Từ điển giấc ngủ giúp bé yêu ngủ ngon hơn
(Giúp bạn) - Bé yêu nhà bạn luôn khó chịu và quấy khóc mỗi khi đi ngủ thì rất có thể là do một số nguyên nhân trong sinh hoạt mà mẹ vô tình không để ý. Khắc phục được những nguyên nhân này, bé sẽ có một giấc ngủ ngon hơn mà mẹ không phải mất nhiều công sức.
A : Ánh sáng
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh vẫn chưa phân biệt được giữa ban ngày và ban đêm. Vì vậy, bé có thể ngủ vào ban ngày và chơi vào ban đêm khiến bố mẹ rất mệt mỏi. Hãy giúp bé thiết lập đồng hồ sinh học bằng cách mở toang hết cửa vào buổi sáng để đánh thức bé dậy và tắt hết đèn điện khi đến giờ đi ngủ vào buổi tối.
Ánh điện sáng không chỉ gây khó ngủ ở người lớn mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Ánh sáng quá mạnh hoặc quá chói sẽ ngăn chặn melatonin, là một loại hormone giúp điều hòa giấc ngủ, từ đó mà khiến bé trằn trọc, khó ngủ hơn. Vì thế, mẹ nên tắt mọi thiết bị phát ra ánh sáng như đèn điện, tivi, máy tính,... để con ngủ sâu và ngon giấc nhất.
B : Bỉm siêu thấm
Bạn đừng nên tiết kiệm chiếc tã vẫn còn dùng được mà không thay tã mới cho bé trước khi đi ngủ. Cảm giác ẩm ướt sẽ làm bé khó chịu và ngủ không ngon giấc.
Vì vậy, mẹ nên đảm bảo bé được mặc một chiếc tã sạch sẽ, khô thoáng và siêu thấm hút. Mẹ có thể bôi thuốc mỡ hoặc phấn khô để ngăn ngừa hăm tã do da tiếp xúc với tã ướt trong thời gian bé ngủ.
C : Cữ bú đêm
Các cụ xưa thường có câu “ăn no ngủ kỹ”, vì vậy mẹ nên cho bé bú thêm một cữ bú thật no vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 30 - 45 phút. Thay vì chờ cho bé đói và thức giấc, hãy cho bé ăn trong khi bé đang lim dim ngủ. Khi dạ dày của bé được lấp đầy, bé sẽ không bị thức giấc nửa chừng vì đói.
Lưu ý nhỏ cho mẹ là chỉ cần cho bé ăn nhẹ hoặc vừa đủ. Không nên cho bé ăn quá no, bé sẽ bị đầy bụng, khó tiêu, ngủ không yên giấc.
D : Đi ngủ sớm
Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng bé đi ngủ sớm thì sẽ dậy sớm, thậm chí bé sẽ thức dậy chơi vào lúc nửa đêm, nên thường cố tình để cho bé thức muộn hơn mới cho bé lên giường đi ngủ.
Các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ, với những bé dưới 1 tuổi thì nên cho bé đi ngủ lúc khoảng 6h30 – 7h tối. Đi ngủ sớm sẽ giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn.
E : Êm ái
Một chỗ nằm êm ái, gọn gàng, sạch sẽ sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Trước khi đi ngủ, mẹ nên dọn giường cho bé và nên dùng những tấm nệm, chăn gối mềm để bé yêu có giấc ngủ ngon nhất.
Nếu vào mùa lạnh, mẹ nên sưởi ấm giường cho con trước khi đi ngủ bằng máy sưởi hoặc dùng máy sấy để làm ấm giường. Ngoài ra, mẹ có thể đặt bên cạnh bé một con thú nhồi bông êm ái để bé ôm khi đi ngủ.
