Lý do khiến vợ Mao Trạch Đông phải vào trại tâm thần
(Giúp bạn)Do con gái là Lý Mẫn bị bệnh nặng, Hạ Tử Trân đã có cuộc tranh cãi nảy lửa với lãnh đạo nên đã bị Vương Minh, khi đó đang phụ trách Bộ Phương Đông của Đệ tam Quốc tế sai người tới bắt đưa vào trại tâm thần. Chính tại nơi mà Hạ Tử Trân mơ ước về một xã hội thiên đường, cô đã phải chịu những tháng ngày khổ nhục nhất trong cuộc đời…
- 1
Bị bắt vào viện tâm thần
Hạ Tử Trân sinh năm 1910 tại huyện Vĩnh Tân, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Khi còn nhỏ, Hạ Tử Trân đã được cha mẹ cho vào học tại trường nữ học do một nữ giáo sĩ phương Tây lập ra tại Vĩnh Tân. Do được tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ khá sớm nên Hạ Tử Trân có tư tưởng khá tiến bộ.
Năm 1927, Hạ Tử Trân tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc, được giao giữ chức Ủy viên Huyện ủy kiêm Bí thư Đoàn thanh nhiên huyện Vĩnh Tân. Sau khi quân Quốc dân Đảng trở mặt, bắt giữ và thủ tiêu các thành viên Đảng Cộng sản, Hạ Tử Trân theo anh trai tới sơn trại của Viên Văn Tài và Vương Tá trên Tĩnh Cương Sơn lánh nạn. Cuối năm đó, sau khi cuộc khởi nghĩa Thu Thụ thất bại, Mao Trạch Đông cũng từ Trường Sa rút về Tĩnh Cương Sơn. Chính tại đây, Hạ Tử Trân đã gặp Mao Trạch Đông lần đầu tiên.
Tình cảm giữa Hạ Tử Trân và Mao Trạch Đông phát triển rất nhanh. Mao Trạch Đông nói với Hạ Tử Trân là “em là một đồng chí tốt, một cô gái tốt, anh rất thích em”. Chưa đầy một năm sau, vào tháng 5 năm 1928, Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân tổ chức hôn lễ ngay tại Tĩnh Cương Sơn. Lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông vẫn chưa ly hôn với người vợ thứ hai là Dương Khai Huệ tại Trường Sa.
Và cũng phải 2 năm sau, Dương Khai Huệ mới bị quân Quốc dân Đảng bắt và qua đời. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, thời chiến tranh loạn lạc, người ta không câu nệ lắm những thủ tục rườm rà, vì thế, mặc dù Mao Trạch Đông chưa ly hôn, song hai người vẫn kết hôn và sống với nhau một cách công khai. Hạ Tử Trân chính thức trở thành người vợ thứ ba của Mao Trạch Đông.
Cũng vì lúc bấy giờ chiến tranh loạn lạc, Hạ Tử Trân sinh nở tới 4 lần nhưng hầu hết đều mất sau khi sinh hoặc sinh ra không bao lâu thì cũng mất tích. Cho tới năm 1935, khi Đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc “Đại trường chinh”, rút toàn bộ lực lượng về vùng Tây Bắc Trung Quốc xây dựng căn cứ thì Hạ Tử Trân vẫn chưa có đứa con nào bên cạnh.Hạ Tử Trân và Mao.
Tới năm 1936, Hạ Tử Trân mới sinh đứa con thứ 5, chính là Lý Mẫn. Khó có thể nói hết được những khó nhọc mà Hạ Tử Trân phải chịu đựng, bởi lẽ lúc bấy giờ, những người Cộng sản Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cuộc trường chinh tốn nhiều xương máu của mình.
Kể từ năm 1937, sau khi các cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được chuyển tới Diên An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, Hạ Tử Trân được giao nhiệm vụ làm “thư ký cơ yếu” cho Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, nếu như những ngày tháng bão táp, phải hằng ngày đối mặt với tử thần khiến cho Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân thêm gắn kết với nhau thì giờ đây, những mâu thuẫn nhỏ nhoi trong cuộc sống thường nhật bắt đầu khiến cho mối quan hệ giữa hai người trở nên rạn nứt.
