Chữa thoái hóa khớp gối thế nào?
(Giúp bạn)
Chữa thoái hóa khớp gối thế nào?
Về tây y sẽ điều trị bằng việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau và chế độ tập luyện thích hợp. Việc điều trị bằng thuốc nếu sau hai hoặc ba tháng không hiệu quả sẽ phải sử dụng đến biện pháp mổ xẻ. Hiện có nhiều cách như làm nội soi cắt hoặc mạc và làm sạch sụn hư bằng sóng radio cao tần, khoan xương cho chảy máu với hi vọng sụn sẽ mọc ra.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược (ĐHYD) TP.HCM với 50 bệnh nhân thoái hóa khớp gối đã được điều trị bằng nội soi như trên cho kết quả 76% tốt và rất tốt, 24% có kết quả trung bình. Đa số kết quả trung bình là khi sụn khớp gối đã hư nhiều và hư cả ba khoang là khe khớp bên trong, bên ngoài và mặt khớp bánh chè-xương đùi.
Ghép xương sụn tự thân qua nội soi tức là lấy sụn lành từ nơi không phải chịu lực ghép vào nơi hư. Phương pháp này chỉ làm cho những bệnh nhân dưới 50 tuổi và diện tích sụn hư nhỏ khoảng 2cm2, phương pháp này đã được triển khai tại Bệnh viện ĐHYD với kỹ thuật ghép sụn hoàn toàn qua nội soi.
Đục xương sửa trục khớp gối cho thẳng trở lại hoặc hơi vẹo ra ngoài một chút, phương pháp này cũng chỉ có kết quả khi khe khớp gối bên trong bị hư và hẹp dưới 50% và sụn bên ngoài còn tốt vì phần lực sẽ được chuyển sang khe khớp bên ngoài. Một số tác giả chủ trương thay khớp gối bán phần cho phần sụn hư mà không đụng đến phần sụn khác, phương pháp này chưa được triển khai tại VN.
Biện pháp cuối cùng khi sụn hư hoàn toàn là thay khớp gối nhân tạo toàn phần. Cũng theo số liệu nghiên cứu trên 35 bệnh nhân đã được thay khớp gối toàn phần tại Bệnh viện ĐHYD thì có bốn bệnh nhân được thay cả hai bên. 32 bệnh nhân có kết quả tốt và rất tốt, đi lại hết đau, ba ca có kết quả trung bình rơi vào những bệnh nhân bị thoái hóa khớp do viêm đa khớp.