Hướng dẫn phong tục đón năm mới của một số dân tộc
(Giúp bạn)Việt Nam là một cộng đồng 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có phong tục đón Tết riêng, những phong tục ấy đôi khi chỉ là quan niệm may rủi, nhưng cũng là biểu hiện nét đặc trưng văn hoá riêng của dân tộc mình.
- 1
Người Hrê:
Đồng bào Hrê lại có phong tục ăn Tết kéo dài vài tháng liền. Bởi vậy mỗi gia đình phải lo nấu thật nhiều bánh tét, ủ thật nhiều rượu và chuẩn bị vài con trâu để đãi buôn làng.Trong ngày Tết, tất cả mọi người đều tập trung về nhà chủ làng để chúc tụng, ăn mừng, sau đó mới lần lượt đến nhà khác. Họ vừa ăn uống, vừa múa hát những bài hát truyền thống của dân tộc mình. Để cho ngày hội trở nên vui vẻ từng đôi nam nữ thay nhau vỗ tay vào ống bương và ống chinh tạo thành những âm thanh bập bùng….
- 2
Người Chăm H’roi:
Người Chăm H’roi là một nhánh của dân tộc Chăm, sinh sống chủ yếu ở Bình Định và Phú Yên. Người Chăm H’roi tổ chức ngày hội mừng năm mới chung tại nhà Rông của làng. Vào lúc sáng sớm, các cụ già làm lễ khấn Giàng, vật tế lễ mừng năm mới của làng phải là một con heo, những ghè rượu cần cùng một số cá tôm, chim thú mà trai gái làng săn bắt được từ suối, từ rừng của làng. Hành lễ năm mới được làm tại nhà Rông do các già làng thực hiện. Khi lễ hội kết thúc mọi người già trẻ, trai gái trong làng thưởng thức đồ ăn, uống rượu và cùng nhau nhảy múa. Đây cũng là dịp để trai gái hò hẹn, cùng nhau khoe sắc phục, cùng nhau hát Ayal, Ari. Và rồi cứ thế lễ hội mừng năm mới diễn ra tại nhà Rông thâu đêm suốt sáng. Sau đó ai về nhà ấy ăn Tết.
- 3
Người Khmer:
Với người Khmer thì lễ hội Chol Chnam Thmay là lễ năm mới, lễ Tết lớn nhất của người Khmer Nam Bộ (tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh), được tổ chức vào các ngày 12, 13,14, 15 tháng 4 âm lịch tại chùa và gia đình. Lễ hội có ý nghĩa tống tiễn mùa nắng hạn, bước sang thời kỳ có mưa để làm mùa. Trong những ngày đầu của năm mới họ lo đi viếng chùa, lễ phật và xuống sông gánh cát đắp những ngọn núi xung quanh chùa. Và đến tận ngày thứ 4 của Tết trở đi, họ mới đi thăm viếng và chúc tụng nhau và tiến hành tổ chức các trò vui chơi như: Thả diều, đánh quay lửa.. Trai gái trong làng thì múa Roam Vông, hát DùKê…
- 4
Người Tày:
Với người Tày Tết Nguyên Đán là mở đầu cho năm mới và họ bắt đầu ăn Tết từ hôm 28 tháng Chạp âm lịch. Trong những ngày này người Tày cũng trang trí lại nhà cửa, quét dọn sạch sẽ, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. Sang ngày 29, họ làm thịt lợn và chế biến ra những món ăn như: giò, chả, thịt nướng, thịt luộc, lạp sườn…. Đến ngày 30 Tết họ gom tất cả những đồ dùng trong nhà như: dao, rựa, cày, bừa vào một nơi rồi làm lễ cúng để cho chúng nghỉ ngơi và cùng ăn Tết. Đêm giao thừa là dịp để những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng trò chuyện, thưởng thức những món ăn đặc biệt hơn ngày thường. Và để có một năm mới vui vẻ và hạnh phúc, trong đêm giao thừa đó tuyệt đối không ai được thắp đuốc vì làm như vậy sẽ gặp nhiều hạn trong năm mới. Ngày Tết tất cả người già, trẻ em, thanh niên nam nữ kéo nhau đi xem các lễ hội vui xuân như: tung còn, múa xoè, hát
- 5
Người Nhắng:
Ngày Tết (theo âm lịch giống như người Kinh), vào ngày này họ mặc y phục truyền thống. Đêm giao thừa mọi người đều ra suối lấy nước về pha trà để cúng tổ tiên. Sau đó mời thầy chọn giờ tốt để mang chum, vại đi lấy nước suối về dùng trong ngày Tết. Sáng ngày mồng một Tết, họ ăn chay và đến thăm anh em họ hàng. Từ ngày mồng hai trở đi họ mới cúng đồ mặn, sau đó thì đi chúc Tết hàng xóm. Ngoài ra họ có thể đến các đền miếu cầu xin những điều may mắn tốt lành cho các thành viên trong gia đình. Họ tham gia vui chơi, ca hát các lễ hội truyền thống như: lễ Lục Tùng…
- 6
Người Giáy:
Vào dịp Tết Nguyên Đán, người Giáy tiến hành đồng thời cả cầu sức khoẻ và mùa màng. Theo họ Tết là thời điểm trời đất giao hoà, con người và mọi vật đều trở nên thiêng liêng. Bởi vậy, vào dịp này, người ta gửi cho nhau những câu chúc tốt lành nhất về sức khoẻ và công việc làm ăn; ban tặng nhau những món ăn có giá trị để tăng thêm sự may mắn. Ngoài ra người ta còn lấy giấy đỏ dán vào nhà cửa, công cụ sản xuất và đồ đạc trong gia đình để cầu cho linh hồn của đồ vật cũng trở nên khoẻ mạnh, làm tốt nhiệm vụ phù hộ cho gia đình. Theo họ như vậy có nghĩa một năm mới bình an, đầy đủ và hạnh phúc.