Tại Diên An, ngoài việc làm thư ký cho Mao Trạch Đông, Hạ Tử Trân còn theo học tại trường Đại học Chính trị quân sự Trung Quốc. Do cuộc sống quá căng thẳng, ăn uống không đầy đủ lại thêm trong người mang nhiều mảnh đạn trong một lần bị máy bay của Quốc dân Đảng oanh tạc nên một hôm, đang trên lớp học thì Hạ Tử Trân lăn ra ngất xỉu.
Mao Trạch Đông sau đó đã đề nghị Hạ Tử Trân ngừng mọi công tác, ở nhà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Điều đáng nói là trong suốt thời gian Hạ Tử Trân nằm nhà dưỡng bệnh, Mao Trạch Đông lại thường xuyên cùng với một nữ nhà báo nước Mỹ và cô phiên dịch Ngô Lợi Lợi gặp gỡ, nói chuyện, thậm chí là học khiêu vũ. Hạ Tử Trân phải ở nhà một mình, tâm trạng đã không tốt, lại nghe chuyện này nên bắt đầu sinh ra hiểu lầm.
Nhiều người nói rằng, trong thời gian này, Hạ Tử Trân và Mao Trạch Đông thường xuyên cãi nhau. Có lần cãi nhau, Mao Trạch Đông tức giận nói với Hạ Tử Trân: “Chúng ta đừng cãi nhau nữa… Căn nhà này có 3 gian, chúng ta mỗi người ở một gian, em đi đường của em, anh đi đường của anh, coi như không nhìn thấy nhau, như vậy thì không phải cãi nhau nữa!”.
Ngừng một lúc, dường như cảm thấy chưa đủ, Mao Trạch Đông nói thêm: “Nếu như em thấy ở đây không thoải mái thì em có thể tới học ở Thiểm Bắc, thậm chí đi học ở Liên Xô…”. Có lẽ những lời nói cay nghiệt này là một trong những lý do khiến Hạ Tử Trân bỏ Mao Trạch Đông ra đi.
Không lâu sau đó, Hạ Tử Trân mang thai lần thứ 6. Hạ Tử Trân cảm thấy mình đã sinh quá nhiều lần, lại thêm lúc đó hai người đang có chuyện xung đột nên không muốn sinh nữa vì thế dự định đi Thượng Hải để phá thai. Do vậy, cuối tháng 10 năm 1937, Hạ Tử Trân rời khỏi Diên An tới Tây An. Tuy nhiên, khi Hạ Tử Trân tới được Tây An thì có tin Thượng Hải đã bị quân Nhật chiếm, kế hoạch của Hạ Tử Trân đổ bể.
Tháng 11 năm đó, một số cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Matxcova đi máy bay qua Tân Cương, Lan Châu, Tây An rồi hạ cánh ở Diên An. Hạ Tử Trân biết tin này đã nảy ra ý định sang Liên Xô nên đi xe từ Tây An tới Lan Châu, quyết ý đi Matxcova.
Ban đầu khi mới sang Matxcova, Hạ Tử Trân được đưa vào học tại trường Đại học Phương Đông Matxcova. Sau khi tốt nghiệp, cô được đưa về làm việc tại phòng Đông phương của Viện Nhi đồng quốc tế. Tuy nhiên, sau đó, do con gái là Lý Mẫn bị bệnh nặng, Hạ Tử Trân đã có cuộc tranh cãi nảy lửa với lãnh đạo nên đã bị Vương Minh, khi đó đang phụ trách Bộ Phương Đông của Đệ tam Quốc tế sai người tới bắt đưa vào trại tâm thần. Chính tại nơi mà Hạ Tử Trân mơ ước về một xã hội thiên đường, cô đã phải chịu những tháng ngày khổ nhục nhất trong cuộc đời.
- 2
Chuỗi ngày đau khổ
Sau khi bị đưa vào bệnh viện tâm thần, Hạ Tử Trân bị cạo trọc đầu. Cho tới khi cô được trả tự do, ra khỏi viện thì đầu cô vẫn còn trọc, phải đội mũ cả ngày để che. Hạ Tử Trân vốn là người có tính cách mạnh mẽ, do vậy, ban đầu cô không chịu để người ta đối xử với mình như một người mắc bệnh thần kinh. Sau này kể lại, Hạ Tử Trân nói, cô đã từng phản kháng một cách kịch liệt việc người ta đưa cô tới một bệnh viện như vậy.
