Chất dinh dưỡng
(Giúp bạn)
Có trên 40 loại chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, trong đó protein (đạm), lipít (chất béo) và cacbon hydrat (đường) là ba chất dinh dưỡng chủ yếu cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể, các chất khác như vitamin, chất khoáng, nguyên tố vi lượng, chất xơ và nước tuy có thể duy trì được sự sống của con người nhưng chúng không có nhiệt lượng. Tám chất dinh dưỡng lớn này là những thành phần chủ yếu trong bữa ăn của con người, trong đó, ba chất protein, chất béo và cacbon hydrat sau khi được hấp thụ vào cơ thể, qua quá trình oxy hóa có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể theo mức độ như sau: protein từ 10 – 15%, chất béo từ 20 – 25%, cacbon hydrat từ 60 – 70%.
Sự cấu thành của cơ thể không thể nào tách rời khỏi 8 chất dinh dưỡng lớn đó được, bởi vì để duy trì hoạt động, cơ thể cần phải luôn được bổ sung những vật chất đó từ thực phẩm. Chỉ cần thiếu một trong những vật chất đó hoặc sự trao đổi, thay thế chất thường là sẽ dẫn đến hiện tượng cung cấp vật chất không đủ, tất cả sẽ dẫn đến hiện tượng làm thay đổi kết cấu tổ chức hoặc sự hoạt động khác thường của cơ thể, dễ sinh bệnh, thậm chí gây tử vong.
I. Protein (Đạm)
1. Protein là chất nền tảng tạo nên sức sống của cơ thể
Protein là một hợp chất cơ bản để hình thành sức sống của cơ thể, nó tạo nên bởi axit amin, đồng thời cũng là một trong những bộ phận chủ yếu và quan trọng cấu thành hoạt động của cơ thể. Các cơ bắp, xương cốt và nội tạng cơ thể chủ yếu đều do protein tạo thành. Protein chính là thứ vật chất đã phát huy tác dụng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể, là thành phần cung cấp vitamin và vật chất miễn dịch cho cơ thể. Protein cung cấp năng lượng cho cơ thể, đúng như Engel đã nói: “Không có protein thì không có sự sống”.
Cơ thể và thực phẩm đều do các axit amin khác nhau tạo nên. Con người cần đến trên 20 loại axit amin, trong đó có 8 loại axit amin không thể tự có trong cơ thể, rất cần hấp thụ từ các món ăn, các chất axit amin cần thiết đó là isoleucin, leucin, valin, methionin, phenybalanin, threonin, tryptophan và lysin. Các chất axit còn lại không cần thiết phải hấp thụ vì bản thân cơ thể có thể tạo ra được hoặc do các axit amin khác tạo nên, người ta gọi đó là những axit amin không cần thiết. Để thỏa mãn nhu cầu protein do các axit amin tạo ra, mỗi ngày cơ thể cần ăn những món ăn có dinh dưỡng khác nhau với một lượng vừa đủ.
2.Protein động vật và protein thực vật
Có thể chia nguồn protein mà con người cần hấp thụ thành hai loại lớn: một là thịt cá, trứng, sữa v.v… cung cấp protein động vật; hai là các loại lương thực, đậu đỗ, rau, hoa quả là những loại cung cấp protein thực vật.
Protein động vật: Loại thực phẩm có nhiều protein động vật nhất là thịt gà có 23,3g/100g, protein trong thịt bò cũng có nhiều và điều quan trọng là nó có ít chất béo, chỉ khoảng 1/5. Trong thịt gà còn có chất phốt pho, đồng và iốt dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ. Đặc biệt các loại thủy hải sản có hàm lượng protein cao nhất, kế đến là các loại thịt, cá nước ngọt, sữa, trứng v.v… tất cả đều cho ta loại protein chất lượng cao, giá trị dinh dưỡng của chúng cao hơn các loại thực vật.
