Cách xử lý khi bé rụng rốn

14:32 14/04/2015

(Giúp bạn)Các mẹ cần quan tâm là đảm bảo cho bé bú đủ sữa mẹ nhằm cung cấp đủ kháng thể chống nhiễm trùng, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng.

Sai lầm thường gặp trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh

Khám phá cho biết, một trong những quan niệm sai lầm về việc chăm sóc rốn cho bé là băng rốn quá chật, quá kín. Nhiều người thường nghĩ rằng, băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Nhưng trái lại, việc băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ …

Ngoài băng kín rốn, nhiều mẹ khi thấy rốn của con gần rụng, chỉ còn dính một phần rất nhỏ với cuống rốn đã tự ý giật hoặc cạy bỏ. Cách làm này có thể gây tổn thương nguy hiểm và nghiêm trọng cho bé. Có nhiều bà mẹ lại quá vệ sinh, tắm và lau rửa rốn cho bé thường xuyên mà không biết rằng, chăm sóc sai phương pháp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rốn lâu rụng hay viêm nhiễm rốn ở con.

Chưa kể, các bà các mẹ nuôi con theo quan niệm cũ còn tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu  v.v… lên cuống rốn bé với hy vọng sẽ giữ vệ sinh cho rốn và làm cho rốn mau rụng. Chính sự thiếu hiểu biết này là nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị nhiễm trùng rốn nặng, khó điều trị và để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da.

-1

(Ảnh minh họa)

Cảnh giác với nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh

Khi còn trong bụng mẹ, bé nhận chất dinh dưỡng và oxy qua nhau thai bám vào thành trong tử cung mẹ, nhau thai được nối với em bé bằng dây rốn thông qua một lỗ nhỏ trên bụng của bé. Sau khi bé chào đời, dây rốn không còn tác dụng gì và được cắt bỏ. Thông thường, dây rốn sẽ tự khô và rụng trong vòng từ 1 – 2 tuần.

Trong thời gian rốn chưa khô rụng, nếu không được chăm sóc tốt, bộ phận này sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, gây nhiễm khuẩn. Các nhiễm khuẩn rốn thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh gồm các loại sau:

Viêm rốn có mủ

Các mẹ có thể phát hiện bé bị viêm rốn có mủ khi thấy những triệu chứng sau: chân rốn bé bị tấy đỏ, phù nề, có mùi hôi, luôn ẩm ướt, chảy mủ vàng và lâu rụng. Bé có thể bị sốt hoặc không, quấy khóc, không chịu bú …

Nếu thấy bệnh biểu hiện nhẹ, các mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách thay băng hàng ngày cho bé, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già, sau đó lau khô rồi rắc bột kháng sinh, dùng băng gạc vô trùng băng lại. Tuy nhiên nếu biểu hiện bệnh nặng, bé sốt cao, bỏ bú, toàn thân mệt mỏi, suy sụp … cần phải đưa bé đến ngay cơ sở y tế.

Viêm mạch máu rốn

Mạch máu rốn gồm 2 động mạch, 1 tĩnh mạch. Sau khi bé ra đời, các mạch máu rốn sẽ xẹp và xơ hóa. Quá trình này thường kéo dài 6 - 8 tuần sau khi sinh, có trường hợp đến 9 – 11 tuần.

Nếu chăm sóc không tốt, vi khuẩn có thể vào các mạch máu, gây viêm nhiễm. Các động mạch này càng dễ bị viêm nhiễm hơn nếu sau khi cắt rốn, máu ở khu vực này còn tồn đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Do đó, khi  thấy thành bụng phía dưới rốn bị phù nề, tấy đỏ, mẹ vuốt thành bụng theo chiều từ xương mu lên rốn thấy mủ chảy ra, bé quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi … có thể bé đã bị viêm động mạch rốn. Ngược lại, khi vuốt thành bụng từ mỏm ức xuống rốn thấy mủ chảy ra, thành bụng phía trên rốn tấy đỏ, phù nề, bé có thể đã bị viêm tĩnh mạch rốn.

