Nuôi con lớn nhanh khỏe mạnh và thông minh
(Giúp bạn)Nuôi con đúng cách giúp trẻ phát triển cân đối, thông minh, toàn diện, lớn nhanh, khỏe mạnh, không để trẻ suy dinh dưỡng nhưng cũng không thừa cân béo phì.
Báo Sài Gòn giải phóng Online cho biết, trong chăm sóc trẻ, các bà mẹ luôn muốn biết mình cho con ăn uống đã đúng chưa, trẻ tăng cân hợp lý chưa, cũng như phải theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ như thế nào là phù hợp nhất.
Theo dõi tăng trưởng của trẻ
Thật sự không thể cân đong đo đếm chính xác năng lượng hàng ngày của trẻ được, nhưng chúng ta có thể biết được trẻ ăn đã đủ hay thiếu hay dư thừa là nhờ vào sự tăng cân của trẻ hàng tháng, so sánh với biểu đồ tăng trưởng. Nếu cân nặng của trẻ tăng quá nhanh so với chuẩn thì trẻ đã bị dư thừa năng lượng.
Trường hợp trẻ không tăng cân hoặc tăng cân quá ít so với chuẩn chứng tỏ trẻ đang bị thiếu năng lượng trong khẩu phần hàng ngày.
Như vậy, việc theo dõi tăng trưởng của trẻ có thể giúp các mẹ nuôi trẻ “mập ốm” theo ý muốn, bằng cách tăng giảm khẩu phần của trẻ. Tuy nhiên, các mẹ nên thay đổi quan niệm một chút nhé, không nên đánh giá sức khỏe của trẻ bằng cách nhìn bề ngoài “tròn tròn, bụ bẫm” là “khỏe mạnh, dễ thương”.
Mà cần phải theo dõi sự phát triển của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng, và trẻ khỏe mạnh là trẻ cân đối, có cân nặng và chiều cao trong giới hạn bình thường theo tuổi, trẻ không suy dinh dưỡng cũng không thừa cân béo phì.
Trẻ tăng cân nhanh có tốt không?
Trẻ phát triển tốt nhất là tăng cân trong giới hạn bình thường theo độ tuổi, ở trẻ trên 1 tuổi mỗi năm tăng từ 2-3kg là bình thường, mỗi tháng trẻ tăng từ 100-200g, tối đa 300g, nếu tháng nào trẻ tăng hơn 300g chứng tỏ mẹ đang cho trẻ ăn thừa năng lượng, cần giảm các thức ăn cung cấp nhiều năng lượng trong khẩu phần của trẻ như cháo, cơm, bún, phở..., dầu, mỡ... so với hiện tại.
Không cho trẻ ăn bánh, kẹo ngọt, chè, kem... nhưng chú ý đảm bảo đủ đạm thiết yếu cho trẻ từ thịt, cá nạc, đậu đỗ, sữa... nên chọn sữa thấp năng lượng, ít béo, ít đường, tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt... Nếu mẹ điều chỉnh kịp thời sẽ giúp phòng chống thừa cân béo phì cho trẻ.
Làm gì khi trẻ chậm tăng cân?
Trẻ chậm tăng cân, nếu không phải trẻ đang bệnh hoặc mới khỏi bệnh chứng tỏ chế độ dinh dưỡng cho trẻ đang bị thiếu, đầu tiên là thiếu năng lượng, sau đó là các chất dinh dưỡng như đạm, béo, vitamin, khoáng chất... Lúc này, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng giúp trẻ tăng cân nhiều hơn để phòng tránh suy dinh dưỡng.
Chế độ ăn lúc này tốt nhất nên nhiều hơn ngày thường mỗi ngày một bữa để bù vào phần thiếu hụt, tùy độ tuổi có thể là cơm, cháo hoặc sữa...
Khẩu phần hàng ngày vừa đảm bảo đủ vừa đảm bảo tính cân đối giữa năng lượng và các chất dinh dưỡng (4 nhóm thức ăn chính), giữa các chất dinh dưỡng với nhau, trong đó cần chú ý tỷ lệ hợp lý protein nguồn gốc động vật và protein nguồn gốc thực vật, các loại vitamin (A, B, C, D) và các khoáng chất như canxi, phospho, kẽm...
Sử dụng các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, giàu năng lượng, giàu protein, chất khoáng và vitamin cho bữa ăn của trẻ như đậu, rau xanh, quả chín, thịt, cá, trứng, sữa... và dầu mỡ trong mỗi bữa ăn, nên chọn sữa giúp tăng cân phù hợp theo độ tuổi.
