Những nguy hiểm do bệnh từ đáy mắt
(Giúp bạn)Bệnh ở đáy mắt như những cơn sóng ngầm có thể gây mù lòa đột ngột. Vì vậy, cần hiểu rõ bệnh để giữ gìn ‘tầm nhìn”, nhất là trong tình trạng có bệnh mãn tính không lây và có tuổi.
Một số bệnh lý đáy mắt có thể gây mù lòa
Theo Phụ nữ Online, đáy mắt hay còn gọi là võng mạc, là nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý. Đáy mắt như tấm kính, thông qua đó não thu nhận hình ảnh bên ngoài.
Có ba bệnh lý đáy mắt gây mù thường gặp là: thoái hóa hoàng điểm (THHĐ) ở người cao tuổi, phù hoàng điểm ở bệnh nhân đái tháo đường và tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm.
- THHĐ thường gặp ở người trên 50 tuổi, người bị tăng mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường. Càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh càng cao, phụ nữ sống thọ hơn nên có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Triệu chứng: Nhìn thấy méo hình, có điểm đen ở chính giữa hoặc mất hình.
Bệnh có hai thể: THHĐ thể khô vàTHHĐ thể ướt.
THHĐ thể khô tiến triển từ từ, từ một điểm mờ ở vùng trung tâm của hình ảnh, điểm mờ này sẽ ngày càng lớn hơn và tối hơn. Thể ướt nguy hiểm hơn, phần lớn dẫn đến mù lòa với các triệu chứng đột ngột. Bệnh nhân có thể bị một mắt, sau đó vài năm mới bị mắt thứ hai hoặc có thể bị cả hai mắt cùng lúc. Bệnh vào giai đoạn cuối thì không thể điều trị.
- Phù hoàng điểm của bệnh đái tháo đường hay còn gọi là võng mạc tiểu đường là bệnh có biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ khi điều trị bệnh đái tháo đường luôn cảnh báo với bệnh nhân, ngay cả những người bệnh tuổi đời còn rất trẻ.
Bệnh có nhiều giai đoạn: Giai đoạn sớm thành mạch máu yếu, phình to, dịch và máu như làn sóng thấm qua thành mạch, gây ra các đốm xuất huyết.
Giai đoạn nặng hơn, võng mạc sẽ bị thiếu máu do mạch máu nhỏ bị nghẽn. Các sợi thần kinh võng mạc bị phù nề, gây ra phù hoàng điểm.
Giai đoạn nặng, bên cạnh sự thiếu máu, có các mạch máu mới được tạo ra (mạch máu tân sinh) nhưng thành mạch yếu, dễ vỡ, tạo sẹo làm bong võng mạc. Võng mạc bong, phù hoàng điểm, hoặc tăng nhãn áp… Nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc cũng có thể gây mù. Những người có tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu và bị các bệnh lý tim mạch dễ mắc bệnh do máu đặc.
(Ảnh minh họa)
Bệnh làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bệnh xuất hiện đột ngột, tự dưng mắt kèm nhèm như một lớp sương mù trước mắt, hoặc vùng nhìn bị thu hẹp, sau đó hai-ba ngày sẽ nhận thấy mắt mờ.
Điểm đáng ngại là các triệu chứng xuất hiện đột ngột, nhanh chóng, không đau, đỏ, chảy nước mắt nên người bệnh dễ xem thường. Soi đáy mắt, bác sĩ sẽ thấy hình ảnh tĩnh mạch võng mạc dãn không đều, động mạch thu hẹp… biến chứng nặng của bệnh là teo thần kinh thị giác gây mù.
Cần làm gì để phòng chống các bệnh đáy mắt gây mù lòa thường gặp?
Sức khỏe và đời sống cho biết, theo GS.TS. Neil.M.Bressler, Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ): Tiến bộ y học mới đã phát hiện ra yếu tố tăng sinh mạch máu biểu mô VEGF - nguyên nhân chính gây thoái hóa, phù hoàng điểm hoặc gây tắc tĩnh mạch võng mạc mắt, dẫn tới giảm thị lực và mù lòa.
Một số liệu pháp mới (tiêm vào dịch kính) đã được phát minh có tác dụng kháng VEGF mang lại hiệu quả cao đã được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới trong điều trị AMD, DME và RVO. Liệu pháp kháng VEGF được coi là bước đột phá trong điều trị các bệnh lý đáy mắt liên quan đến yếu tố tăng sinh biểu mô võng mạc.
Theo GS. Bressler: Phương pháp này đã được chứng minh có tác dụng tốt trên lâm sàng và hiệu quả điều trị vượt trội với tỉ lệ điều trị thành công ở bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm tuổi già lên tới 95%.
Các nghiên cứu khác cũng đã chứng minh tính hiệu quả của liệu pháp kháng VEGF khi điều trị cải thiện thị lực, giúp bệnh nhân thoát mù trong các bệnh DME và RVO. Đây được coi là niềm hi vọng lớn cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về đáy mắt có thể thoát khỏi gánh nặng bệnh tật mù lòa.
Tuy nhiên, trước hết, để phòng chống các bệnh đáy mắt gây mù thường gặp, các chuyên gia về đáy mắt đã khuyến cáo người cao tuổi, các bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu... cần khám mắt định kì hàng năm ở các bệnh viện, trung tâm mắt có khám chuyên khoa đáy mắt, đặc biệt các cơ sở có các phương tiện chẩn đoán hỗ trợ như chụp đáy mắt màu, chụp cắt lớp quang học, chụp mạch huỳnh quang.
Đối với những người trẻ tuổi, khi có các dấu hiệu mắt mờ đột ngột, có điểm mờ ở trung tâm hình ảnh hoặc nhìn thấy hình ảnh bị méo mó, biến dạng, cần nhanh chóng tới các cơ sở có chuyên khoa mắt khám, cần thiết có thể phải chuyển tới cơ sở có bác sĩ chuyên khoa đáy mắt và có các phương tiện chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Tham khảo thuốc: Vitamin B9 Acid folic rất cần thiết cho rất nhiều các phản ứng sinh lý. Đặc hiệu hơn, acid folic cần thiết cho việc tổng hợp DNA và do đó đóng vai trò thết yếu trong quá trình phân chia tế bào. Nó còn tham gia vào quá trình sản xuất các acid amin không thiết yếu như methionine và glycin. |
Tú Liên
Theo GDVN