G : Giường ngủ, càng ít đồ càng tốt
Chỗ bé nằm càng ít đồ, càng thoáng đãng, càng giúp bé ngủ ngon hơn. Quá nhiều chăn gối, thú nhồi bông sẽ khiến bé khó thở. Ngay cả phòng của bé cũng vậy, càng ít đồ dùng càng tốt.
H : Hương thơm
Mùi thơm nhẹ từ tinh dầu sẽ giúp bé thư giãn và ngủ sâu hơn. Bạn có thể đặt ở gần giường bé 1 chiếc khăn có nhỏ vài giọt tinh dầu. Tuy nhiên, đối với những bé dưới 6 tháng tuổi thì mẹ không nên sử dụng tinh dầu vì da và mũi bé còn rất non nớt, nhạy cảm. Vì vậy, mẹ cũng nên hạn chế các loại chất tẩy rửa có mùi khi giặt quần áo cho bé.
I : Im lặng
Khi cho bé ngủ, bạn hãy tuyệt đối im lặng, đừng đáp lại “câu chuyện” hay những câu hỏi của bé. Trò chuyện với bé sẽ khiến bé hưng phấn và muốn nói chuyện tiếp mà quên đi cơn buồn ngủ.
K : Kể chuyện cho bé nghe
Hãy kể cho bé nghe một câu chuyện, bất kể là chuyện gì, ngay cả khi bạn không nhớ chính xác nội dung của nó vì bé đang còn quá nhỏ để hiểu được câu chuyện. Vì giọng kể đều đều, nhẹ nhàng của bạn có thể giúp bé thư giãn và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
L : Lên giường khi bé chớm buồn ngủ
Đừng đợi cho đến khi bé quấy khóc và đòi đi ngủ mà hãy quan sát những biểu hiện của bé. Nếu bé dụi mắt, khóc hay ngáp thì có thể đó là lúc bé bắt đầu cảm thấy mệt và muốn đi ngủ. Lúc này mẹ nên cho bé đi ngủ ngay chứ đừng nên để đến khi bé khóc vì gắt ngủ sẽ khiến bé khó ngủ hơn.
M : Mắt
Nếu muốn bé đi ngủ, bạn có thể làm bất cứ điều gì để vỗ về giấc ngủ cho bé nhưng tuyệt đối đừng nên nhìn vào mắt bé. Ánh mắt âu yếm hay vui tươi của mẹ sẽ kích thích bé, khiến bé tập trung vào mẹ, như vậy sẽ rất khó để ru bé ngủ.
N : Ngủ chung
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, những em bé cùng ngủ với bố mẹ khi lớn lên thường tự tin hơn và ít lo âu hơn. Để ngủ chung an toàn, bạn nên đặt một giường ngủ của bé hoặc một cái nôi bên cạnh giường của bạn chứ không nên cho bé nằm cùng giường. Điều này sẽ giúp hình thành thói quen ngủ riêng và tự lập sau này khi trẻ được 1 - 2 tuổi.
O : Ôm ấp
Nếu bạn dành thời gian ôm ấp bé yêu trước giờ đi ngủ, bạn sẽ làm cho bé cảm thấy được tình yêu thương của bạn dành cho bé, đồng thời tạo cho bé sự an toàn. Điều này sẽ giúp bé ngủ sâu giấc hơn.
Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng bé yêu sẽ ngủ ngon hơn nếu được bố bế và tựa nhẹ cằm vào đầu trẻ.
P : Phát tín hiệu
Hãy lập trình cho bé những thói quen trước giờ đi ngủ bằng các hoạt động nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày. Ví dụ như trước khi cho bé đi ngủ, bạn nên tắt đèn, massage, hát ru, đọc truyện cho bé… Sau khi đã hình thành thói quen thì chỉ cần bạn phát tín hiệu, bé sẽ ngầm hiểu rằng là đã sắp đến giờ đi ngủ.
Q : Quấn bé bằng chăn/khăn mỏng
Đối với những bé sơ sinh, do còn đang quen với việc quấn chặt khi ở trong bụng mẹ nên để giúp bé yêu ngủ ngon giấc hơn thì bạn nên quấn bé lại bằng 1 tấm khăn hoặc chăn mỏng.
