Hướng dẫn phong tục đón Tết của một số dân tộc
(Giúp bạn)Việt Nam là một cộng đồng 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có phong tục đón Tết riêng, những phong tục ấy đôi khi chỉ là quan niệm may rủi, nhưng cũng là biểu hiện nét đặc trưng văn hoá riêng của dân tộc mình.
- 1
Đàn ông phải dậy sớm nấu cơm
Với người Mông ở Si Ma Cai, Lào Cai, ngày thường, nấu cơm là nhiệm vụ của đàn bà con gái nhưng sáng mùng 1, đàn ông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc từ cho lợn gà ăn, lấy nước, nói tóm lại là làm tất tần tật mọi việc. Cái lý của người Mông, nói như nghệ nhân Hoàng Chúng: “Khi đẻ ra một đứa con trai, mình mang cái rau rốn chôn ngay vào cột nhà, nếu con gái thì mình mang rau rốn chôn vào cột giường. Nên con trai là trụ của gia đình. Vì thế, tất cả mọi vịêc trong gia đình, người con trai phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm”. Người Mông kiêng không ăn các loại rau vào ngày mùng 1 với suy nghĩ ngày đầu năm đã ăn rau thì coi như cả năm đấy mình chỉ có rau mà ăn thôi, không giàu sang được. Tết đến, cũng không được thổi lửa, huýt sáo. Làm thế có khác nào “gọi” gió bão về, năm ấy sẽ gió lớn, hoa màu đổ hết. Sáng sớm mùng 1 tết, ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau, vì nếu mà gọi nhau, sâu bọ nghe thấy sẽ dậy đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại ngô, lúa.
- 2
Đêm giao thừa đi ăn trộm lấy may
Đó là tục lệ của người Lô Lô từ xưa và bây giờ vẫn vậy. Đi lấy may không lấy nhiều, không lấy những vật có giá trị lớn, chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi… và đương nhiên là không lấy cái của chính gia đình mình. Người Lô Lô đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Người Lô Lô ở Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang thường lấy mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn người Lô Lô ở Mèo Vạc thì lại chọn con số 3. Có thể là 3 củ tỏi, 3 lá rau… Nhổ trộm tỏi mà không nhổ hết, bị đứt là cũng không tốt, không cố làm gì. Điều đáng chú ý là người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì. Phong tục mà, ai chả thế!
- 3
Tranh nước mới
Sáng mùng 1, lúc 4-5 giờ, người Nùng ở vùng cao phía Bắc có tục đi tranh nước. Ai lấy được sớm thì nhà ấy có lộc nhiều. Người Pu Péo thì gọi đó là “nước vàng nước bạc”. Đi lấy nước là lấy lộc xuân. Nhưng trước khi lấy nước mang về người Pu Péo không quên thắp nén hương, cầu khấn thần nước cho chảy mãi. Gánh nước ấy, người Pu Pép mang thẳng về nhà, thay toàn bộ nước cũ. Lấy nước ấy rửa mặt, rửa xong đổ hết vào trong nhà, chứ không được đổ ra ngoài sân. Vì đó là nước bạc, nước vàng, là của cải.
Theo phong tục của người Tày ở Bắc Cạn, sáng mùng 1, ra giếng làng lấy nước phải bỏ tiền để mua nước. Khi nào có được 3 người bỏ tiền vào giếng thì người thứ 4 đi lấy nước được lấy số tiền đó mang về. Ai cũng mong mình là người thứ 4 để được may mắn cả năm.
Vào thời khắc giao thừa, người Cao Lan cũng xuất hành đi lấy nước về cúng gia tiên. Khi đi lấy nước, chủ nhà mang theo 1 thẻ hương để cầu khấn thần nước cho xin nước và phù hộ cho dân làng có đủ nước uống, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Nước sau khi cúng gia tiên, phần còn lại thường cho trẻ đang đi học uống 3 ngụm. Mỗi lần trước khi uống phải nín thở và có quyền ước lấy 1 điều. Người Cao Lan tin rằng: Những ngụm nước đó sẽ làm con người thông minh sáng dạ, học giỏi, có chí phấn đấu.
