Cách chữa mẩn ngứa ở trẻ nhỏ
(Giúp bạn)Mụn nhọt, rôm sảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là vào mùa hè. Nhiều mẹ chưa sử dụng đúng cách trị mụn nhọt, xem nhẹ dẫn đến các biến chứng nặng hơn, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng.
Nguyên nhân bệnh mẩn ngứa, mụn nhọt ở trẻ
Theo Khám phá, nguyên nhân chính gây ra bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ là do thời tiết nóng nực, mồ hôi ở trẻ tiết ra nhiều và không thoát ra hết nên ứ đọng trong ống bài tiết.
Miệng ống bị các tác nhân như bụi, tế bào da chết bít kín khiến làn da nổi lên nhiều nốt sẩn nhỏ, lấm tấm màu hồng mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Rôm sảy sẽ mọc nhiều ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, ngực…
Đa số, trẻ chỉ bị rôm sảy thông thường, không gây tác hại gì, tuy nhiên, nếu không chú ý vệ sinh sạch sẽ, da bé dễ bị nhiễm khuẩn thành những nốt mụn mủ và nhọt. Đặc biệt, mụn nhọt xuất hiện nhiều hơn ở những trẻ yếu, có sức đề kháng kém, do nhiễm khuẩn cấp tính loại tụ cầu vàng ở lỗ chân lông, gây viêm nang lông và các tổ chức xung quanh.
Khi không được điều trị đúng, có thể gây biến chứng vào thận gây viêm cầu thận cấp, biến chứng vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, có thể dẫn tới tử vong.
Với bệnh mẩn ngứa ở trẻ nhỏ, Vnexpress cho biết, đó là một bệnh viêm da thường thấy, nguyên nhân rất phức tạp, nhưng gần đây người ta cho là có tính di truyền, thường gặp ở trẻ béo, có cơ địa hay bị dị ứng.
Phần lớn là trẻ sau khi sinh 1-2 tháng bắt đầu phát bệnh cho đến 2 tuổi dần mất đi. Biểu hiện mới đầu là hai má bị ngứa, trẻ thường lắc, cọ đầu hoặc dùng hai tay để gãi.
Sau đó xuất hiện những nốt mẩn như hạt gạo rồi dần mọng nước; mọng nước vỡ ra sẽ chảy nhiều nước vàng, sau đó đóng vảy. Bệnh có khi nhẹ, có khi nặng nhưng gây ngứa mạnh. Trẻ thường quấy khóc, ảnh hưởng đến ăn, ngủ và sự phát triển.
Một vài lưu ý khi trẻ bị mẩn ngứa
- Theo Sức khỏe và Đời sống, tránh dùng xà phòng rửa da sẽ làm mẩn ngứa nặng thêm. Nếu vảy hơi dày, có thể dùng dầu gai bôi lên cho mềm da.
- Nếu đắp chăn quá dày sẽ gây ngứa, không nên dùng chăn len, mặc áo len.
- Không nên dùng kháng sinh hay gây dị ứng, nên thử test cẩn thận trước khi tiêm, hoặc hết sức thận trọng khi dùng đường uống.
- Da phải bảo đảm sạch sẽ, tránh bị kích thích (như gãi, phơi nắng), quần áo phải rộng, mềm mại.
- Tránh những nhân tố gây dị ứng trong thực phẩm như tôm, sò, cua hoặc những thức ăn tanh. Người mẹ cho con bú cũng cần kiêng ăn những loại thức ăn mà bé dị ứng.
- Giữ tiêu hóa luôn bình thường, tránh ăn no quá. Trẻ bị bệnh nên ăn nhạt để tránh tích lũy quá nhiều nước và natri trong cơ thể.
- Dùng dầu thực vật có thể tăng thêm acid béo không bão hòa, giảm bớt việc phát sinh mẩn ngứa.
Một số bài thuốc chữa mẩn ngứa cho trẻ
Các món ăn bài thuốc
- Rau muống 30 g, râu ngô 15 g, mã thầy 10 g, nấu canh ăn.
- Đậu xanh, bách hợp mỗi thứ 30 g, nấu cháo ăn.
- Cá chạch tươi luộc bỏ bã, ăn canh.
- Gạo nếp 50 g, rau câu 30 g, nấu cháo ăn.
- Ý dĩ nhân, bột mã thầy mỗi thứ 30 g, cùng nghiền bột mịn nấu cháo.
- Xích đậu, bí đao lấy vỏ mỗi thứ 30 g, sắc uống thay trà, có thể uống thường xuyên.
- Nước chè xanh, nước quả tươi hoặc nước cà chua uống thường xuyên.
Tham khảo thuốc: Milian Làm tăng cường hay hạn chế, thậm chí cản trở sự bốc hơi nước qua da. Có loại làm tăng diện tích tiếp xúc của da, giúp bốc hơi nước qua da dễ dàng hơn, làm mát da, chống sự ngưng tụ máu, giảm viêm. |
Tiến Khê
Theo GDVN