin cũng làm tăng một ít HDL-cholesterol (HDL-c, còn gọi là cholesterol “tốt”). Tuy nhiên các statin không có tác dụng làm giảm triglycerid trong máu.

-1

Tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn lipid máu

Các tác dụng phụ đã biết như statin là nhóm thuốc chuyên dùng để điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu. Các tác dụng phụ đã được biết đến của nhóm thuốc này bao gồm:

Gây tiêu cơ vân: Thuốc gây tổn thương, tiêu cơ vân, giải phóng ra các chất bên trong tế bào trong đó có myoglobulin làm nghẽn thận dẫn đến suy thận gây tử vong. Các yếu tố thuận lợi làm xuất hiện, tăng nặng tác dụng phụ này là: người vốn có bệnh viêm cơ lan tỏa, bị nhiễm khuẩn nặng, hạ huyết áp, có các tổn thương lớn, có bất thường về chuyển hóa, đặc biệt khi dùng phối hợp với một số thuốc khác.

Làm thay đổi chức năng gan: Statin chuyển hóa, không tích lũy ở gan, không gây độc cho gan. Tuy nhiên, một số người dùng statin bị tăng enzym gan. Sau khi ngừng dùng, enzym gan có người trở về bình thường, nhưng cũng có người không trở về mức bình thường.

Cần kiểm tra enzym gan trước khi dùng, trong vòng 12 tuần sau khi điều trị hay sau khi tăng liều, sau đó kiểm tra định kỳ mỗi 4 tuần/lần trong thời gian dùng. Nếu thấy enzym gan tăng bất thường, cần theo dõi chặt chẽ, ngừng hẳn thuốc nếu enzym gan tăng gấp 3 lần so với mức bình thường. Thận trọng với người nghiện rượu, viêm gan tắc mật do chức năng gan suy giảm, thuốc khó dung nạp, chuyển hóa.

Với người có thai, cho con bú: Cholesterol là nguyên liệu cần thiết để tổng hợp các chất khác (như hormon), statin ức chế tổng hợp cholesterol gây hại cho quá trình phát triển thai. Statin còn tiết vào sữa… Vì vậy, không dùng cho người có thai, cho con bú.

Và tác dụng phụ mới phát hiện là cách đây 2 năm (2012), FDA đã đưa ra khuyến cáo toàn bộ nhóm thuốc statin có nguy cơ gây mất trí nhớ, nhầm lẫn, tăng đường huyết, gây bệnh tiểu đường typ 2. Như vậy, statin là thuốc chống hội chứng chuyển hóa nhưng lại gây ra bệnh trong hội chứng chuyển hóa.

Nghịch lý này được PGS. Beatrice Golomb, đại học y khoa San Diego (Mỹ), sau khi hồi cứu phân tích 900 công trình nghiên cứu, lý giải rằng ty lạp thể sản xuất ra phần lớn các gốc tự do có hại. Tại đó, cơ thể sinh ra các chất chống oxy hóa nội sinh như coenzym- 10 để vô hiệu hóa chúng.

Statin ức chế tổng hợp cholesterol đồng thời cũng ức chế sự tổng hợp, chuyên chở coenzym- 10 và những chất chống oxy hóa hòa tan trong mỡ khác. Sự sụt giảm coenzym- 10 dẫn đến sụt giảm năng lượng tế bào, giảm bớt sự sản xuất năng lượng, tăng thêm gốc tự do.

Đến lượt mình, những gốc tự do tăng thêm này lại làm hư hại ty lạp thể. Khi ty lạp thể bị hư hại thì quá trình mất năng lượng tăng thêm gốc tự do lại tiếp tục. Đó là vòng lẩn quẩn và việc dùng liều cao sẽ không dứt ra khỏi vòng lẩn quẩn này.

Thuốc tham khảo: Simvastatin Stada® 10 Mg/20mg

- Điều trị tăng cholesterol huyết nguyên phát hoặc rối loạn lipid huyết hỗn hợp, dưới dạng hỗ trợ cho chế độ ăn uống, khi sự đáp ứng với chế độ ăn uống và các biện pháp điều trị khác không dùng thuốc (tập thể dục, giảm cân) vẫn chưa đủ.
- Điều trị tăng cholesterol huyết thể đồng hợp tử có tính gia đình như một sự hỗ trợ cho chế độ ăn uống và các biện pháp làm giảm lipid khác (như: gạn tách LDL) hoặc khi các biện pháp này không thích hợp.
- Điều trị tăng triglycerid huyết.
- Giảm tỉ lệ bệnh tật và tử vong do bệnh tim mạch ở bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch hoặc bệnh tiểu đường, với mức cholesterol bình thường hoặc tăng cao.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Cách vận động để giảm mỡ máu
-3 Bệnh mỡ máu cao (cao cholesterol)
-4 Những biện pháp làm giảm mỡ máu hiệu quả
-5 Những món ăn giúp giảm mỡ máu

Theo GDVN

Comments