Nguyên nhân gây viêm loét miệng
(Giúp bạn)Viêm loét miệng hay còn gọi là bệnh áp tơ miệng, hay tên dân gian là nhiệt miệng, là một bệnh lý được biểu hiện bởi những vết loét tròn, nông, có màu vàng, xung quanh viền đỏ hơn niêm mạc lành xung quanh.
Tôi năm nay 28 tuổi, hiện đang có biểu hiện của viêm loét miệng, tôi muốn hỏi nguyên nhân và cách điều trị bênh viêm loét miệng?
(Hoài An - Đống Đa)
Bệnh viêm loét miệng
Trên báo Tuổi trẻ, ThS - Bs Nguyễn Trương Khương (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM) cho biết:
Bệnh viêm loét miệng tái phát trong dân gian còn gọi là bệnh nhiệt miệng là một bệnh lý được biểu hiện bởi những vết loét tròn, nông, có màu vàng, xung quanh viền đỏ hơn niêm mạc lành xung quanh, kích thước từ vài mimimét cho đến hơn một centimét, xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, môi hoặc nướu răng.
Các vết loét này làm cho người bệnh khó chịu do rất đau gây khó ăn, khó nuốt và khó nói. Bệnh không kèm theo sốt, nổi hạch, viêm kết mạc mắt, viêm khớp hoặc viêm loét ở những nơi khác như niêm mạc sinh dục
Nguyên nhân của bệnh cho đến nay vẫn chưa tìm được một cách rõ ràng. Đa số cho rằng do suy giảm miễn dịch.
Theo nhiều nghiên cứu người ta thấy có một số yếu tố làm khởi phát bệnh hoặc làm bệnh tái phát như:
+ Chấn thương niêm mạc miệng phần lớn là do răng giả, các khung niềng răng, hoặc do cắn phải niêm mạc miệng trong lúc ăn.
+ Các giai đọan bị stress, lo nghĩ, làm việc nhiều.
+ Một số thực phẩm như sô-cô-la, cà phê, đậu phụng, dâu, pho-mát...
+ Thay đổi hóc-môn như sử dụng thuốc ngừa thai hoặc trong chu kỳ kinh.
+ Thuốc lá: có nhiều nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá nhiều có số lần tái phát bệnh nhiều hơn , tuy nhiên một số ít lại cho thấy bệnh xuất hiện khi ngưng thuốc.
Hiện nay chưa có cách điều trị dứt điểm bệnh này, tuy nhiên tùy theo mỗi người có thể tự mình phát hiện những yếu tố thuận lợi của bệnh để kiêng tránh sẽ làm giảm số lần mắc bệnh. Khi bệnh đã bùng phát, nên sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thoa tai chổ và thuốc kháng viêm toàn thân để giúp bệnh mau khỏi.
Bệnh viêm loét miệng ở trẻ
+ Nguyên nhân:
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường chia sẻ trên Vnexpress cho biết, các chấn thương trong vùng miệng là nguyên nhân thường gặp nhất như tự cắn nhầm niêm mạc ở trong má hay lưỡi, do thức ăn quá cứng, vệ sinh răng miệng không đúng cách, chải răng và nướu quá mạnh.
- Viêm loét, nhiệt miệng do ăn uống phải thức ăn quá nóng, bị bỏng niêm mạc gây lở loét.
- Do thiếu dinh dưỡng, hoặc dinh dưỡng không đúng cách gây thiếu vitamin B12, vitamin C, chất sắt, và acid folic.
- Loét miệng cũng có thể gặp trong một số bệnh liên quan đến tình trạng rối loạn của hệ thống miễn dịch làm suy giảm miễn dịch.
- Stress tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh loét miệng.
- Do cho trẻ dùng một số thuốc dẫn đến tình trạng khô miệng cũng dễ làm xuất hiện những vết loét trong miệng.
+ Cách chăm sóc và xử trí bệnh viêm loét miệng ở trẻ
Bệnh viêm loét miệng tuy không nguy hiểm nhưng khiến trẻ rất khó chịu. Bệnh khiến miệng trẻ đau nên chải răng khó, ăn uống đau, trẻ hay quấy khóc, lười ăn, bỏ bú có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Thông thường bệnh kéo dài 1-2 tuần mới khỏi.
Phần lớn nguyên nhân gây ra loét miệng thường không rõ và bệnh có thể tự khỏi trong 1-2 tuần. Điều trị chính hiện nay chủ yếu làm giảm đau, vì là triệu chứng làm trẻ khó chịu nhất và làm vết loét mau lành. Trẻ nên dùng các loại thuốc súc miệng trong suốt thời gian bị bệnh.
Nên tránh những thức ăn nhiều gia vị như cay, mặn, chua. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, thức ăn nhiều vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước, uống nước cam, chanh, dùng bàn chải răng thật mềm.
Cách chữa bệnh tốt nhất là phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nếu trẻ có những vết loét miệng phát triển lớn hơn một cách bất thường hay vết loét kéo dài trên 3 tuần thì tốt nhất nên đi khám bệnh để xác định nguyên nhân vì có thể chúng là dấu hiệu của những bệnh khác nặng hơn.
+Phòng bệnh viêm loét miệng ở trẻ
Có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện những vết loét miệng ở trẻ bằng cách vệ sinh răng miệng kỹ sau mỗi lần ăn, cho trẻ dùng bàn chải có sợi lông mềm, cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng có nhiều khoáng chất và nhiều Vitamin A, C, E và thường xuyên cho trẻ đi khám định kỳ bác sĩ răng hàm mặt ở các cơ sở y tế.
Tr.Tuyển
Theo GDVN