Chế độ ăn cho trẻ thấp còi
(Giúp bạn)Nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng về thể trạng của con mình khi thấp, còi, làm thế nào để cải thiện tình trạng này cần các chuyên gia giải đáp.
Hỏi
"Con gái tôi 26 tháng, nặng 11 kg, cao 85 cm. Trí não cháu phát triển bình thường, đã nhận biết được hầu hết các màu sắc. Lúc 3 tháng, cháu bị trào ngược dạ dày thực quản. Xin bác sĩ cho biết làm thế nào để phát triển chiều cao và cân nặng cho cháu".
(Nhật Linh - Hà Nội)
Chế độ ăn cho trẻ thấp còi
Trả lời
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội trả lời trên Vnexpress, hiện tại con gái bạn đã bị suy dinh dưỡng thể thấp còi rồi. Đây chính là hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng trong thời gian kéo dài làm bé không những bị giảm cân, mà còn ảnh hưởng cả đến phát triển chiều cao nữa.
Chế độ ăn trong thời gian này bạn vẫn duy trì cho bé uống 400-500ml sữa một ngày gồm sữa công thức, sữa chua. Có thể cho bé ăn 3-4 bữa gồm cháo hoặc cơm nát với sự thay đổi món ăn đa dạng thực phẩm. Thức ăn nên dùng cho bé các loại thịt, cá béo, tôm, cua, trứng, đậu đỗ… Hàng ngày cần có rau, tốt nhất là rau lá và canh cho bé.
Khi chế biến món ăn bạn cần tăng các món xào, rán vì tăng chất béo sẽ tăng thêm nhiều năng lượng trong khẩu phần, đây là điều các mẹ ít để ý đến. Muốn con phát triển chiều cao, khẩu phần ăn cần tăng canxi, có nhiều trong các thực phẩm như sữa (nguồn cung cấp canxi dồi dào và dễ hấp thu), tôm, cua cá.
Bạn cần kết hợp hàng ngày cho bé tắm nắng 15-20 phút, trước 8 giờ sáng để tạo được thêm nhiều vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi. Kẽm là một vi chất cần thiết cho các bé nhất là bé bị suy dinh, tiêu chảy, táo bón, bệnh đường hô hấp… Thức ăn giàu kẽm có nhiều trong thịt bò, trứng, lươn, sò…
Ngoài ra, bạn cần cho bé bổ sung thêm vitamin A, C, D, vitamin nhóm B, khoáng chất như kẽm, selen… theo chỉ định của bác sĩ.
Về chế độ dinh dưỡng:
- BS.ThS. Lê Thị Hải chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống, cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi của trẻ, trẻ không thể cao được nếu chế độ ăn thiếu năng lượng, bằng cách ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm… hàng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ dầu mỡ trong các bữa ăn.- Ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm ,cua, trứng, sữa.
- Chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm: cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm: trứng, sữa, thủy sản, thịt… đặc biệt các loại thức ăn có chứa nhiều kẽm như: thịt gà, thịt cóc, con hàu... vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.
- Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục bú đến 2 tuổi, nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức theo tháng tuổi, khi trẻ đã lớn vẫn phải duy trì uống sữa hàng ngày vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính trong bữa ăn của trẻ, nhất là trẻ còn nhỏ chưa ăn được nhiều tôm, cua, cá. Hơn nữa canxi trong sữa lại dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác.
- Ăn nhiều rau xanh quả chín, cũng giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như: canxi, sắt, kẽm…Chế độ ăn cũng cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như: vitamin D, vitamin A, canxi, kẽm, sắt… theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Điều trị kịp thời các bệnh còi xương, rối loạn tiêu hóa khi trẻ mắc phải.Chế độ luyện tập thể dục thể thao cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ:
Các môn thể thao giúp trẻ phát triển chiều cao: bơi lội, đạp xe, chạy, chơi cầu lông… khi trẻ đã lớn chọn các môn thể thao phù hợp với tuổi của trẻ.
Như vậy, để trẻ lớn lên khỏe mạnh thông minh, các bà mẹ không chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ mà còn phải quan tâm đến chiều cao, vì chiều cao chỉ có từng giai đoạn để trẻ phát triển, nếu bỏ qua sẽ không thể lấy lại được
Tr.Tuyển
Theo GDVN