Cô cũng nhất định không đồng ý cho các bác sĩ nơi đây điều trị cho mình và yêu cầu được đưa về nhà ngay lập tức. Tuy nhiên, bất kể Hạ Tử Trân nói gì, các bác sĩ tại bệnh viện này vẫn chỉ coi cô như một người mắc bệnh tâm thần và không để ý đến. Cô càng phản ứng kịch liệt, các bác sĩ nơi đây càng cho rằng chứng bệnh tâm thần của cô đang phát tác.
Sau đó, họ còn ép buộc Hạ Tử Trân uống những thứ thuốc chữa thần kinh do họ kê cho. Khi bắt đầu uống những thứ thuốc này vào người, toàn thân cô tê dại, chẳng còn chút sức lực nào, đầu óc lúc nào cũng mơ mơ màng màng, gà gà gật gật. Và cô ngủ suốt ngày, bất kể là ngày hay đêm.
Những lúc thần trí tỉnh táo, Hạ Tử Trân vẫn nghĩ rằng mình không hề bị bệnh, chỉ vì người ta vu khống nên mới bị kéo vào chốn này. Như vậy đã đủ đen đủi lắm rồi. Vì thế, nếu như cứ để các bác sĩ nơi đây chữa trị cho cô như một bệnh nhân tâm thần, dùng toàn thứ thuốc của những người tâm thần thì chẳng mấy chốc cô từ một người lành lặn sẽ trở thành người tâm thần. Như thế lại càng đen đủi hơn. Chính vì vậy, Hạ Tử Trân tự nói với chính mình rằng, nhất định phải nghĩ ra cách để họ không tiếp tục điều trị cho mình nữa.
Lâu dần, Hạ Tử Trân phát hiện ra rằng, các bác sĩ cho cô uống thuốc theo một quy luật nhất định. Khi cô có biểu hiện không phục tùng, không nghe lời hoặc tố cáo chuyện cô bị người khác bức hại đưa vào trại tâm thần, cô sẽ bị ép uống một lượng thuốc rất lớn. Thậm chí, nếu chống đối dữ dội, các bác sĩ sẽ đè cô xuống và tiêm thuốc vào thẳng tĩnh mạch. Những lúc đó, thời gian cô ngủ mê mệt cũng lâu hơn.
Từ đó, Hạ Tử Trân nhận ra rằng, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân chính là: Giả vờ phục tùng, ngoan ngoãn nghe lệnh, thừa nhận mình là người có bệnh, các bác sĩ nói thế nào thì làm theo thế ấy. Như vậy, lượng thuốc mà họ đưa cho Hạ Tử Trân uống cũng ít đi, thời gian cô ngủ mê mệt cũng giảm xuống và cô có nhiều thời gian tỉnh táo, không bị ảnh hưởng của thuốc hơn.
Khi các bác sĩ thấy Hạ Tử Trân bắt đầu có biểu hiện chuyển biến, quả thực đã dừng không cho cô uống thuốc với liều lớn nữa nữa. Kỳ thực, những thứ thuốc mà các bác sĩ tại bệnh viện này đưa cho cô uống, Hạ Tử Trân đều không uống.
Như ở tất cả các bệnh viện tâm thần mà chúng ta thấy trên phim, các bác sĩ nơi đây phải tận mắt nhìn thấy bệnh nhân nuốt thuốc xuống bụng đồng thời há miệng ra để kiểm tra rồi mới rời đi. Tuy nhiên, mỗi lần Hạ Tử Trân uống thuốc vào miệng đều lấy lưỡi đè lên trên thuốc hoặc đưa vào một bên má rồi mới giả vờ nuốt nước xuống. Đợi khi các bác sĩ bỏ đi, cô mới vào nhà vệ sinh nhả thuốc ra ngoài.