Chứng viêm tĩnh mạch rốn rất nguy hiểm, vì vi khuẩn dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dẫn tới nhiễm trùng huyết, vì  vậy, các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện sớm nếu phát hiện các triệu chứng trên để được chữa trị kịp thời.

Uốn ván rốn

Đây là bệnh nguy hiểm, bởi nếu nặng, bé có thể bị co thắt do các cơ thở, dẫn đến tử vong. Khi bị uốn ván rốn, bé sẽ sốt, bỏ bú, sau đó cứng hàm, co cứng toàn thân, hai tay nắm chặt. Nếu có các tác nhân tác động như ánh sáng, âm thanh sẽ làm gia tăng thêm tình trạng co giật.

U hạt rốn

Mặc dù cuống rốn đã rụng nhưng vùng chân rốn vẫn bị rỉ dịch vàng kéo dài, bé không có dấu hiệu sốt, hoặc sưng, nóng đỏ vùng rốn. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, u hạt rốn có thể kéo dài dẫn đến nhiễm trùng rốn.

Xử lý khi bé rụng cuống rốn

Sức khỏe và đời sống cho biết, theo giải phẫu bình thường, cuống rốn gồm 1 tĩnh mạch và 2 động mạch được bao phủ bằng lớp mô liên kết nhầy. Đây là cầu nối giúp chất dinh dưỡng được truyền từ mẹ sang con để nuôi dưỡng thai nhi.

Sau khi sinh, rốn được kẹp lại và ngắt khỏi người mẹ, cuống rốn sau đó sẽ nhanh chóng khô, cứng và chuyển màu đen. Cuốn rốn thường rụng sau sinh khoảng 5-15 ngày (trung bình khoảng 7 ngày).

Như vậy, những em bé rụng rốn được khoảng 1 tuần nhưng rốn chưa khô là điều hoàn toàn bình thường. Trường hợp em bé có rốn vẫn chưa khô và có hạt trắng thì cần theo dõi thêm.

Vì thông thường, sau khi rốn rụng, chất dịch nhầy có thể vẫn còn được tiết ra cho đến khi rốn lành hẳn sau vài ngày. Đây là phản ứng viêm sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể khiến cho trẻ dễ bị nhiễm trùng rốn nếu không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Tuy nhiên, nếu em bé vẫn bú mẹ và ngủ bình thường, không thấy bất thường gì khác vùng quanh rốn, thì các mẹ yên tâm và không cần lo ngại.Do đó, điều đầu tiên các mẹ cần quan tâm là đảm bảo cho bé bú đủ sữa mẹ nhằm cung cấp đủ kháng thể chống nhiễm trùng, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng.

Nên lưu ý giữ vệ sinh cho trẻ, đặc biệt vùng rốn vừa rụng, không băng kín mà nên để thoáng, giữ sạch sẽ.

Đồng thời theo dõi sát sao vùng rốn rụng, nếu có các biểu hiện sau thì cần đưa bé đi tới cơ sở y tế khám ngay: rốn rỉ dịch kéo dài, dịch mủ vàng, hôi hoặc chảy máu, da vùng xung quanh rốn sưng nề đỏ, bé quấy khóc khác thường, sốt, bú kém hoặc bỏ bú.

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Acid folic rất cần thiết cho rất nhiều các phản ứng sinh lý. Đặc hiệu hơn, acid folic cần thiết cho việc tổng hợp DNA và do đó đóng vai trò thết yếu trong quá trình phân chia tế bào. Nó còn tham gia vào quá trình sản xuất các acid amin không thiết yếu như methionine và glycin.

Tú Liên

Nên đọc
-2 Ngủ dậy sớm và những lợi ích đối với sức khỏe
-3 Lợi ích cho sức khỏe con người từ việc đổ mồ hôi
-4 Cảnh giác với các dấu hiệu bất thường của lưỡi
-5 Nước uống có ga và những nguy hại đối với sức khỏe

Theo GDVN

Comments