Protein thực vật: Thực phẩm có nhiều protein nhất là đậu vàng, cứ 100g thì có 36,3g, kế đến là các loại đậu khác, vừng, ngũ cốc v.v… Ngoại trừ các loại ngũ cốc hàm lượng protein thấp, chất lượng không cao, số còn lại đều thuộc protein chất lượng cao.
1. Sự nguy hại của việc thiếu hoặc thừa protein
Thiếu protein tất cả sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, dễ mắc các chứng bệnh phù thũng, loạn nhịp tim, mệt mỏi, thiếu máu, trẻ em chậm phát triển, đầu óc kém minh mẫn, ảnh hưởng đến kinh nguyệt, sức đề kháng kém, ăn không ngon miệng, cơ bắp teo lại, khớp xương rã rời v.v…
Nhưng cũng không thể ăn quá nhiều chất protein trong thức ăn. Khi chất protein thay thế trong cơ thể sẽ sản sinh ra amin, nước tiểu có chứa chất azote, trong đó amoniac là chất có hại, phải trải qua xử lý giải độc ở gan mới có thể từ thận bài tiết ra ngoài, ăn nhiều chất protein sẽ làm tăng gánh nặng của gan, lợi ít, hại nhiều, nhất là với những người mắc bệnh gan, thận sẽ làm bệnh càng trầm trọng thêm, gây tổn thương cho gan và thận.
Ăn nhiều chất protein tuy có thể tăng cường cơ bắp nhưng nếu không chịu tập luyện thì cơ bắp cũng không thể phát triển được, vì nếu nếu ngừng tập luyện thì các mạch máu nhỏ của cơ bắp ít mở ra, lưu lượng máu tương đối ít, cơ bắp không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng sẽ bị teo lại. Cho nên, chỉ có tập luyện thường xuyên mới làm cho cơ bắp phát triển và đạt được hiệu quả tốt. Nếu không kiên trì tập luyện, chỉ dựa vào việc ăn nhiều protein là không thực tế. Kết quả chỉ làm chất protein dư thừa chuyển hóa thành chất béo ở dưới da, cơ thể sẽ trở nên béo phì.
2. Phương pháp sử dụng protein
Cơ thể có thể hấp thụ được chất axit amin trong thực phẩm, nhất là các món ăn tổng hợp, ăn nhiều món ăn tổng hợp có nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, lấy dài bổ sung cho ngắn để có được một tỷ lệ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, phát huy tác dụng bổ sung cho nhau của các protein. Việc bổ sung cho nhau của các protein cần tuân thủ ba nguyên tắc sau đây:
Chủng loại thức ăn càng khác nhau nhiều càng tốt, có thể chế biến chúng hỗn hợp thành một món ăn
Thời gian ăn các loại thực phẩm càng sớm càng tốt, nên đồng thời ăn cùng một lúc
Càng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau càng tốt, Như vậy chất dinh dưỡng sẽ được cân đối, vì hàm lượng lysin trong ngô nhiều, trong đậu nành ít. Nếu ăn cùng một lúc hai loại này thì chúng sẽ bổ sung cho nhau chất axit amin cần thiết, giá trị sử dụng sẽ cao hơn, tỷ lệ hấp thụ protein do chúng tạo nên cũng cao hơn.
Vậy một người trong một ngày cần hấp thụ bao nhiêu protein thì được coi là hợp lý? Nói chung, người khỏe mạnh mỗi ngày cần hấp thụ ít nhất 1g protein/1kg trọng lượng cơ thể, chỉ cần chừng ấy là có thể giữ được sự cân đối protein trong cơ thể.
Trong số 80g protein cần thiết cho cơ thể trong một ngày nên bao gồm cả 20g protein của đậu nành và dầu ăn. Mỗi người một ngày hấp thụ từ 7 – 8g dầu thực vật là có thể thỏa mãn nhu cầu protein cho cơ thể, nếu nhiều quá cũng vô ích.
