Thời điểm nào thích hợp cho trẻ tập nhai?
(Giúp bạn)Khi trẻ đã mọc đủ răng, nếu không cho trẻ tập ăn nhai thì sẽ không tạo được cảm giác ngon miệng, có thể dẫn đến biếng ăn, ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể.
Con trai tôi đã 3,5 tuổi nhưng không chịu nhai cơm, thức ăn mà chỉ ăn cháo. Như thế có ảnh hưởng tới sức khỏe và hệ tiêu hóa không thưa bác sĩ? Tôi phải tập cho cháu như thế nào?
(Hoàng Thị Hồng - Khánh Hòa)
Chọn thời điểm hợp lí cho con tập nhai
Báo Sức khỏe đời sống cho biết, hiện nay có rất nhiều bà mẹ vẫn “động viên” con ăn cháo mặc dù con đã đủ 20 chiếc răng sữa trong khi việc ăn cháo chỉ phù hợp với trẻ 1 tuổi.
Khi trẻ đã mọc đủ răng, nếu không cho trẻ tập ăn nhai thì sẽ không tạo được cảm giác ngon miệng, có thể dẫn đến biếng ăn, ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể. Mặt khác, khi nhai, răng cửa và răng hàm hoạt động để cắt và nghiền thức ăn nên các cơ hàm cùng làm việc giúp hai hàm răng khít lại để cắt và nghiền thức ăn có hiệu quả.
Nhai đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tiêu hóa mọi thức ăn, vì men tiêu hóa chỉ có tác dụng trên bề mặt của các phần tử thức ăn. Sự nhai không chỉ làm nhỏ thức ăn mà còn trộn lẫn chúng với nước bọt chứa men tiêu hóa. Nhai cũng kích thích sự bài tiết nước bọt ở miệng (chứa men ptyalin, có tác dụng phân giải tinh bột chín thành đường maltose), dịch vị ở dạ dày (chứa men pepsin, có tác dụng tiêu hóa chất đạm).
Những phương pháp giúp trẻ nhanh biết nhai cơm
Các chuyên gia khuyên các mẹ nên cho trẻ bú mẹ tròn 6 tháng đầu đời rồi có thể tập ăn dặm. Vào thời điểm này, các mẹ có thể tập cho bé một số phản xạ cơ bản để phục vụ cho việc ăn dặm sắp tới.
Nhai là một phản xạ tương đối quan trọng bé cần học. Không ít mẹ đã tỏ ra bối rối khi bé tỏ ra muốn nôn ọe khi mẹ chuẩn bị cho con đồ ăn hơi lợn cợn một chút vì bé chưa biết cách nhai mà chỉ chực nuốt chửng.
Hãy cùng tham khảo cách giúp bé học nhai thành thạo:
1. Để trẻ dùng miệng để "khám phá thế giới xung quanh"
Theo Khám phá thông thường khi con bắt đầu biết lẫy và biết cách cầm nắm đồ vật (tầm 3-4 tháng tuổi), các mẹ luôn trong tình trạng lo lắng khi con ngậm mọi thứ vào miệng vì sợ bé sẽ nhiễm vi khuẩn hay nuốt phải những dị vật không mong muốn.
Tuy nhiên, đây là một kĩ năng bé cần phải rèn luyện và là bước đầu tiên trong quá trình tập nhai của mình. Khi ấy bé sẽ dùng môi, lưỡi và lợi để khám phá hình dạng và cấu tạo của các đồ vật xung quanh.
Giai đoạn này mẹ hãy mua những món đồ chuyên dụng và hợp vệ sinh cho bé như đồ chơi gặm nướu của các nhãn hiệu an toàn và uy tín cho bé tập gặm. Lúc này, có thể mẹ đã có thể chuẩn bị cho bé thức ăn dạng sệt để bé thử dần.
2. Giúp con tăng hoạt động của cơ miệng
Khi tập nhai bé sẽ cần huy động sự giúp đỡ của vô số các cơ trong miệng, các cơ này cũng đồng thời sẽ hỗ trợ bé trong quá trình tập nói. Vì vậy, khi bé bắt đầu bi bô và thốt lên những âm thanh bập bẹ như a, ô , mẹ hãy khuyến khích bé làm như vậy càng nhiều càng tốt để cơ miệng bé có thêm cơ hội phát triển.
Thậm chí mẹ có thể làm bé cười đùa hùa theo những hành động, trò chơi mẹ nghĩ ra. Những hành động tưởng như rất bình thường ấy của mẹ lại giúp cơ hàm bé khỏe hơn để việc nhai sắp tới diễn ra thuận tiện hơn
3. Giúp con vượt qua tình trạng nôn trớ
Nôn trớ là một phản xạ tự nhiên bé có từ khi còn sơ sinh để bảo vệ bé khỏi hóc các thức ăn không phù hợp ngoài sữa. Khi bé đã đến tuổi ăn dặm, mẹ hãy giúp bé loại bỏ phản xạ này bằng cách luyện cho bé ăn những thức ăn từ loãng đến đặc dần, mịn đến hơi thô để bé có cơ hội thử khả năng nhai.
Nếu ngay từ những lần thử đầu tiên mà bé có biểu hiện nôn, mẹ không nên quá lo lắng và hãy đừng ngại giúp bé thử lại một lần nữa.
Tuyển Trần
Theo GDVN