Triệt sản nữ: Những điều cần biết
(Giúp bạn)Triệt sản nữ là một biện pháp tránh thai vĩnh viễn, không hồi phục. Hình thức can thiệp bằng cách thắt ống dẫn trứng nhằm chặn đường đi của trứng, không cho vào tử cung.
Triệt sản nữ là một biện pháp ngừa thai vĩnh viễn, hiệu quả tránh thai rất cao, thủ thuật lại đơn giản, an toàn, do đó không hề gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý của người phụ nữ cũng như nam giới.
Triệt sản nữ là gì?
Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Từ Dũ cho biết, đây một phương pháp làm tắc nghẽn ống dẫn trứng để ngăn tinh trùng và trứng gặp nhau, đây là một biện pháp ngừa thai vĩnh viễn, an toàn, thích hợp cho những phụ nữ trên 30 tuổi, có hai con sống khỏe mạnh, con nhỏ nhất trên 3 tuổi và không có nhu cầu có thêm con nữa. Hiện nay trong chương trình kế hoạch hóa gia đình nhằm hạ thấp tỉ lệ gia tăng dân số, biện pháp triệt sản nữ đã được thực hiện ở các tuyến dưới, ngay cả đến tuyến xã.
Lungen đã thực hiện trường hợp triệt sản đầu tiên năm 1880, sau khi mổ lấy thai ở Đức. Từ đó đến nay đã có rất nhiều kỹ thuật triệt sản đã được mô tả, từ cách thắt 2 vòi trứng đơn giản đến cắt một phần vòi trứng, cắt tận gốc vòi trứng, hoặc vùi một đầu cắt vào mặt sau tử cung hay vùi vào hai lá của dây chằng rộng, đến phương pháp cắt 2 loa vòi qua ngã âm đạo hay ngã bụng. Hiện nay, phương pháp triệt sản qua nội soi bằng cách đốt, kẹp cắt một đoạn của vòi trứng làm cho kỹ thuật thắt ống dẫn trứng càng trở nên đơn giản hơn.
Sau khi triệt sản, các cặp vợ chồng không phải quan tâm đến việc tránh thai nữa, do đó tránh được nhiều mâu thuẩn vợ chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình do vỡ kế hoạch gây ra, ngoài ra triệt sản có ưu điểm là không có tác dụng phụ và có rất ít nguy cơ.Đối tượng nào được áp dụng phương pháp triệt sản?
Quyết định triệt sản ngày nay hầu hết là tự nguyện, tuy nhiên về phương diện y khoa, chỉ định triệt sản nữ được chia thành 4 nhóm chính:
Những bệnh nội khoa thực thụ:
Bệnh tim nặng mà thai nghén làm bệnh nặng thêm hoặc mất bù trừ. Ở những bệnh nhân này triệt sản là phương pháp tốt nhất, ngoài ra các bệnh lý khác như bệnh phổi mãn tính, bệnh mạch- thận và cao huyết áp nặng, bệnh thần kinh, tâm thần nặng, ung thư sinh dục nữ, ung thư vú hoặc mắc các bệnh lý về máu, bệnh về gen mà các cặp nam nữ mắc phải cho ra đời trẻ dị dạng là những trường hợp có chỉ định triệt sản để ngừa thai vĩnh viễn.
Phẫu thuật sản phụ khoa:
Cần tư vấn triệt sản cho các đối tượng đã có tiền sử mổ lấy thai nhiều lần, mổ bóc nhân xơ tử cung, sa sinh dục …
Về phương diện xã hội:
Phụ nữ sinh quá nhiều con mà điều kiện kinh tế xã hội lại thấp kém gây ra gánh nặng cho đời sống gia đình và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Về phương diện dân số:
Phương pháp này áp dụng có tính chất bắt buộc tại những nước đang phát triển mà dân số quá cao làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội.
Những biến chứng tiềm ẩn khi phẫu thuật triệt sản
Cũng theo Sức khỏe và đời sống, đa số chúng ta còn hiểu biết hạn chế về loại phẫu thuật này, đặc biệt là những nguy cơ tiềm ẩn khi thực hiện thủ thuật.
Thủ thuật này không khó, tuy nhiên chỉ đối với bác sĩ chuyên khoa. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật không thành công có thể gây ra hậu quả khôn lường.
Tai biến có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật là gì?
Nếu thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở y tế không được trang bị đầy đủ điều kiện, thiết bị và bác sĩ tay nghề thấp, không được đào tạo chuyên sau về triệt sản nữ, không tuân thủ quy trình phẫu thuật chặt chẽ có thể gây ra biến chứng cho bệnh nhân.
Những tai biến và biến chứng dễ gặp nhất ở các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật là chảy máu ổ bụng, nhiễm trùng vùng chậu, viêm phúc mạc, hình thành khối máu tụ, chảy máu và nhiễm trùng vết mổ.
Một số trường hợp tai biến hiếm gặp như tổn thương tử cung, ruột, bàng quang.
Trường hợp triệt sản thất bại có thể khiến có thai ngoài tử cung.
Đặc biệt, các trường hợp trên nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu của biến chứng sau triệt sản là gì?
Sau khi triệt sản, nữ bệnh nhân cần nằm tại bệnh viện để theo dõi tình trạng toàn thân, mạch, huyết áp, nhịp thở tại bệnh viện ít nhất 1 ngày.
Nếu đối tượng xuất hiện những dấu hiệu như sốt, đau bụng không giảm, chảy máu, chảy mủ vết mổ, sưng vùng mổ... cần phải đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Những trường hợp nào không nên phẫu thuật triệt sản?
Nhiều đối tượng không đủ điều kiện sức khỏe mà vẫn được thực hiện phẫu thuật có thể gây biến chứng, thậm chí là tử vong. Nếu bạn thuộc những trường hợp sau đây, tốt nhất hãy loại bỏ biện pháp này.
- Bệnh lý sản khoa (đã từng hoặc đang bị) như: Viêm vùng chậu khi mang thai, ung thư vú, u xơ tử cung, phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng dưới.
- Bệnh lý tim mạch như: Tăng huyết áp (140/90 - 159/99 mmHg); đã từng bị đột quỵ hoặc bệnh tim không biến chứng.
- Bệnh mạn tính như: Động kinh, tiểu đường chưa có biến chứng; suy giáp; xơ gan còn bù, u gan; thiếu máu thiếu sắt mức độ vừa (hemoglobin 7-10 g/dl); bệnh hồng cầu hình liềm; thalassemia; bệnh thận; thoát vị cơ hoành; suy dinh dưỡng nặng; béo phì; trầm cảm hoặc còn trẻ.
Ngoài ra, các trường hợp như có thai, trong thời gian hậu sản; biến chứng sau sinh như nhiễm khuẩn, chảy máu, ứ máu trong buồng tử cung; thiếu máu trầm trọng; ung thư vùng chậu... cần được xem xét và điều trị đến khi đủ điều kiện về sức khỏe mới được thực hiện phẫu thuật để tránh tai biến xảy ra.
Trà Mi
Theo GDVN