Chế biến thức ăn đảm bảo hợp vệ sinh, cách nấu phải phù hợp sự tiêu hóa của mỗi độ tuổi, ví dụ trẻ chưa có răng phải nấu nhừ, băm nhuyễn, trẻ đủ răng có thể nhai thức ăn lợn cợn hơn, nguyên miếng nhưng cũng chú ý cắt thật mỏng, nấu thật mềm giúp bé dễ nhai, dễ nuốt và tiêu hóa tốt hơn.
Ngược lại, cùng một loại thức ăn nhưng nếu cho bé ăn cứng hoặc quá thô có thể làm tăng “gánh nặng” cho hệ tiêu hóa của trẻ, làm trẻ khó hấp thụ hết gây thiếu hụt dinh dưỡng và còi cọc.
Cho trẻ ăn đúng cách, ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, các mẹ cần chú ý tạo cho trẻ ăn uống đúng giờ, tạo nền nếp ăn uống tốt, chia đều các bữa ăn trong ngày, không cho trẻ ăn lặt vặt giữa các bữa này vì sợ trẻ đói, khiến trẻ luôn có cảm giác no, không muốn ăn gây chán ăn dẫn đến thiếu dinh dưỡng.
Hãy để trẻ đói trẻ sẽ ăn ngon miệng và hiệu quả dinh dưỡng cao hơn. Không nên biến bữa ăn trở thành áp lực với trẻ như la rầy, bắt ép trẻ ăn khi trẻ no hoặc không muốn ăn nữa. Nên chuẩn bị thức ăn thay thế bù vào (có thể là sữa hoặc bánh flan, chè...) khi trẻ bỏ bữa hoặc ăn được ít, không để trẻ đói, thiếu dinh dưỡng.
Quan tâm đến thể chất
Theo Dân trí, trong những năm tháng đầu đời, thể chất của bé phát triển rất nhanh và cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong giai đoạn 1 -3 tuổi, bé cần rất nhiều năng lượng cho việc vận động và vui chơi bên cạnh năng lượng cho việc phát triển chiều cao và cân nặng.
Bé đã có thể ăn giống như người lớn, nên mẹ cần đa dạng hóa nguồn thực phẩm cho bé. Những dưỡng chất không thể thiếu là ngũ cốc, sữa, hoa quả, các loại thịt để có đủ 1000 - 1400kcal mỗi ngày.
Chú trọng sự phát triển trí não
Sau khi chào đời là khoảng thời gian vàng cho bé phát triển trí não và việc cần làm của mẹ là bảo đảm cung cấp đủ dưỡng chất cho quá trình này. Các dưỡng chất quan trọng cho trí não là DHA, chất khoáng, Choline, đạm.
Trong đó, DHA được WHO công nhận là dưỡng chất cho trí não, đặc biệt cần thiết giúp hình thành cấu trúc và chức năng của trí não, thị giác và hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ. Bên cạnh các món ăn hàng ngày, mẹ đừng quên bổ sung 3 ly sữa mỗi ngày, bổ sung 75mg DHA cho bé.
Khuyến khích tính độc lập
Bé đã sẵn sàng tích lũy những bài học nho nhỏ, đặc biệt thích bắt chước theo những gì người lớn làm. Bé bi bô học nói theo mẹ, bắt chước mẹ cầm chổi quét nhà, kể chuyện hay xếp quần áo, chơi ghép hình, vẽ nguệch ngoạc… Mẹ nên khuyến khích bé tự lập với những việc cá nhân của bé, tán thưởng khi bé làm tốt và giải thích khi bé làm chưa đúng. Bé sẽ học hỏi rất nhanh.
Phát triển khả năng tư duy
Khả năng tư duy của bé gồm chuỗi mắc xích 3 bước: tập trung, ghi nhớ và xử lý tình huống. Mẹ nên dạy bé trong mọi hoạt động vui chơi, giao tiếp… Chẳng hạn, bé có thể học được tính logic khi chơi lego, học khả năng xử lý tình huống khi được học phân vai…
Đặc biệt, ở độ tuổi này, bé rất thích những hình ảnh sinh động. Mẹ có thể khuyến khích bé học hỏi thông minh hơn với các video clip có “em bé” như bé.
Nuôi con đúng cách giúp trẻ phát triển cân đối, thông minh, toàn diện, lớn nhanh, khỏe mạnh, không để trẻ suy dinh dưỡng nhưng cũng luôn lưu ý không ép trẻ ăn quá nhu cầu, thừa năng lượng gây thừa cân béo phì.
Thuốc tham khảo: Cốm trẻ em Upkid Bổ sung Kẽm và Selen có nguồn gốc thực vật giúp tăng cảm nhận mùi vị,kích thích quá trình hấp thụ dinh dưỡng, hết biếng ăn ở trẻ, tăng cường hệ miễn dịch. |
Thùy Linh
Theo GDVN