Trẻ sơ sinh đi ngoài thế nào được coi là bình thường?

16:03 14/04/2015

(Giúp bạn)Tình trạng đi ngoài của con luôn khiến các bà mẹ hoang mang vì nó cũng phần nào phản ánh sức khỏe của bé.

Bé nhà tôi được 3 kg, hoàn toàn khoẻ mạnh. Nhưng mấy hôm nay dù đã đi hết phân su mà một ngày cháu vẫn đi ngoài 4-5 lần. Tôi rất lo lắng vì đây là lần đầu chăm con. Tôi nghe nói trẻ đi ngoài nhiều, dễ mất nước, không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Xin hỏi bác sĩ, cháu đi ngoài như vậy thì có bị tiêu chảy không? Có nguy hiểm không?

(Thanh Nga - Phú Thọ)

-1

Trẻ sơ sinh đi ngoài thế nào được coi là bình thường

Trả lời trên Vnexpress, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết:

Cha mẹ cần nhớ một điều là trẻ nhỏ không phải là người lớn thu nhỏ, không thể từ những biểu hiện bệnh của người lớn mà suy ra cho trẻ. Người trưởng thành, trẻ lớn bình thường ngày đi ngoài một lần và được gọi là bị tiêu chảy nếu đi từ 3 lần trở lên trong một ngày.

Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ thì định nghĩa này không đúng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, đang bú mẹ thì lại càng không đúng.

Với trẻ đang bú mẹ, không ăn thêm thức ăn nào khác mà một ngày đi 5-7 lần, phân đôi khi có nước, hoa cà, hoa cải..., mà trẻ không sốt, bú bình thường, phân không thối thì không sao cả, vẫn bình thường. Trong trường hợp này, cha mẹ không cần đưa con đi khám, xét nghiệm hay uống men tiêu hóa. Khi trẻ lớn, đường tiêu hóa sẽ tự điều chỉnh.

-2

Nếu cứ nghĩ chỉ phân mà biết trẻ bị tiêu chảy là sai lầm. Ngoài khám triệu chứng, cần xem tình trạng có nặng hay không, trẻ ăn uống gì... để từ đó quyết định trẻ có bị bệnh hay không. Cha mẹ có thể đưa con đi khám để được chẩn đoán chính xác, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc linh tinh. Uống nhiều loại thuốc chỉ tổ hại người, không những thế còn làm loạn khuẩn đường ruột.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng còn chia sẻ trên Dân trí rằng, câu hỏi ông nhận được nhiều nhất ở các bà mẹ vừa sinh con là: “Vì sao bé lại đi ngoài hoa cà hoa cải, xì xoẹt 5 - 7 lần ngày”, “Bé đi ngoài toàn bọt, có phải sữa mẹ nóng không”, “Bé đánh hơi cũng ra nước vàng, tè cũng ra tí ở hậu môn”, “Sao dùng men tiêu hóa, thậm chí kháng sinh rồi mà con vẫn không khỏi”… Theo ông, sự băn khoăn của các bà mẹ là dễ hiểu bởi trong suy nghĩ của họ, trẻ như vậy là bị đi ngoài và cần điều trị.

Ông cho biết, ở mỗi trẻ có tần số đi ngoài khác nhau, có trẻ 1 lần/ngày, trẻ 3 – 4 lần, có trẻ 5 – 7 lần nhưng nếu trẻ không sốt, bú bình thường, ngủ bình thường, vẫn lên cân thì cha mẹ hoàn toàn yên tâm, không cần can thiệp xét nghiệm, không cần uống men tiêu hóa mà chính đường tiêu hóa của trẻ sẽ tự điều chỉnh dần. Bởi việc uống men, kháng sinh, hay thuốc cam như dân gian hay dùng vẫn không thể giảm được số lần đi ngoài của trẻ.

Ông dẫn chứng một trường hợp bệnh nhi 2 tháng tuổi Nguyễn Duy Anh (Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang điều trị tại khoa vì ngộ độc chì. Trước đó, sau sinh bé có hiện tượng đi ngoài bọt liên tục 5 – 6 lần/ngày nên mẹ bé đã mua men tiêu hóa cho con uống liền trong 10 ngày nhưng bé vẫn đi ngoài bọt với số lần như trên, không hề giảm. Tiếp đó, mẹ bé mua thuốc cam, pha nước cho con uống, mẹ ăn bã để chữa đi ngoài, nhưng sau ba ngày dùng thuốc tình trạng đi ngoài bọt của bé vẫn giữ nguyên.

“Điều đó chứng tỏ mọi cố gắng can thiệp vào sinh lý bình thường của trẻ là không cần thiết và không hiệu quả. Chúng ta không thể dùng men tiêu hóa, kháng sinh, thuốc cam… để “chỉnh” cho bé thay vì đi ngoài xì xoẹt ngày 5 – 7 lần xuống còn 1 – 2 lần. Điều đó là không cần thiết vì đó là sinh lý bình thường của trẻ, trẻ vẫn ăn, vẫn lớn".

"Còn can thiệp vừa không hiệu quả vừa gây hậu quả cho bé, khiến bé từ đứa trẻ bình thường, lành lặn, khỏe mạnh trở thành đứa trẻ ốm yếu, có nguy cơ ảnh hưởng sự phát triển trí tuệ như bệnh nhi trên bởi mẹ cho bé uống thuốc cam và bị ngộ độc chì”, PGS.TS Dũng nói.

PGS.TS Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, không chỉ các bà mẹ hiểu không đúng về hiện tượng đi ngoài nhiều của trẻ, nghĩ rằng trẻ bị rối loạn tiêu hóa mà nhiều bác sĩ cũng có sự nhầm lẫn này. Bởi hiện nay, các bác sĩ nhi không được đào tạo từ đầu chí cuối như trước mà đa phần từ đa khoa chuyển sang học thêm nhi.

Từ đó, các em vẫn mang những kiến thức của đa khoa sang, nguy hiểm vì khám trẻ như khám cho người lớn, trong khi trẻ không phải là người lớn thu nhỏ.

Tham khảo thuốc: Oresol

Dùng trong điều trị mất nước do tiêu chảy ở trẻ em và người lớn.Dùng để thay thế nước và chất điện giải bị mất trong các trường hợp: tiêu chảy cấp, nôn mửa, sốt cao, sốt xuất huyết độ I, II, III (nếu trẻ uống được) hay khi hoạt động thể lực (chơi thể thao, luyện tập nặng nhọc, vận động viên, những người làm việc lâu trong môi trường  nắng nóng, ...)

Tr.Tuyển

Nên đọc
-3 Những dấu hiệu đáng ngại trong mốc phát triển khi trẻ 2 tuổi
-4 Những ai không nên ăn rau bắp cải?
-5 Các loại thuốc làm giảm ham muốn tình dục
-6 Những dấu hiệu đáng ngại trong mốc phát triển khi trẻ 1 tuổi


Theo GDVN

Comments