Triệu chứng bệnh liệt nửa người
(Giúp bạn)Liệt nửa người là giảm hoặc mất vận động hữu ý một tay và một chân cùng bên do một tổn thương trung ương xâm phạm vào bó tháp.
Thông tin trên trang tin điện tử Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bạch Mai, liệt nửa người là hiện tượng giảm hoặc mất vận động chủ động của một nửa bên cơ thể gồm: chân tay cùng bên và có thể kèm theo liệt nửa mặt cùng bên do một tổn thương trung ương xâm phạm vào bó tháp.
Bệnh liệt nửa người có thể sẽ xuất hiện sau khi gặp các chứng bệnh như:
- Tai biến mạch máu não: Tai biến mạch máu não còn gọi là bệnh cảnh đột quỵ, thường xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh với các triệu chứng thần kinh như hôn mê, yếu liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm giác. Những dấu hiệu thần kinh tương ứng với các vùng não do mạch máu cung cấp máu:
+ Nhồi máu não.
+ Xuất huyết trong não.
- Khối u não: Bệnh cảnh lâm sàng thường diễn tiến từ từ, kèm theo dấu hiệu liệt nửa người (thường là liệt cứng), tăng áp lực nội sọ, động kinh.
- Nhiễm trùng thần kinh trung ương
+ Áp-xe.
+ Viêm não.
- Chấn thương sọ não
+ Máu tụ ngoài màng cứng.
+ Máu tụ dưới màng cứng
Triệu chứng, biểu hiện liệt nửa người
1. Khi bệnh nhân tỉnh táo:
a. Liệt mềm:
- Giảm hoặc mất vận động 1 tay và 1 chân cùng bên, ưu thế cơ duỗi chi trên và cơ gấp chi dưới.
- Thường có liệt nửa mặt trung ương cùng bên với tay chân bị liệt hoặc có thể liệt mặt ngoại biên khác bên. Có thể liệt các dây thần kinh sọ não khác.
- Trương lực cơ giảm bên tay chân bị liệt.
- Phản xạ gân xương giảm hay mất bên tay chân bị liệt, phản xạ da bụng và/hay da bìu (ở nam giới) giảm hoặc mất bên liệt, phản xạ hậu môn giảm hay mất bên liệt, dấu Babinski hay dấu tương đương có thể (+) bên liệt, Hoffmann có thể (+) bên liệt.
- Có thể kèm theo rối loạn cảm giác nửa người bên liệt.
- Dáng đi lê (tay bên liệt buông thõng, chân thì quét đất).
- Khi nằm bàn chân bên liệt đổ ra ngoài.
b. Liệt cứng:
- Cơ lực bên liệt giảm hay mất.
- Liệt mặt trung ương cùng bên hay liệt mặt ngoại biên khác bên với tay chân bị liệt, có thể liệt dây thần kinh sọ não khác.
- Tăng trương lực cơ bên liệt đưa đến co cứng gấp chi trên, các ngón tay khác nắm chặt ngón cái, còn chi dưới co cứng duỗi nên khi đi có dáng đi vòng kiềng (phạt cỏ).
- Tăng phản xạ gân xương bên liệt, có phản xạ bệnh lý như Babinski hay tương đương. Phản xạ da bụng, da bìu và phản xạ hậu môn giảm hoặc mất bên liệt.
- Có thể kèm rối loạn cảm giác nửa người bên liệt.
2. Khi bệnh nhân hôn mê:
- Bàn chân bên liệt đổ ra ngoài.
- Có thể quay mắt và đầu về bên tay chân liệt hay về đối bên với tay chân bị liệt.
- Mất cân đối ở mặt như nhân trung lệch về bên lành, má bên liệt phập phồng theo nhịp thở, kích thích đau góc hàm 2 bên nếu còn đáp ứng thì chỉ mép bên lành nhếch lên còn bên liệt vẫn giữ nguyên, đó là dấu Pierre-Marie-Foix.
- Kích thích đau ở tay chân hai bên thì bên liệt hầu như không phản ứng hay phản ứng yếu hơn bên đối diện.
- Phản xạ da bụng, da bìu giảm hay mất bên liệt, có thể có dấu Babinski (+) bên liệt.
Chăm sóc bệnh nhân liệt nửa người
Theo Sức khỏe & đời sống:
- Khi bệnh nhân có hội chứng liệt nửa người: vấn đề chăm sóc hộ lý rất cần thiết và quan trọng.
- Chống loét, chống mảng mục: Thay đổi tư thế cho bệnh nhân luôn, xoa bột talc vào những nơi tiếp xúc với giường nằm, vệ sinh thân thể người bệnh sạch sẽ.
- Phục hồi chức năng được là tùy thuộc vào sự rèn luyện kiên trì và phương pháp điều trị có kế hoạch từng giai đoạn để phục hồi.
- Điều trị lý liệu pháp có thể phục hồi chức năng vận động để người bệnh tự phục vụ được.
- Kiểm tra mắt, tai mũi họng để sớm phát hiện các biến chứng liệt dây thần kinh vận động: mắt có bị lác không, có liệt màn hầu, dây thanh âm không.
Tham khảo thuốc: Actoramin: - Giảm đau trong các trường hợp: đau dây thần kinh, đau khớp (đau lưng, đau vai,...), mỏi mắt, viêm miệng và viêm lưỡi. - Cung cấp vitamin nhóm B, E, C và trong các trường hợp sau: suy dinh dưỡng, giảm sút sức khỏe, mệt mỏi trong hoặc sau thời kỳ bệnh; phụ nữ mang thai, cho con bú; trẻ đang lớn và người già yếu. |
Trà Mi
Theo GDVN