- 4
Càng dính nhiều tro càng nhiều may mắn
Tết cổ truyền của người Giẻ Triêng ở Kon Tum gọi là Cha chả, tức là ăn than. Trước tết ba ngày, ba chàng trai to khoẻ của làng được già làng cử lên rừng đốt củi thành những đống than lớn, mang về làng. Dân làng chờ sẵn. Người ta nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên. Mọi người xúm nhau hất tung hai loại tro đó, sao cho cho nó bay lên cao. Ai dính nhiều tro nhất thì sẽ may mắn, mùa màng sẽ tốt tươi. Mỗi người cầm một nắm xôi ném lên mái nhà. Nắm xôi của ai dính trên đó, chắc chắn người đó năm mới sẽ có 100 gùi lúa. Sau đó, người ta sẽ cất than đi. Sau hai ba ngày, người lớn trong gia đình sẽ lấy than đem đi mài dựa, dao, rìu để bắt đầu một mùa sản xuất mới.
- 5
Chúc tết bằng lời hát, tiếng cồng
Qua giao thừa, người Mường ở Tân Lạc, Hoà Bình đánh ba hồi chiêng. Sáng sớm, người chủ gia đình xuống dưới sân gọi trâu bò về chuồng với quan niệm: Sáng sớm gọi trâu bò về thì cái năm ấy gia đình có nhiều trâu hơn. Sáng sớm mùng 1, con gái con trai đều phải đi tắm để cởi bỏ hết tất cả những cái xấu của năm cũ. Sau đó, cầm cồng cầm chiêng, tấu vang bài cồng Xắc bùa, đến từng nhà hát Xắc bùa chúc tết. Tiếng cồng “bong, bính, bong…” rộn rã khắp mường khắp bản.
- 6
Hò nhau “Cướp” giọng gà..
Người Pu Péo ở Hà Giang có tục “Đón giọng gà” hay còn gọi là “Cướp giọng gà”. Khi giao thừa đến, sắp sang năm mới, người ta phải canh chừng mấy chú gà trống. Thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là người ta đốt ngay 1 quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Người Pu Péo quan niệm: tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, người Pu Péo muốn tiếng hát của mình át tiếng gà với niềm tin hồn nhiên: Người nào làm được như thế thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Nếu đón tết ở bản làng người Pu Péo, là phụ nữ bạn chớ vội đi chúc tết vào sáng mùng 1. Chỉ đàn ông mới được vinh hạnh này. Con gái tuổi lấy chồng mà vào nhà người ta, đó là điều tối kỵ. Họ sợ năm ấy gặp điều xúi quẩy, rủi ro, làm ăn không phát tài. Còn con trai thì đến càng sớm, chủ nhà càng vui. Tất nhiên ai cũng mong ngóng người đến chúc Tết nhà mình phải là người khoẻ mạnh, lịch sự, làm ăn khấm khá.
- 7
Lễ hội gội đầu... chiều mùng 1 tết
Người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, Sơn la có hẳn một lễ hội gội đầu vào đúng 1 giờ chiều 30 tết. Tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bờ sông để tổ chức lễ gội đầu với mong muốn xua đi những nhọc nhằn, vất vả trong năm qua và cầu cho năm mới mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ. Người ta tổ chức ném còn, xòe vòng… Trai gái được dịp vui chơi thoả thích.
Phong tục đón tết của các dân tộc dù khác nhau nhưng đều có một điểm chung là trong những ngày đầu năm mới, mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân. Ai cũng sợ to tiếng thì sẽ bị “dông” cả năm. Đón tết mừng xuân cho dù có khác nhau ở tục lệ nhưng lại đều gặp nhau ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng./.