Những thực phẩm chúng ta thường ăn, hoặc ít nhiều cũng đều có chứa chất protein, tỷ lệ protein trong gạo, bột từ 7 – 10%, mỗi ngày ăn từ 400 – 500g sẽ có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 40g protein, chiếm một nửa lượng nhu cầu của cơ thể. Đậu nành có tới 36% protein, các loại thịt, cá có khoảng từ 15 – 21%, các loại rau, hoa quả có khoảng 2%.
Nói chung, một ngày uống 250ml sữa, ăn một quả trứng gà, 50g đậu, 100g thịt là có thể thỏa mãn được nhu cầu cơ thể. Nhưng đối với trẻ em đang độ phát triển, phụ nữ có thai, người mới mổ cần nhanh chóng phục hồi sức khỏe thì có tăng số lượng nói trên lên một ít.
3. Người già cần bao nhiêu protein là hợp lý?
Qua xác định hàm lượng axit amin trong máu của hơn 200 người già tuổi từ 63 – 93 cho thấy: nếu so sánh với 200 người tuổi từ 9 – 25 thì hàm lượng axit amin của người già ít hơn, trong đó axit amin β thấp hơn rõ rệt. Người già thường thiếu máu, răng lợi, gân cốt đều suy giảm, điều đó chứng tỏ là bị thiếu axit amin, cần uống nhiều sữa, ăn nhiều cá, đậu đỗ là những loại có nhiều protein, nhưng không nên ăn một lúc nhiều quá, tốt nhất ăn nhiều lần để chúng có thể thường xuyên bổ sung cho nhau thì tốt hơn.
4. Thanh thiếu niên cân ăn đủ chất protein
Thanh thiếu niên đang trong thời kỳ phát triển, thân thể cường tráng, trí não phát triển nên cần được hấp thụ đầy đủ protein. Nếu những người trẻ tuổi không được cung cấp đầy đủ axit amin cần thiết cho cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng bị phá hoại hệ thống xúc tác, gây trở ngại cho việc trao đổi, thay thế dinh dưỡng, làm tăng sự thoái hóa của các tổ chức. Nếu trẻ em ở thời kỳ phát triển đỉnh cao không có đủ protein động vật có chất lượng cao thì sự phát triển của chúng sẽ chững lại, người lùn, thể chất kém, trí não kém. Phụ nữ có thai thiếu chất protein lại càng nguy hại hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
II. Lipit (Chất béo)
1. Phân loại chất béo
Chất béo chính là “kho chứa” nguồn năng lượng của cơ thể. Mỡ được chia làm ba loại lớn: mỡ trung tính, cholesterol và phôtpholipid. Thịt mỡ, mỡ lợn, mỡ bò, dầu thực vật và các loại quả có hạt hàm lượng chất béo tương đối cao. Mỡ là vật chất quan trọng cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể, hàm lượng nhiệt của nó cao gấp đôi protein và cacbon hydrat. Căn cứ vào nguồn gốc khác nhau, chất béo được chia làm hai loại: chất béo bão hòa và không bão hòa. Sự khác biệt giữa chúng ở chỗ: chất béo bão hòa sẽ làm tăng cholesterol trong máu, đặc biệt là mỡ động vật, phần lớn đều thuộc loại chất béo bão hòa. Chất béo của cá, thịt gà và đa số các loài thực vật đều thuộc dạng chất béo không bão hòa mà chất béo không bão hòa thì lại làm giảm cholesterol trong máu.
2. Tác dụng của chất béo
Hễ nói đến chất béo là mọi người liền nghĩ ngay đến béo, dường như mọi người đang mắc bệnh “sợ béo”, thế là có sự ngộ nhận về “ăn chất beo”. Các nhà dinh dưỡng học khuyên ít ăn chất béo không có nghĩa là không ăn chất béo. Chất béo là vật chất không thể thiếu trong cơ thể con người, đặc biệt không thể thiếu đối với thanh niên đang trong thời kỳ phát triển. Ăn nhiều chất béo quá cũng không tốt nhưng ăn ít cũng không được là vì:
Chất béo là nguồn nhiệt năng tốt nhất. Người bình thường mỗi ngày cần khoảng 30 – 40g.
