Bệnh u máu ở trẻ em: Phân loại và sự phát triển bệnh
(Giúp bạn)U máu là một bệnh lý mạch máu thường gặp ở trẻ em; 59% xuất hiện khi mới sinh, 40% trong tháng đầu, 30% ở trẻ đẻ non dưới 1,8kg cân nặng.
Thế nào là bệnh u máu?
Theo Sức khỏe & đời sống, bệnh u máu là bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 30% số bệnh nhân là trẻ trong tháng đầu sau sinh. Còn lại đa phần xuất hiện ở giai đoạn trẻ 1 tuổi. Một phần nhỏ xuất hiện ở tuổi trưởng thành.
Bản chất của khối u là sự tăng sinh của mạch máu, chính xác là sự tăng sinh của các tế bào nội môi gây nên. Vì là khối u máu nên nếu như khối u máu vỡ, đương nhiên mạch máu sẽ bị tổn thương và máu chảy ra.
Bệnh u máu có đầy đủ các tính chất của một khối u ngoại trừ một tính chất, đó là khối u lành tính và đa phần tự teo đi trong các giai đoạn về sau. Khối u có đặc điểm như một khối u thông thường nhưng chúng có thêm một đặc điểm đặc trưng là chứa đầy mạch máu và máu. Khác với các khối u phần mềm khác, thường to lên và phát triển theo thời gian, đến một giai đoạn nhất định chúng có thể chuyển thành ác tính.
U máu đa phần lành tính và tự khỏi, thường xuất hiện ở mặt, đầu, cổ, mông, đùi của trẻ em.
Chỉ một số ít xuất hiện ở gan, hầu họng, tim, cột sống. Những dạng này chiếm tỷ lệ ít và thường gặp ở người trưởng thành. Đa phần u máu nội tạng xuất hiện ở gan.
Các loại u máu
BS Nguyễn Hoài Thu cho biết trên Người lao động, về hình thái, u máu được chia làm 3 loại:
- U máu mao mạch: Xuất hiện như một vết son hay một mảng màu rượu chát trên cùng mặt phẳng với da bình thường, ấn xuống không mất màu.
- U máu dạng hang: Thường lớn, nhô khỏi mặt da. Trong đa số trường hợp, u lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ và có thể làm biến dạng cơ thể. Loại u này có thể xuất hiện cả ở các cơ quan nội tạng hay trong não.
- U hỗn hợp: Thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong và dưới da.
Các khối u này thường nằm ở những vị trí sau:
- Vùng mí mắt và hốc mắt: Bệnh nhân có nguy cơ bị lão thị hay lác. Nếu sang thương sâu hơn thì có thể bị sụp mí và chèn ép thần kinh thị giác.
- Tuyến mang tai: Biểu hiện là một khối lớn ở mang tai, gặp nhiều nhất ở trẻ gái. U ở vị trí này thường được phát hiện sớm sau sinh, có thể gây biến dạng mặt nhưng dây thần kinh mặt không bị ảnh hưởng...
- Hàm trên hay dưới: Ít gặp nhưng nếu chẩn đoán và điều trị không đúng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (chảy máu niêm mạc số lượng lớn quanh một răng, răng liên quan bị sưng phù và đau). Nếu nhổ chiếc răng lung lay này, bệnh nhân có thể bị chảy máu dữ dội và tử vong.
- Dưới sụn nắp thanh quản: Ít gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng. Triệu chứng (xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu sau sinh) gồm khò khè, khó thở thanh quản. 1/3 số trẻ này có u máu trên da kèm theo.
- Ở cơ tứ đầu của đùi: Có một khối u trong cơ. Bệnh nhân thường cảm thấy đau, vùng da trên u thay đổi.
- Nội tạng: Ở gan, lách, dạ dày, ruột, não.
Nguyên nhân bệnh u máu
Có một số giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh u máu được đưa ra:
- Di truyền: Từ cha mẹ truyền sang con cái có nguy cơ chiếm 50/50 số lần mang thai. Bố hoặc mẹ có u máu đã thoái triển nhưng đứa con bị u máu nặng hơn.
- Rối loạn hormon.
- Rối loạn miễn dịch.
- Bất thường về mạch máu.
- Ảnh hưởng của hoá chất hay các chất độc hại khác.
- Cha mẹ bị nhiễm khuẩn hay nhiễm virút trong thời kỳ mang thai.
- Sau chấn thương.
Sự phát triển bệnh u máu
Sau khi xuất hiện, u máu có thể lớn dần lên, từ một vết nhỏ như nốt ruồi son, nó trở thành một mảng hồng đậm màu, thậm chí có thể gồ lên thành mảng.
U thường lớn dần theo cơ thể trẻ em, phát triển nhanh hay chậm tùy theo từng vị trí. Chẳng hạn, những u máu ở vùng gần niêm mạc như môi, mắt, vùng cổ, tuyến nước bọt, tuyến dưới hàm sẽ phát triển rất nhanh. Những u ở bề mặt da, tứ chi, ngực, bụng, thường ít phát triển hơn so với ở mặt.
U đạt kích thước lớn nhất vào khoảng tháng thứ 6 - 10 và bắt đầu quá trình thoái triển tự nhiên sau 1 năm. U có thể biến mất hoàn toàn hay một phần khi trẻ 5-8 tuổi.
Trà Mi
Theo GDVN