Trẻ thiếu máu: Những điều mẹ cần biết để chăm con

16:01 14/04/2015

(Giúp bạn)Trẻ thiếu máu khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Trong bài viết dưới đây, chuyên gia sẽ chia sẻ những kinh nghiệm để chăm sóc toàn diện khi trẻ bị thiếu máu.

Hỏi:

Mong bác sĩ cho tôi biết biểu hiện thiếu máu ở trẻ em (trẻ dưới 1 tuổi và trẻ 3 tuổi), thế nào là thiếu máu sinh lý - biểu hiện, thiếu máu bệnh lý-biểu hiện và cách xử lý.

Cám ơn bác sĩ rất nhiều.

Trả lời:

Trả lời vấn đề trên, Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Bích Liên, Trưởng khoa Sốt xuất huyết – Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, ở trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) có tình trạng thiếu máu sinh lý. Trẻ có số lượng hồng cầu thấp hơn trẻ lớn một chút ( Hct của trẻ <1t # 30- 34%, trong khi ở trẻ lớn Hct # 35 -40%).

Nguyên nhân là do:

-  Ở tuổi này các cơ quan tạo máu có sự thay đổi :gan lách là cơ quan tạo máu chủ yếu trong thời kỳ bào thai sẽ được thay thế bằng tủy.

- Hemoglobin- là yếu tố quan trọng trong cấu tạo hồng cầu, giúp HC chuyên chở oxy cũng thay đổi. Thời kỳ bào thai Hemoglobin chủ yếu là HbF , sau sinh Hb này sẽ được thay thế dần bằng HbA trong thời gian 6-12 đầu sau sinh.

- Ở tuổi này trẻ cũng bắt đầu làm quen với chế độ ăn dặm với thức ăn đặc dần và đủ 4 nhóm thực phẩm ( bột, dầu, đạm, rau) thay thế từ từ cho chế độ ăn bằng sữa. Do đó, trong lứa tuổi này trẻ dễ thiếu các chất cần thiết cho việc tạo máu do khả năng tiêu hóa, hấp thu   các chất chưa hoàn chỉnh ( chất sắt, chất đạm, acid forlic…)

-1

Trẻ thiếu máu khiến nhiều cha mẹ lo lắng

Thiếu máu ảnh hưởng như thế nào tới trẻ:

Tình trạng thiếu máu sinh lý ở trẻ chỉ nhẹ, không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ vẫn có thể ăn bú tốt, chơi, vân đông, phát triển bình thường. Thông thường sau 2 tuổi, nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng đúng, tình trạng thiếu máu này sẽ hết.

Biểu hiện của trẻ bị thiếu máu

Đối với các trường hợp thiếu máu bệnh lý, trẻ sẽ có các dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Trẻ biếng ăn, ít chơi, mau mệt khi vận động, khó thở,đánh trống ngực khi gắng sức, khó ngủ, ít tập trung. Trẻ có thể than nhức đầu, chóng mặt, ù tai. Nhìn lòng bàn tay thấy nhạt màu, móng tay nhạt …

Phương pháp điều trị trẻ thiếu máu

Cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như gan, tim, bầu dục, trứng, thịt, cá, tôm, cua, đậu, đỗ, lạc vừng, rau xanh đậm, quả chín.

- Cho trẻ ăn bổ sung đúng tuổi, đủ thành phần các chất dinh dưỡng. Trong thực đơn hàng ngày tăng cường những thức phẩm giàu sắt cho trẻ như đã mô tả ở trên.

- Tăng cường ăn các loại quả chín và rau chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, chuối đu đủ, rau ngót, rau muống để hỗ trợ hấp thu chất sắt.

- Trẻ nhỏ nếu không bú sữa mẹ, nên chọn lựa những sữa công thức có bổ sung chất sắt. Khi trẻ đã có thiếu máu, chế độ ăn chỉ có tính chất hỗ trợ bên cạnh đó phải cho trẻ uống các chế phẩm có bổ sung chất sắt theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cho bé uống chế phẩm sắt, tốt nhất là sulfat sắt: 4-6 mg Fe/kg/ngày, trong 6-8 tuần lễ. Tuy nhiên, nếu cho bé sử dụng thuốc bổ sung sắt, nên có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tính trạng uống theo cảm tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhi.

Theo GDVN

Comments