Một thời gian sau, Hạ Tử Trân thi thoảng lại tìm gặp bác sĩ nói rằng lưng của mình bị đau, lúc thì nói chân của mình bị đau. Hạ Tử Trân làm như vậy là nhằm thể hiện rằng mình có đã có thể nhận biết được các tri giác trên cơ thể đồng thời cũng thể hiện rằng cô hoàn toàn có thể giao tiếp một cách bình thường.
Những nỗ lực của Hạ Tử Trân cuối cùng cũng thành công. Các bác sĩ trong viện tâm thần bắt đầu chú ý nhiều hơn tới lưng, cánh tay hay chân của Hạ Tử Trân. Bắt đầu từ đó, lượng thuốc “ổn định thần kinh” mà họ kê cho Hạ Tử Trân cũng bắt đầu giảm dần.
- 3
Những hối hận muộn màng
Những ngày tháng trong trại tâm thần cũng là những ngày tháng Hạ Tử Trân suy nghĩ nhiều nhất. Điều khiến Hạ Tử Trân ân hận nhất chính là việc cô đã rời bỏ Mao Trạch Đông, rời bỏ Trung Quốc sang Liên Xô chỉ vì sự giận dỗi và hiểu lầm nhất thời. Trước đây, Hạ Tử Trân vô cùng sùng bái Liên Xô, cho rằng, chỉ tới quê hương của Lê nin, cô mới có thể học được Chủ nghĩa Mac - Lê nin một cách thực thụ.Hạ Tử Trân khi về già.
Tuy nhiên, cô không biết rằng, việc học Chủ nghĩa Mac - Lê nin ở đâu không quan trọng bằng sự nỗ lực và tập trung của cá nhân. Trước đây, Hạ Tử Trân sùng bái nền y học nước ngoài, cho rằng, chỉ khi tới Liên Xô, mảnh đạn trong đầu cô mới được lấy ra, sức khỏe của cô mới phục hồi.
Mao Trạch Đông từng nói rằng, sẽ mời bác sĩ giỏi nhất tới Diên An để chữa trị cho cô, cô không cần đi Liên Xô nhưng cô không chịu. Kết quả, các bác sĩ Liên Xô cũng không thể lấy mảnh đạn đó ra khỏi đầu cô, ngược lại, cô còn bị đẩy vào trại tâm thần.
Tuy nhiên, điều khiến Hạ Tử Trân day dứt nhất chính là cô đã bỏ lỡ cơ hội làm lành với Mao Trạch Đông - điều khiến Hạ Tử Trân và Mao Trạch Đông sau này không còn cơ hội tái hợp. Lúc bấy giờ, khi giữa hai vợ chồng Hạ Tử Trân xảy ra hiểu lầm, Mao Trạch Đông đã từng tỏ ý muốn hòa giải với cô.
Mao từng nhiều lần khuyên nhủ, thậm chí khẩn cầu Hạ Tử Trân đừng đi. Khi Hạ Tử Trân tới Lan Châu để đợi máy bay đi Matxcova, Mao Trạch Đông còn gọi điện nhờ vợ chồng Trần Chính Nhân và Bành Nhu khi đó đang làm việc tại Lan Châu tới gặp và khuyên nhu Hạ Tử Trân nên trở về. Tuy nhiên, có lẽ do cá tính quá mạnh của Hạ Tử Trân, Mao Trạch Đông và mọi người càng khuyên nhủ, cô càng quyết ý ra đi.
Điều khiến cô càng day dứt hơn là, sau khi tốt nghiệp tại trường Đông Phương, cô đã không về nước cùng với mọi người. Lý do Hạ Tử Trân quyết định ở lại Matxcova chứ không chịu về Trung Quốc chủ yếu là vì sĩ diện của bản thân. Lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông đã kết hôn với Giang Thanh. Giờ đây, nếu cô trở về, ba người gặp nhau có lẽ sẽ rất khó xử.
Thế nhưng, ở lại Liên Xô là một sai lầm rất lớn của cô. Trong suốt thời gian trong viện tâm thần, Hạ Tử Trân nhiều lần nghĩ đi nghĩ lại rằng: Bản thân cô bị người ta vu khống là mắc bệnh thần kinh, đưa vào đây chủ yếu là do cô một thân một mình ở nơi đất khách quê người, không quen thủy thổ cũng không quen tập tục, ngôn ngữ lại không thông.
