Dinh dưỡng để bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ
(Giúp bạn)Nếu các mẹ không biết chăm sóc đúng cách, hệ tiêu hóa của trẻ rất dễ gặp "trục trặc", nếu kéo dài có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Tầm quan trọng của hệ tiêu hóa với sức khỏe của trẻ
Chia sẻ trên Vietnamnet, TS. BS Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, hệ tiêu hóa không chỉ giúp các bé hấp thu dinh dưỡng mà còn tác động tới khả năng miễn dịch và trí tuệ của trẻ.
Ngoài chức năng dinh dưỡng là nơi tiếp nhận cũng như là cung cấp 100% năng lượng cho cơ thể của chúng ta để sống và hoạt động, cơ quan này còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển sức đề kháng cũng như trí tuệ của trẻ như sau:
- Hệ tiêu hóa tác động đến khả năng miễn dịch là do dọc suốt thành ruột có rất nhiều hạch lympho . Những hạch lympho này chính là nơi đào tạo các tế bào miễn dịch, làm chúng trở nên chuyên biệt hơn, mạnh hơn, gia tăng đến 80% khả năng đề kháng cho cơ thể.
- Hệ tiêu hóa cũng ảnh hưởng đến sự hình thành trí não của trẻ thông qua 2 cơ chế: trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh việc trực tiếp cung cấp những dưỡng chất giúp cho não bộ phát triển như: axit folic, sắt, kẽm, canxi, photolytic, DHA, ARA, Omega3, Omega6…, hệ tiêu hóa còn tác động gián tiếp thông qua trục não ruột để giúp cho cả 2 cơ quan đều hoạt động tốt hơn.
- Tuy nhiên trong giai đoạn đầu đời, do các chức năng sinh lý cũng như giải phẫu của hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện, nhiều trẻ gặp các triệu chứng như: nôn trớ, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón…
- Một số nguyên nhân khác như hệ thần kinh chưa hoàn thiện hay thay đổi chế độ ăn đột ngột, dùng thuốc... cũng sẽ tác động không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Chính vì vậy, mẹ cần chăm sóc tốt để nâng cao sức khỏe tiêu hóa của trẻ, tránh để tình trạng trên kéo dài có thể dẫn đến việc trẻ bị suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của trẻ hay gặp "trục trặc"
- Khoang miệng: Theo Dân trí, niêm mạc khoang miệng của trẻ rất mềm, mạch máu nhiều, nước bọt tiết ra rất ít khiến niêm mạc khô, dễ tổn thương và nhiễm trùng. Để tránh tình trạng viêm, mẹ rất cần lưu ý vệ sinh khoang miệng cho trẻ.
- Dạ dày: Dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang và cao, phải đến 7-10 tuổi mới giống dạ dày người lớn. Lúc mới sinh, dạ dày chỉ chứa được 30-35ml, lúc 3 tháng tuổi có thể chứa được 100ml và đạt 250ml khi trẻ được 1 tuổi. Các lớp cơ phát triển còn yếu, co thắt bất thường nên trẻ dễ bị nôn trớ.
Thành phần dịch vị của trẻ giống người lớn nhưng số lượng và chất lượng kém hơn, độ pH trong dịch dạ dày cao hơn nên chỉ thích hợp trong tiêu hóa, hấp thụ các thành phần lactose, protein trong sữa mẹ hơn là sữa bò. Thời gian xả hết phụ thuộc vào loại thức ăn, thường cần 3-4 giờ.
Do đó, mẹ cần chú ý khoảng cách thời gian cho ăn, không nên quá gần nhau. Sau khi cho trẻ bú, nên bồng đứng, nhẹ nhàng vỗ phía dưới lưng trẻ xả hết không khí trong dạ dày, tránh bị trớ sữa.
- Ruột: Ruột của trẻ em dài hơn người lớn. Ở trẻ 6 tháng, ruột già dài gấp 6 lần chiều dài của trẻ, trong khi ở người lớn chỉ dài gấp 4 lần chiều cao. Diện tích ống tiêu hóa của trẻ tương đối lớn, thành ruột rất mỏng, mạch máu nhỏ dưới niêm mạc nhiều, thẩm thấu cao.
Trong thời gian đầu đời thành ruột ở trẻ còn mỏng, mẹ cần đảm bảo trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh vừa để “tranh thủ” khả năng hấp thu của ruột vừa để tránh tình trạng đường tiêu hóa bị nhiễm trùng, chất độc dễ xâm nhập vào máu, gây ngộ độc cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng để bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ
Để đảm bảo sức khỏe tiêu hóa cho trẻ, mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
- Nên cho bé ăn dặm đúng cách: Cho trẻ ăn dặm lứa tuổi (từ 6 tháng trở lên), bắt đầu từ lượng thật ít để hệ tiêu hoá làm quen, sau đó mới tăng dần và đưa vào thực đơn hàng ngày khi trẻ đã quen hẳn.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ có khả năng giữ và thanh lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa, tách lấy năng lượng và dinh dưỡng, đẩy các chất thải còn lại ra bên ngoài. Mẹ nên bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc… vào thực đơn hàng ngày của trẻ.
- Uống đủ nước: Uống nước đều đặn hàng ngày và thường xuyên cũng là một cách hữu hiệu để cải thiện hệ tiêu hóa vì nước giúp các hoạt động hấp thu và bài tiết diễn ra hiệu quả hơn, giảm nguy cơ táo bón.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Thức ăn của trẻ luôn cần chọn nguyên liệu sạch, an toàn, tươi ngon. Cho trẻ ăn dứt điểm từng bữa, hạn chế tình trạng hâm nhiều lần. Nấu mềm và nghiền nhuyễn nguyên liệu thay vì hầm lấy nước.
- Cho trẻ bú mẹ và chọn các loại dinh dưỡng công thức phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của trẻ.
Thuốc tham khảo: Neopeptine 15ml Chỉ định: Trẻ nhỏ ăn không tiêu ; rối loạn tiêu hóa ; đầy hơi trướng bụng sau khi ăn hay bú ; tình trạng biếng ăn ở trẻ em và trẻ nhỏ ; ọc sữa. |
Thùy Linh
Theo GDVN