R : Ru
Hát ru là một cách đưa bé đi vào giấc ngủ rất hiệu quả. Nó còn là sợi dây gắn kết tình cảm giữa mẹ và con.
Cho bé nghe tiếng hát hoặc những bản nhạc nhẹ nhàng, êm ái là cách tốt nhất để giúp bé ngủ ngon. Hoặc mẹ cũng có thể kết hợp hát ru với đung đưa nhẹ nhàng để bé đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
S : Sợi vải cotton
Các loại quần áo may từ loại vải tổng hợp có thể làm kích ứng làn da nhạy cảm của bé, khiến bé khó chịu, ngủ không ngon. Mẹ nên chọn quần áo làm từ sợi vải 100% cotton để tăng khả năng thấm hút và cảm giác thoáng mát cho bé trong khi ngủ.
T : Tắm cho bé
Nước ấm, cảm giác mềm mại của khăn tắm, những cái xoa nhẹ và những cử chỉ yêu thương của mẹ sẽ giúp bé thư giãn và ngủ ngon hơn. Bạn nên cất những đồ chơi gây tiếng động lớn và giữ các hoạt động ở mức chậm lại để tắm trở thành một trải nghiệm nhẹ nhàng và thư thái cho bé. Bé sẽ thấy thoải mái, dễ chịu và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
U : Ủ ấm vừa phải
Ủ ấm quá mức như cho bé mặc nhiều quần áo, đắp chăn dày có thể làm tăng nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ nhỏ. Buổi tối khi con đi ngủ, hãy mặc cho con quần áo mềm mại, thoải mái, thấm hút tốt.
Nếu sợ con lạnh, mẹ có thể đắp thêm cho con một chiếc chăn mỏng. Đặc biệt nên giữ ấm cho trẻ ở những vùng nhạy cảm và dễ bị nhiễm lạnh như chân, tay, thóp,...
Mặc nhiều quần áo hay đắp chăn dày sẽ khiến bé nóng bức, ra mồ hôi. Nếu mẹ không biết để lau cho con thì con lại bị nhiễm lạnh và dễ sinh các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, mẹ nên lưu ý kiểm tra người bé thường xuyên để xem bé lạnh hay nóng, cơ thể có toát mồ hôi không để điều chỉnh kịp thời.
V : Vitamin D
Thiếu vitamin D là nguyên nhân khiến bé hay giật mình thức giấc, quấy khóc và khó ngủ. Tình trạng thiếu vitamin D khá phổ biến ở trẻ sơ sinh hiện nay, đặc biệt là những em bé sinh vào mùa đông vì không được tắm nắng thường xuyên.
Trong sữa mẹ và thực phẩm cho bé chứa rất ít vitamin D. Vì vậy, mẹ cần tích cực cho con tắm nắng thường xuyên hoặc uống bổ sung vitamin D nếu ít có cơ hội ra ngoài trời.
X : Xoa bóp
Việc xoa bóp cho bé hay massage nhẹ lên cánh tay và vùng trán cũng giúp bé thoải mái và dễ ngủ hơn. Theo các bác sỹ nhi khoa, massage 15 phút cho bé trước giờ đi ngủ sẽ hiệu quả hơn so với việc đọc truyện. Lưu ý cho mẹ là khi massage, bạn nên dùng dầu massage dành riêng cho em bé.
Y : Yên tĩnh
Hãy cố gắng hạn chế tối đa mọi tiếng động lớn và mạnh, tạo môi trường yên tĩnh để không làm gián đoạn giấc ngủ của bé.
Bạn không nên cho bé nghe những âm thanh mạnh và quá lớn trong sinh hoạt, điều này sẽ phản tác dụng, khiến bé bị giật mình và quấy khóc trong lúc ngủ.