Hạ Tử Trân luôn nghĩ, nếu như cô ở Trung Quốc thì những chuyện phi lý như thế này tuyệt đối sẽ không thể xảy ra. Chính vì thế, cô càng cảm thấy rằng, lúc bấy giờ, cô không nên vì sĩ diện mà ở lại Liên Xô. Những lúc như vậy, khát khao được trở về quê hương trong Hạ Tử Trân lại trào lên.
Để có thể thoát khỏi bệnh viện tâm thần, trở về Trung Quốc, Hạ Tử Trân đã phải làm đủ mọi cách. Cô tích cực phối hợp với các bác sĩ dù không uống thuốc, đồng thời cố gắng giữ bình tĩnh, thể hiện cho họ thấy rằng, thần trí cô hoàn toàn tỉnh táo. Cuối cùng, các bác sĩ tại đây cũng thừa nhận, thần trí của Hạ Tử Trân đã hoàn toàn bình thường, không còn triệu chứng của bệnh thần kinh nữa.
Lúc này, các bác sĩ không còn bắt Hạ Tử Trân uống thuốc nữa, ngược lại cho cô nhiều thời gian hoạt động tự do hơn. Tiếp đó, Hạ Tử Trân lại tranh thủ sự đồng cảm của các nhân viên. Cô nói với họ rằng, cô không phải là một người dân Trung Quốc bình thường mà là vợ của Mao Trạch Đông - một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lúc này, các bác sĩ nói với cô rằng: “Bệnh của cô đã khỏi, có thể xuất viện”. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây thông báo với cô rằng, theo quy định, phải có người tới đón cô thì cô mới được xuất viện. Câu nói của bác sĩ khiến Hạ Tử Trân rất vui sướng. Cuối cùng, cô cũng đã có cơ hội thoát ra khỏi nơi đây. Tuy nhiên, cô kiếm đâu ra người bảo hộ tới đón?
Từ khi cô bị đưa vào bệnh viện này, cô hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài, chẳng có ai tới thăm và cô cũng không hề biết, hiện nay có còn người bạn Trung Quốc nào của cô đang ở Liên Xô hay không. Cuối cùng, Hạ Tử Trân xin được các bác sĩ trong bệnh viện một con tem và một tờ giấy viết thư. Bức thư này viết cho ai, gửi đi đâu, Hạ Tử Trân đã phải suy nghĩ suốt nhiều ngày liền.
Đã ở trong bệnh viện tâm thần nhiều năm, cô hoàn toàn không biết ở bên ngoài hiện này ra sao. Người Trung Quốc cuối cùng mà cô gặp chính là người phụ nữ đã lừa cô mở cửa để các bác sĩ tâm thần tới đưa cô vào bệnh viện. Và cuối cùng, Hạ Tử Trân đã quyết định gửi bức thư cho một người phụ nữ Hoa Kiều mà cô biết.
Tuy nhiên, do không biết cô có còn ở nơi ở cũ hay không nên ở phần địa chỉ cô đã đề địa chỉ một khu nhà nơi trước đây có rất nhiều người Hoa sinh sống. Cô tin rằng, gửi bức thư tới đó, nếu như người phụ nữ cô quen không còn ở đó thì những người Hoa Kiều ắt sẽ chú ý tới bức thư gửi từ trại tâm thần có đề tên cô và họ sẽ đọc được bức thư của cô. May mắn cho Hạ Tử Trân, bức thư của cô đã tới được người nhận.
Năm 1947, sau 10 năm sóng gió tại Liên Xô, nhờ có sự can thiệp từ phía Trung Quốc, Hạ Tử Trân được Đệ tam Quốc tế đồng ý cho trở về Trung Quốc, kết thúc chuỗi ngày đau khổ của cô trong trại tâm thần. Tuy nhiên, lúc này, Mao Trạch Đông đã kết hôn với Giang Thanh và sinh ra Lý Nạp. Cuộc đời Hạ Tử Trân bước sang một trang mới nhưng không kém khổ đau và buồn tủi.