Bà bầu không tiêm Anti-D, con sinh ra có nguy hiểm tính mạng?

15:22 14/04/2015

(Giúp bạn)Sinh phẩm Anti-D được chỉ định tiêm cho thai phụ mang nhóm máu hiếm Rh- vào các tuần 28, 34 và 72 giờ sau sinh. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các bệnh viên, hiệu thuốc ở Thành phố Hồ Chí Minh đều không có để bán cho người có nhu cầu này.

Chị Bùi Thị Lê, trú tại Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp, tp.HCM mang thai con thứ 2. Vì chị mang nhóm máu Rh- nên được các bác sĩ tư vấn cần tiêm thuốc Anti-D vào các tuần 28, 34 của thai kỳ. Tuy nhiên, từ khi được chỉ định tiêm lần đầu đến nay, chị đi khắp các bệnh viện phụ sản lớn nhỏ, các hiệu thuốc tây ở thành phố mà không thấy nơi nào bán loại thuốc này.

Tìm hiểu trên các mạng truyền thông, chị Lê càng hoang mang hơn trước thông tin cho rằng: mẹ máu hiếm mang thai lần 2 mà không được tiêm anti-D sẽ có những nguy cơ trẻ sinh ra mang bệnh tán huyết, vàng da, suy gan, suy thận nặng và đe dọa tính mạng.

-1

Anti-D là loại sinh phẩm được chỉ định cho thai phụ máu hiếm tiêm vào tuần 28, 34 và sau sinh 72 giờ.

Theo Dược sĩ Nguyễn Thị Lầu, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Từ Dũ, sinh phẩm Anti-D được dùng tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 2010. Do nhu cần rất ít, chiếm khoảng 1% tổng số trung bình 100 ngàn bệnh nhân khám thai nên hàng năm, bệnh viện dự trù khoảng 500 liều.

Từ tháng 5/2014, nguồn cung cấp loại thuốc này từ Công ty Yteco (đơn vị được quyền nhập khẩu, cung cấp chính cho bệnh viên) bị gián đoạn. Từ đó đến nay, dù bệnh viện đã gửi dự trù, đơn đề nghị nhiều lần nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt.

Theo Thạc sĩ – Bác sĩ  Phan Thanh Bình, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh của Bệnh viện Từ Dũ, bà mẹ máu hiếm mang thai lần đầu hầu như không gặp nguy hiểm gì cho cả mẹ và con. Sinh phẩm Anti-D chỉ định tiêm sau sinh là để tránh bệnh lý tán huyết ở các lần mang thai sau đó.

Với các bà mẹ đã tiêm sinh phẩm sau khi sinh lần 1, thì lần mang thai thứ 2, đứa trẻ sinh ra gần như được bảo vệ từ 95% đến 97%.

Với người mẹ máu hiếm, không kháng nguyên, chưa bao giờ được tiêm thuốc Anti-D, trường hợp xấu nhất là con sinh ra bị vàng da sơ sinh. “Thực tế ở bệnh viện chúng tôi, nếu vàng da nặng sẽ được chỉ định thay máu, lọc máu , hoàn toàn không dẫn đến suy gan, thận hay ảnh hưởng đến tính mạng trẻ”, bác sĩ Bình cho biết.

Mặc dù vậy, theo ông Trần Ngọc Hải - PGĐ Bệnh viện Từ Dũ, các bà mẹ mang thai thuộc trường hợp nêu trên nên đến khám, tư vấn, sinh ở các bệnh viện chuyên khoa để hiểu và đảm bảo an toàn nhất khi sinh. Bên cạnh đó, dù sinh phẩm Anti-D chỉ phục vụ phòng, trị bệnh cho bộ phận thiểu số thai phụ nhưng bệnh viện Từ Dũ vẫn tiếp tục đề xuất để nhanh chóng có nguồn thuốc đáp ứng nhu cầu.

Nên đọc
-2 Những động tác nên thực hiện khi thức dậy
-3 Lần đầu làm mẹ: Kinh nghiệm tắm cho bé
-4 Dấu hiệu bạn cần bổ sung thêm chất béo
-5 Món ăn đơn giản giúp bổ sung chất xơ cho trẻ

Theo GDVN

Comments