Dấu hiệu trẻ có thính giác không tốt và phương pháp rèn luyện

14:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Những vấn đề về khả năng nghe của trẻ thường khó phát hiện. Khi dấu hiệu đã rõ ràng thì trẻ có thể đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển nhận thức và ngôn ngữ.

Khi mới sinh

Theo Vzone cho biết, ở một số bệnh viện, người ta tiến hành kiểm tra thính giác của trẻ ngay từ khi trẻ sinh ra. Tuy nhiên, ở phần lớn các bệnh viện, chỉ đối với những trẻ có nguy cơ cao gặp vấn đề về thính giác mới được kiểm tra (tiền sử gia đình, bị ngạt khi sinh, nhiễm trùng ở người mẹ trong lúc mang thai...)

Từ 4 – 9 tháng và 2 tuổi

Trong các lần kiểm tra định kỳ cho trẻ, bác sỹ nhi khoa sẽ đứng đằng sau trẻ và bật các âm thanh với cường độ khác nhau để trẻ nghe, hoặc đơn giản hơn bác sỹ chỉ cần gọi tên trẻ để kiểm tra xem trẻ có phản ứng với âm thanh, quay đầu về hướng có âm thanh phát ra không.

Từ 3 – 6 tuổi

Việc kiểm tra trong giai đoạn này bao gồm khám tai, màng nhĩ và cho trẻ đeo headphone để nghe một bản nhạc với cường độ ậm thanh thay đổi.

Dấu hiệu cảnh báo

Cho dù con bạn không thức dậy trong khi bạn đang hút bụi dưới giường có thể vì em bé có một giấc ngủ sâu. Nhưng nếu bạn nhận thấy trẻ không có phản ứng nhiều lần với các tình huống sau thì nên nên đến gặp bác sỹ để kiểm tra kỹ càng và được tư vấn:

- Trẻ không bao giờ có phản ứng khi tiếng chuông điện thoại reo hoặc tiếng cửa mở.

- Trẻ không bi ba bi bo, bập bẹ nói.

- Trẻ không quay đầu về hướng khi có tiếng người gọi.

- Trẻ đọc sai rất nhiều từ, nhầm lẫn giữa các phụ âm “p” và “b”; “d” và “t”; “m” và “n”...

- Trẻ không nói được gì nhiều khi được 3 tuổi ngoài những từ: “ba”, “mẹ”, “có”, “không”.

Ở tuổi này, trẻ thường biết được khoảng 200 từ, nói được những câu ngắn, đơn giản, và phải hiểu được tất khi nghe người khác nói dẫu rằng trẻ vẫn chưa nói được lưu loát, rõ ràng.

- Cũng theo Kiến thức, dấu hiệu nữa là khi trẻ nói rằng “Tai con bị ù, con không nghe rõ”. Đây có thể là do trong tai của trẻ có quá nhiều ráy tai làm cản trở tới việc tiếp nhận âm thanh bên ngoài.

- Trẻ thường xuyên hỏi lại bạn rằng “gì cơ ạ?”

- Trẻ thường tập trung sự chú ý vào miệng người nói.

- Trẻ không tập trung trên lớp, thường xuyên không nghe thấy bạn bè hoặc thầy giáo gọi.

- Trẻ ngồi rất gần khi xem tivi và bật âm thanh tương đối lớn.

Phương pháp rèn luyện thính giác cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Kiến thức cho biết, khi trẻ được 3 tuổi, khẳ năng ngôn ngữ cũng như thính giác đã có những sự phát triển nhất định. Bé càng lớn thì khả năng đó càng phát triển với mức độ phức tạp và sinh động hơn. Chính vi thế mà người lớn có thể dùng các phương pháp sau để rèn luyện khả năng nghe cho bé:

Vừa nhìn vừa nghe

Đối với trẻ bắt đầu được 3 tuổi, người lớn có thể rèn luyện thính giác cho trẻ bằng cách tìm một mẩu truyện tranh đơn giản, sau đó hãy cho trẻ xem tranh và nghe kể chuyện.

Người lớn nên để trẻ tập trung vào việc nghe và xem tranh chỉ là phụ họa. Sau một thời gian, có thể kiểm tra bằng cách để trẻ nhìn tranh và nói ra chủ đề của bức tranh đó. Khi trẻ được 4 tuổi, trẻ đã có thể vừa dùng ngón tay để chỉ các bức tranh và kể chuyện. Bạn có thể cho kể cho bé nghe để bé tập trung vào câu truyện và sau đó, yêu cầu bé dùng ngôn ngữ của mình để kể lại câu chuyện.

Cùng với việc tích lũy dần những kỹ năng sống trong quá trình phát triển, trẻ sẽ có ấn tượng nhất định về những âm thanh mà trẻ đã được nghe. Người lớn có thể thu vào băng một vài âm thanh trên đường phố hay trong gia đình, ví dụ như tiếng còi xe, tiếng chim hót, tiếng vòi nước chảy hay giọng nói của người thân và cho bé đoán. Việc thay thế bằng các âm thanh tiếng kêu của động vật cũng là một phương pháp thú vị khiến trẻ cảm thấy hứng thú.

Cho bé nhận biết giọng nói của nhiều người thân khác nhau cũng là cách rèn luyện thính giác cho trẻ. Hơn nữa, người lớn có thể cho trẻ nghe nhiều bài hát khác nhau cũng giúp bé nắm vững được giai điệu và rèn luyện thính giác tốt hơn.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Biểu hiện bất thường về thính giác của trẻ từ 1 đến 3 tuổi
-2 Nhận biết cơ thể thiếu vitamin C
-3 Liều vitamin A nào gây ngộ độc?
-4 Thính lực của bé theo mốc phát triển

Theo GDVN

Comments