Chất béo là thuốc hòa tan các loại vitamin tốt nhất. Các loại vitamin A, D, E, K cần cho cơ thể đều dễ hòa tan trong mỡ vì thế cơ thể dễ hấp thụ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự trao đổi, thay thế của đường và protein.
Chất béo có chứa cholesterol và albumin cần cho cơ thể. Nếu thiếu sẽ ảnh hưởng đến việc tạo nên tế bào, đến khả năng sinh sản và sự phát triển con người, làm giảm sức đề kháng.
Chất béo có tác dụng bổ não. Chất phôtpholipid là thành phần quan trọng của tế bào thần kinh não. Mỗi ngày cơ thể cần độ 0,5g chất béo mới bảo đảm được nhu cầu của tế bào não, mới làm chậm được sự thoái hóa của các chức năng não và bệnh nghễnh ngãn của người già.
Chất béo có tác dụng làm cho thân thể đẫy đà, da dẻ mịn màng, tóc trơn mượt.
Chất béo còn có tác dụng điều hòa nội tiết. Nếu chất béo ở các bạn gái đạt 17% trọng lượng cơ thể thì mới thấy kinh lần đầu. Nếu dưới 13% thì sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết, hành kinh chậm, chu kỳ không đều, thậm chí dẫn đến tắc kinh.
3. Ăn nhiều chất béo sẽ dẫn đến bệnh tim mạch
Ăn quá nhiều chất béo động vật sẽ gây trở ngại cho tuần hoàn máu. Trong chất béo động vật có rất nhiều cholesterol, nếu chúng ta ăn nhiều thịt, cholesterol trong cơ thể sẽ tăng lên, độ bám dính của máu tăng lên, tuần hoàn của máu bị chậm lại, cholesterol sẽ lắng đọng ở vành huyết quản, nhất là trên các vành huyết quản nhỏ ở xa tim. Huyết quản dần dần sẽ giống như một đường ống dẫn nước cũ kỹ lâu ngày, đường kính ngày càng nhỏ lại nhưng máu trong cơ thể lại không hề ít đi do đó đã tạo nên một áp lực lớn đối với huyết quản, khi đã vượt quá mức chịu đựng tất sẽ dẫn đến huyết áp cao. Nghiêm trọng hơn, nếu không chịu nổi áp lực, có thể bị vỡ huyết quản. Nếu hiện tượng này xảy ra ở vùng não sẽ gây nên chứng xuất huyết não đáng sợ.
Chất béo động vật có hàm lượng cholesterol rất cao, cụ thể như sau:
Óc lơn, óc bò, óc dê, lòng đỏ trứng ngỗng, lòng đỏ trứng gà, lòng đỏ trứng vịt có 1500 – 3000mg/100g.
Tôm riu, trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, trứng ngan cả lòng trắng lẫn lòng đỏ có từ 600 – 700mg/100g.
Thận lợn, gan gà, gan vịt, cua bể, hến có từ 400 – 500mg/100g.
Gan lợn, gan dê, phổi lợn có từ 300 – 400mg/100g.
Gan bò, dầu vàng, cá mực, mề gà, cá có vảy, cua bể, có từ 200 – 300mg/100g.
Thịt lợn mỡ, tim lợn, dạ dày lợn, lòng lợn, lưỡi lợn, dạ dày bò, mỡ dê, dạ dày dê, thịt gà, thịt bồ câu, cá mè, lươn, tôm càng, ốc, bột sữa béo có từ 100 – 200mg/100g.
Hải sâm, thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt dê nạc, thịt thỏ, thịt vịt, cá diếc, cá xanh, cá vàng, tôm càng, sữa bò, sữa bột tách bơ v.v… có từ 100g/100g trở xuống.
