Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà
(Giúp bạn)Bệnh ho gà dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm tiểu phế quản, lao, suyễn, dị vật đường thở, viêm khí - phế quản… vì thường gây những cơn ho giống nhau và ho kéo dài.
Triệu chứng của bệnh ho gà
Theo Báo phụ nữ TP.HCM, ho gà là bệnh lây lan cao, xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Trước đây, bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới sáu tuổi, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng chuyển sang nhóm trẻ lớn, người lớn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ho gà có biểu hiện ho ít nhất hai tuần kèm theo một trong các triệu chứng sau: cơn ho kịch phát, tiếng rít, ói sau cơn và không có nguyên nhân rõ ràng khác. Nếu người bệnh từng tiếp xúc với ca ho gà đã được xác định sẽ là cơ sở giúp củng cố hơn cho việc chẩn đoán.
1. Thể thông thường điển hình
- Thời kỳ nung bệnh: 2-30 ngày (trung bình 5-12 ngày).
- Thời kỳ khởi phát (hay còn gọi giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long): Thường từ 3-14 ngày với các biểu hiện.
- Sốt nhẹ, từ từ tăng dần.
- Các triệu chứng viêm long đường hô hấp: ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn.
- Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn)
Kéo dài 1-2 tuần. Xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hoặc khi quấy khóc. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: ho, thở rít vào và khạc đờm.
- Ho: ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
- Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
- Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà. Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản.
- Xét nghiệm:
+ Số lượng bạch cầu máu ngoại vi tăng cao tới 20.000-30.000/mm3, trong đó chủ yếu là bạch cầu lympho (chiếm 60-80%).
+ Cấy nhầy họng có thể cho tỷ lệ dương tính tới 92,1%.
+ Dùng phương pháp miễn dịch huỳnh quang cho kết quả nhanh nhưng tỷ lệ dương tính giả tới 40%.
+ X quang phổi: có các bóng mờ đi từ rốn phổi tới cơ hoành. Ngoài ra, có thể thấy phản ứng mờ góc sườn hoành, hình mờ đáy phổi hoặc hình ảnh xẹp phổi.
- Thời kỳ lui bệnh và hồi phục
Kéo dài khoảng 2-4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt dần lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường.
Ở một số trẻ xuất hiện những cơn ho phản xạ kéo dài, thậm chí tới 1-2 tháng.
2. Một số thể lâm sàng
- Theo lứa tuổi:
- Ho gà ở trẻ sơ sinh: thường diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao.
- Ho gà ở người lớn: ít gặp. Biểu hiện lâm sàng thường nhẹ, ho dai dẳng nhưng thở vào không rít lắm, ít nôn.
- Theo mức độ:
- Thể thô sơ: không ho, chỉ hắt hơi nhiều.
- Thể nhẹ: cơn ho nhẹ, ngắn và không điển hình, không khạc đờm nhiều. Thường gặp ở trẻ em đã tiêm vắcxin phòng ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn lưu ngắn. Thể này thường khó chẩn đoán.
Biến chứng của bệnh ho gà
Theo Sức khỏe & đời sống, bệnh ho gà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng hô hấp:
- Viêm phế quản: trẻ sốt cao, nghe phổi có nhiều ran rít, ran ngáy. Đặc biệt ở một số trường hợp có thể gặp khạc ra đờm, mủ.
Xét nghiệm: Bạch cầu đa nhân trung tính ở máu ngoại vi tăng cao.
- Giãn phế quản: Thường là hậu quả của bội nhiễm phế quản - phổi. Thường khó phát hiện trên phim X quang thông thường. Trên phim chụp phế quản cản quang, 50% trường hợp có giãn phế quản hình trụ hoặc hình ống, hình ảnh này sẽ hết khi khỏi bệnh ho gà.
- Viêm phổi - phế quản là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, nghe phổi có nhiều ran ẩm, ran nổ. X quang phổi có nhiều nốt mờ không đều rải rác 2 bên. Tử vong cao do suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.
Biến chứng thần kinh
Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được cứu thoát có thể để lại di chứng như liệt nửa người, liệt một chi, liệt dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn tâm thần.
Biến chứng cơ học:
Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.
Bội nhiễm
Các trường hợp bội nhiễm do nhiễm trùng nhiều vi trùng cùng tấn công vào cùng một thời điểm.
Tham khảo thuốc: 3b – Medi: Bổ sung các vitamin nhóm B cho cơ thể. Với liều cao dùng để điều trị các chứng đau nhức do các bệnh lý thần kinh, bệnh yếu cơ... |
Trà Mi
Theo GDVN