Xuất huyết tiêu hóa
(Giúp bạn)Xuất huyết tiêu hóa được xem là một cấp cứu nội khoa nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Báo Doanh nhân Sài Gòn đưa tin, với những bệnh về đường tiêu hóa, chúng ta thường chỉ cảnh giác khi có những triệu chứng rõ ràng như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy chứ ít khi chú ý các dấu hiệu mệt mỏi, khát nước, xanh xao. Vì vậy mà bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa (XHTH) thường đến cấp cứu vào giai đoạn muộn, khi tình trạng xuất huyết tiêu hóa đã ở mức độ nghiêm trọng.
Nhiều bệnh nhân không biết mình bị chảy máu tiêu hóa. Khi cơ thể mệt mỏi hay bị choáng váng, bệnh nhân thường tự ý mua thuốc bổ sung sắt ở các nhà thuốc hoặc đi khám bệnh tim mạch hoặc rối loạn tiền đình. Ngay cả khi có những biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đi tiêu phân đen, chúng ta cũng thường tự điều trị bằng men tiêu hóa hoặc aspirin.
Phụ nữ TP.HCM cho biết, khi bị XHTH, người bệnh có thể nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu. XHTH có thể ra máu đỏ tươi hay máu đen. Ví dụ, vỡ tĩnh mạch thực quản nếu ồ ạt và khối lượng lớn cũng có thể đi cầu ra máu đỏ, ói ra máu đỏ. Còn đi tiêu phân đen cũng có thể do vỡ tĩnh mạch thực quản, loét dạ dày tá tràng, máu đã được tiêu hóa ở đường ruột nên không còn hồng cầu (hemoglobin)... XHTH trên thường gặp các bệnh: loét dạ dày, tá tràng, dãn vỡ tĩnh mạch thực quản, u thực quản, polyp thực quản, do dùng thuốc kháng viêm… Còn XHTH dưới có thể do các bệnh: polyp, bệnh đa polyp, ung thư đại tràng, trĩ, viêm hậu môn, nứt hậu môn… Ngoài ra, XHTH còn do các bệnh lý về máu, do ngộ độc.
ThS.Bs Đào Trường Giang/Bệnh viện Quân y 103 cho hay, xác định vị trí chảy máu rất quan trọng. Có nhiều bệnh lý khác nhau gây xuất huyết ở đường tiêu hóa cao và thấp. Phần tiêu hóa cao gồm thực quản, dạ dày, và phần trên của ruột non gọi là tá tràng. Phần iêu hóa thấp gồm phần dưới của ruột non, đại tràng và hậu môn. Các dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa phụ thuộc vào vị trí và độ trầm trọng của chảy máu.
Những dấu hiệu của chảy máu ở đường tiêu hóa cao gồm:
- Đau vùng thượng vị dữ dội, đột ngột hơn mọi ngày, nhất là ở bệnh nhân có loét dạ dày, tá tràng.
- Cảm giác cồn cào, nóng rát, mệt lả sau uống aspirin hoặc corticoid…
- Khi thời tiết thay đổi (từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nóng), sau gắng sức tự nhiên thấy: chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, thoáng ngất, lợm giọng, buồn nôn và nôn.
- Bệnh nhân đang trong đợt viêm nhiễm đường mật cấp.
Biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa:
- Nôn máu: là lý do khiến bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tuỳ theo vị trí máu chảy và mức độ chảy máu mà tính chất của chất nôn khác nhau.
+ Số lượng từ vài chục ml đến hàng lít.
+ Màu sắc: có thể từ đỏ tươi, màu hồng lẫn dịch tiêu hoá hoặc màu nâu sẫm.
+ Tính chất máu nôn ra có thể máu tươi ra ngoài mới đông, có thể thành cục (bằng hạt ngô, hạt lạc), có thể chỉ là các gợn đen như hạt tấm lẫn với thức ăn hoặc dịch nhầy.
- Đi ngoài phân đen: là lý do bệnh nhân đi khám hoặc vào viện cấp cứu.
+ Khi lượng máu chảy vào ống tiêu hoá từ 60 ml trở lên, phân bắt đầu có màu đen
+ Khi máu chảy số lượng nhiều phân có màu đen bóng, nhão, khắm.
- Khi một lượng máu lớn, chảy ồ ạt vào lòng ống tiêu hoá, phân có thể ngả sang màu đỏ
+ Khi máu ngừng chảy, phân số lượng ít đi, thành khuôn và màu sắc dần dần trở về màu vàng. Phân vàng là một tiêu chuẩn lâm sàng khẳng định chắc chắn máu đã ngừng chảy.
- Các dấu hiệu khác:
+ Hoa mắt, chóng mặt, lo sợ.
+ Mệt lịm, có khi vật vã.
+ Thở nhanh, vã mồ hôi.
+ Đái ít, có khi vô niệu.
Nếu nặng có thể có sốc.
- Tình trạng lơ mơ, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi.
- Mạch nhanh, nhỏ khó bắt, huyết áp tụt dưới 80 mmHg.
Xuất huyết nhẹ kéo dài được gọi là xuất huyết mãn tính. Nếu xuất huyết mãn tính, người bệnh có thể mệt mỏi, ngủ lịm và khó thở tăng dần. Mất máu mạn tính có thể gây thiếu máu
Các nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa:
Nhiều bệnh lý có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Các nguyên nhân của xuất huyết đường tiêu hóa cao gồm:
-Loét dạ dày: Nhiễm Helicobacter pylori (H.pylori) và dùng thuốc kháng viêm nonsteroid lâu dài như aspirin và ibuprofen là những nguyên nhân thường gặp của loét dạ dày.
-Vỡ tĩnh mạch thực quản: xơ gan là nguyên nhân hay gặp của vỡ tĩnh mạch thực quản.
-Hội chứng Mallory- Weiss: do nôn nhiều, gây rách niêm mạc của thực quản thường hoặc tăng áp lực trong bụng do ho, thoát vị, hay bẩm sinh cũng có thể gây rách.
-Viêm dạ dày: NSAIDs và các thuốc khác, nhiễm khuẩn, bệnh Crohn, chấn thương
-U lành tính và ung thư: Những khối u lành tính và ung thư ở thực quản, dạ dày, hay tá tràng có thể gây xuất huyết.
-Các nguyên nhân ít gặp: do suy gan, bệnh máu, suy thận, sau chấn thương, sau bỏng nặng, nhiễm khuẩn huyết.
-Các nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa thấp gồm:
+Bệnh lý túi thừa: do các túi thừa ở thành ruột già.
+Viêm đại tràng, nhiễm trùng và các bệnh lí như bệnh Crohn, thiếu máu đại tràng và chất phóng xạ có thể gây viêm đại tràng.
+Bệnh trĩ hay nứt kẽ hậu môn: Trĩ là tình trạng mà các tĩnh mạch ở vùng hậu môn hoặc trực tràng bị giãn lớn có thể vỡ và xuất huyết. Các vết nứt hay loét là vết rách ở vùng hậu môn.
+Dị dạng mạch máu: Tuổi già gây dị dạng mạch máu, là những bất thường về mạch máu ruột non.
+Polyp hay ung thư: Sự phát triển lành tính hay các polyp ở đại tràng hay gặp và có thể gây ung thư.
Trà Mi
Theo GDVN