Cholesterol là loại vật chất hóa học có hàm lượng lớn trong dầu thực vật, hàm lượng cholesterol ít sẽ rất quan trọng đối với việc tạo ra và duy trì tế bào thần kinh, hơn nữa, nó còn tạo nên chất kích thích tự nhiện.
Chất béo động vật (mỡ động vật) ăn quá nhiều sẽ làm tăng cholesterol trong máu dẫn đến xơ cứng động mạch, dễ dẫn đến bệnh mỡ máu, huyết áp cao, bệnh tim mạch v.v… Vì thế nếu ăn các loại thực phẩm có nhiều cholesterol sẽ không có lợi. Nhưng nếu không ăn chất béo, cholesterol quá ít thì lại dễ bị cảm cúm, tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao.
Cần ăn nhiều món ăn khác nhau, phải cân đối chất dinh dưỡng, nói một cách khác là phải ăn “đúng tiêu chuẩn”. Vậy làm thế nào để ăn “đúng tiêu chuẩn”. Lượng cholesterol của một người ăn trong một ngày vào khoảng 300mg là tốt nhất.
Trước khi chuẩn bị các món ăn, chúng ta nên chọn các thực phẩm có hàm lượng cholesterol khác nhau và phải nắm vững các “tiêu chuẩn”.
4. Ăn nhiều dầu thực vật quá cũng dễ sinh bệnh
Các loại dầu thực vật trong lạc, đậu tương, vừng v.v… đều thuộc nhóm chất béo không bão hòa. Trong thực vật có một chất mà cơ thể con người không thể hấp thụ được, trái lại, nó còn cản trở việc hấp thụ các chất cholesterol. Vì thế, những người già và người mắc bệnh tim mạch thường ít ăn mỡ động vật, chỉ ăn dầu thực vật. Nhưng với những thanh, thiếu niên đang độ phát triển nếu chỉ ăn dầu thực vật không thôi thì không tốt mà cần phải ăn một lượng mỡ động vật thích hợp mới có lợi cho sức khỏe. Vậy có phải ăn nhiều dầu thực vật là tốt không?
Những năm gần đây, người Thượng Hải rất thận trọng khi ăn thịt mỡ vì sợ ăn nhiều sẽ gây nên các bệnh tật, họ cảnh giác với mỡ động vật nhưng lại thiếu cảnh giác với dầu thực vật. Người Thượng Hải ăn quá nhiều dầu thực vật, vượt quá xa tiêu chuẩn 25g mỗi người một ngày mà các nhà dinh dưỡng học đã đề ra. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc hấp thụ nhiều dầu thực vật bao nhiêu thì tính nguy hại của nó cũng tăng lên bấy nhiều, bởi vì ăn nhiều dầu thực vật sẽ dễ sinh các bệnh mỡ máu, bệnh tim, huyết quản não v.v… ngoài ra còn có thể dẫn đến các bệnh viêm gan, viêm tuyến tụy… Vì thế việc cho rằng ăn nhiều dầu thực vật cũng không ảnh hưởng gì là một quan niệm sai lầm.
Những thực phẩm có nhiều chất béo tốt nhất phải kể đến ngỗng, vịt, các chất béo khác có cấu tạo hóa học rất gần gũi với dầu trám chẳng những không có hại cho cơ thể, trái lại, còn có tác dụng bảo vệ.
Tóm lại, chất béo có tác dụng rất quan trọng đối với hoạt động của con người, là những dinh dưỡng không thể thiếu trong cơ thể. Việc sợ béo phì nên không ăn các chất béo là một quan niệm sai lầm. Cũng như vậy, việc chỉ thích ăn cho sướng miệng, ăn những thứ cao lương mĩ vị cũng rất có hại.
