Bệnh "da mùa xuân" ở trẻ không thể coi thường

14:27 14/04/2015

(Giúp bạn)Vào mùa xuân, không khí vẫn còn khô do vậy da trẻ trở nên khô, dễ bong vảy, hoặc ngứa nhiều... Vì vậy, bệnh da mùa xuân ở trẻ em không thể xem nhẹ.

Thiếu kẽm

Theo Sức khỏe và Đời sống, viêm da đầu chi nặng do dạ dày-ruột ở trẻ nhũ nhi: bệnh di truyền hiếm gặp do không có khả năng hấp thu đủ kẽm trong chế độ ăn vì thiếu gene SLC39A4 vận chuyển kẽm đặc hiệu trong ruột. Triệu chứng đầu tiên xuất hiện trong vài tháng đầu đời, thường sau lúc cai sữa mẹ chuyển sang sữa công thức.

Da trẻ nổi lên những mụn nước dạng chàm hóa, khô, đóng vảy hoặc dạng vảy nến, phân bố đối xứng ở những vùng quanh hốc mắt, đầu chi, vùng hội âm và trên cằm, đầu gối, và khuỷu. Tóc thường đổi màu hung đỏ bất thường và dễ bị rụng là đặc điểm của bệnh. Rối loạn ở mắt cũng xảy ra như sợ ánh sáng, viêm kết mạc, viêm mi mắt, và loạn sản giác mạc.

Gia đình và Xã hội cho biết, nếu thiếu kẽm, con người sẽ kém phần năng động, trẻ em chậm phát triển. Hơn 200 phản ứng sinh hóa trong cơ thể được xác định có lệ thuộc vào chất kẽm. Kẽm can thiệp vào chuyển hóa gluxit, protein, axit béo và axit nucleic (một trong những vai trò rõ nhất của nó là tham gia vào chương trình gen trong axit nucleic (tổng hợp gen, sao chép ADN…).

Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới tất cả những gì liên quan đến các hoạt động nhân đôi của tế bào, sinh sản, tăng trưởng, liền sẹo, miễn dịch... Kẽm còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormone khác như hormone tăng trưởng, Insulin, thymulin.

Thiếu acid béo thiết yếu

Những biểu hiện khác của tình trạng thiếu acid béo thiết yếu là rụng tóc, giảm tiểu cầu và chậm lớn. Quan sát da trên kính hiển vi thấy những vết nứt trên lớp sừng ở da gây tăng mất nước qua lớp thượng bì. Điều trị bằng bôi tại chỗ thuốc acid linoleic và dinh dưỡng thích hợp có thể cải thiện biểu hiện lâm sàng và thay đổi sinh hóa.

Bệnh suy dinh dưỡng phù

Trong thời gian cai sữa chuyển sang chế độ ăn đặc không thích hợp, trẻ dễ bị thiếu protein nặng và cạn kiệt acid amino thiết yếu mặc dù được nuôi dưỡng với chế độ ăn mà khối lượng thức ăn nhiều nhưng mất cân bằng về các chất vẫn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Da trẻ lúc này có màu đỏ nâu và bong vảy lan tỏa, nặng hơn da bị trợt và nứt nẻ.

Tổn thương gặp ở những vùng da tiếp xúc ánh sáng mặt trời như bàn chân và mu bàn tay. Móng tay chân trở nên mỏng và mềm hơn, tóc thưa thớt, sợi mỏng và bạc màu. Đôi khi có dấu hiệu lá cờ gồm những dải màu nhạt, đậm xen kẽ phản ánh thời kỳ dinh dưỡng thích hợp và không thích hợp. Tổn thương da gần giống viêm da đầu chi do dạ dày ruột.

Bệnh Pellagra

Chế độ ăn thiếu acid nicotinide (một vitamin nhóm B) làm trẻ hay bị phù, da nổi hồng ban vùng mặt, cổ, và mu bàn tay, cánh tay, bàn chân và có cảm giác nóng rát khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Những tổn thương này có thể khởi phát khi da bị phỏng, đè ép, chà xát và viêm.

Sau đó xuất hiện hồng ban hình cánh bướm trên mặt và viêm da quanh cổ, mụn nước dày, vỡ và tăng sắc tố. Nhiễm trùng da có thể xảy ra nhưng hiếm khi nặng. Bệnh cũng có thể gặp ở trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc kém hấp thu niacin và hoặc tryptophan. Điều trị chủ yếu bằng bổ sung nicotimide và tránh ánh sáng mặt trời.

Thiếu vitamin A

Vitamin A là sinh tố tan trong dầu có sẵn trong các thực phẩm gốc động vật (sữa, lòng đỏ trứng, gan) và được tạo thành trong cơ thể từ sắc tố b carotene có trong rau củ như: rau ngót, rau dền, cà rốt, đu đủ, khoai lang… có vai trò thiết yếu trong tăng trưởng, nhìn trong bóng mờ và các mô cơ, biểu hiện đầu tiên là mắt bị quáng gà.

Thay đổi ở da gồm khô da niêm, dày sừng và tăng sản thượng bì, đặc biệt ở lớp sừng nang lông và tuyến bã. Trường hợp nặng da bị bong vảy.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Trẻ em không nên uống thuốc Chloramphenicol
-2 Những thói quen tàn phá sức khỏe
-3 Thuốc điều trị viêm xoang
-4 Chấn thương răng ở trẻ em: Biện pháp khắc phục

Theo GDVN

Comments