Những triệu chứng của bệnh hen tim

15:53 14/04/2015

(Giúp bạn)Bệnh hen tim thường xuất hiện ở những bệnh nhân nhiều tuổi mắc bệnh suy tim.

Báo Sức khỏe và Đời sống cho hay, hen tim không phải là bệnh hen theo đúng nghĩa của nó. Nó là tình trạng khò khè, khó thở xuất hiện đột ngột trong thể suy tim sung huyết. Nguyên nhân là do ứ trệ tuần hoàn phổi và có hay không hội chứng phù phổi cấp.

Sự co thắt phế quản trong bệnh hen tim nguyên nhân là do áp lực dồn trở lại từ tim trái tới phổi (tim trái không đủ khả năng bơm hết lượng máu đưa về từ phổi gây “ứ máu giật lùi” về phổi) làm cho đường thông khí của phổi bị hẹp lại. Còn trong hen phế quản thì co thắt phế quản là do các cơ trơn phế quản co thắt lại gây hẹp đường thở.

Dấu hiệu chính trong bệnh hen tim

Theo Báo điện tử Sức khỏe cộng đồng, hen tim ban đầu thường xuất hiện các triệu chứng khó thở, thở nông, ho khò khè:

- Người bị hen tim thường biểu hiện rõ dấu hiệu khi làm việc năng nhọc, quá sức hay leo cầu thang, đi bộ, chạy quãng đường dài.

- Khi đi bị hen tim, người bị hen tim thường ho hen, khò khè, thở dốc.

- Nhịp thở của người hen tim thường tăng lên và hơi thỏ ngắn: Người bị hen tim ở giai đoạn lâu sẽ bị tăng cả nhịp tim và huyết áp, tinh thần hoảng loạn. Người bị hen tim thường có các triệu chứng của bệnh nhân hen phế quản và có tiền sử bệnh tim mạch.

- Người hen tim ở giai đoạn cuối xuất hiện dấu hiệu phù nước ở mắt cá chân, đi tiểu ít, gan to. Khi xuất hiện các dấu hiệu này nghĩa là bệnh nhân đã ở giai đoạn bệnh nặng. Cách tốt nhất để kiểm soát hiệu quả bệnh hen tim là phải chẩn đoán đúng bệnh để điều trị kịp thời.

Ngoài ra khi thăm khám ta có thể thấy các dấu hiệu tại tim gây nên suy tim như tiếng thổi do hẹp hở van hai lá, thông liên thất…Nghe phổi có tiếng ran rít, ran ngáy và trong cơn phù phổi cấp có thể thấy tiếng ran dâng trào từ đáy phổi lên đỉnh phổi - gọi là dấu hiệu “thủy triều dâng”.

-1

Bệnh hen tim có chữa được không?

Chìa khóa để kiểm soát có hiệu quả bệnh hen tim là phải chẩn đoán chính xác. Phải phân biệt được giữa những người bệnh hen tim do suy tim cấp tính với những người khó thở do các rối loạn khác, chẳng hạn như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, embolism phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (Ards).

Nguyên tắc cơ bản điều trị hen tim là cần phải cải thiện khả năng bơm máu của tim để giải phóng lượng máu ứ trệ ở phổi (hay nói cách khác chính là điều trị suy tim) kết hợp với thuốc giãn phế quản.

Nếu hen tim nguyên nhân do van tim hoặc một số bệnh tim bẩm sinh có thông giữa các buồng tim thì phẫu thuật hoặc can thiệp qua da cần được cân nhắc.

Mục tiêu điều trị cần kiểm soát được các cơn ho vào ban đêm, kiểm soát tình trạng phù thũng, kiểm soát được lượng dịch vào cơ thể và số lượng máu còn dư trong tâm thất trái. Điều trị suy tim cấp với thuốc lợi tiểu nhằm giải phóng lượng dịch ứ trệ tại tuần hoàn phổi và thuốc giúp tăng tác dụng co bóp của cơ tim.

Khi tình trạng suy tim được cải thiện thì khó thở sẽ hết. Một số bệnh nhân xuất hiện đồng thời cả hen phế quản và suy tim thì chúng ta cần chữa trị đồng thời cả hai bệnh cùng một lúc.

Thuốc corticosteroid cho bệnh nhân hen tim cấp chỉ định phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và đáp ứng của bệnh nhân với những điều trị ban đầu. Khi mà điều trị hen tim thuần túy có tác dụng thì khò khè, khó thở sẽ tự động tan biến. Nếu phải dùng corticosteroids thì cần vài giờ mới có tác dụng tốt nhất.

Những ai dễ bị bệnh hen tim?

Hen tim thường xuất hiện ở những bệnh nhân nhiều tuổi mắc bệnh suy tim. Đối với người già mắc bệnh suy tim thì khả năng co bóp tống máu của cơ tim lại càng yếu hơn và máu rất dễ bị ứ trệ tại tuần hoàn phổi gây nên hen tim. Do đó mọi người cần chú ý, đặc biệt là những người nhiều tuổi mắc bệnh suy tim khi xuất hiện ho, khò khè, khó thở tăng lên cần đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

Thuốc tham khảo: Furosemide 40mg

Chỉ định:
- Phù do nguồn gốc tim, gan hay thận.
- Phù phổi, phù não, nhiễm độc thai.
- Cao huyết áp nhẹ hay trung bình.
- Liều cao dùng để điều trị suy thận cấp hay mãn, thiểu niệu, ngộ độc barbituric.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Bệnh nhân hen thường sử dụng thuốc sai cách
-3 Măng tre chữa hen suyễn, thấp khớp, lở loét
-4 Thực phẩm không nên ăn khi bị hen
-5 Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính


Theo GDVN

Comments