5. Ăn ít chất beo là bí quyết sống lâu
Tuổi thọ bình quân của nam, nữ Nhật Bản hiện đang đứng đầu thế giới; bí quyết của họ là món ăn thanh đạm, ăn nhiều hải sản và các loại đậu, ít ăn chất béo. Người Pháp trường thọ hơn người Phần Lan và người các nước Bắc Âu khác. Người Pháp ăn nhiều rau tươi, hoa quả, bành mỳ, rượu nho và rất ít ăn các loại thịt.
Người Đức đã có công cống hiến cho loài người bằng cách sáng tạo ra thuyết “Phương pháp trị liệu bằng nước hoa quả” còn được gọi là “Phép màu của nước hoa quả” vì nó làm cho các tế bào chết thải ra nhanh chóng, kích thích sự tái sinh của các tế bào mới, nhanh chóng thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, làm tưng khả năng tiết ra dịch vị của các tuyến trong cơ thể, duy trì được sự cân đối của axit kiềm. Học thuyết này đã trở thành bí quyết bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của người Đức.
Một làng ở khu du lịch phía bắc Pakistan, có nhiều các loại hoa quả nổi tiếng nhất. Hạnh tươi và hạnh khô là món ăn chính suốt bốn mùa của người dân ở đây, nước hạnh nhân là đồ uống quan trọng của họ. Món ăn của họ chỉ có rau, hoa quả là chính, họ rất ít ăn thịt mỡ, thế nên tuổi thọ trung bình của họ từ 80 tuổi trở lên, làng này cũng nổi tiếng thế giới về tuổi thọ.
III. Cacbon hydrat (Đường)
1. Các loại và tác dụng của cacbon hydrat
Cacbon hydrat còn có tên gọi khác là các loại đường bao gồm đường đơn, đường kép và đường hỗn hợp. Cacbon hydrat là một hợp chất hóa học gồm có cacbon, hydro và oxy, là một trong những bộ phận chính của thực phẩm thực vật, hàm lượng của nó trong ngũ cốc, đường và hoa quả tương đối cao. Sau khi được tiêu hóa và hấp thụ, cacbon hydrat sẽ trở thành đường nho, là nguồn cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể ra, số cacbon hydrat còn lại có thể chuyển hóa thành chất béo hoặc protein làm nguồn dự trữ cho cơ thể. Đường nguyên là bộ phận chủ yếu trong cơ thể, các chất đường chứa trong gan và tổ chức cơ bắp chính là nguồn dự trữ của cơ thể.
Cacbon hydrat là thành phần chủ yếu của thực phẩm thực vật, gồm năm loại lớn:
Các loại ngũ cốc gồm tiếu mạch, các loại gạo, ngô, cao lương, gạo nếp, yến mạch, kiều mạch v.v… Các loại chất bột gồm có: khoai tây, sắn, khoai sọ.
Các loại hoa quả gồm có: táo, cam, quýt, chuối tiêu, táo đỏ, hồng, hạt dẻ, lê, đào, hạnh nhân v.v… Ngoài ra còn có dưa hấu, và các loại dưa khác.
Các loại rau gồm có: rau cải, rau muống, cà chua, ớt, cà rốt, rau hẹ, rau cần, và các loại bí. Nói chung, giá trị dinh dưỡng của các loại rau có màu sẫm cao hơn các loại rau màu nhạt.
Các loại đậu và các chế phẩm từ đậu gồm có: đậu phụ, đậu tương, chao đậu, óc đậu phụ v.v…
Các loại đường gồm có: đường đỏ, đường cát, đường trắng, đường miếng v.v….
Đường là nguồn năng lượng của cơ thể, là bộ phận quan trọng trong cấu tạo thần kinh, gân cốt, giác mạc mắt, là nguyên liệu không thể thiếu của các tổ chức tế bào, là nguồn cung cấp nhiệt năng duy nhất cho hệ thần kinh. Khi thở, tuần hoàn máu, vận động tứ chi và duy trì nhiệt độ, cơ thể không thể thiếu chất đường, đặc biệt trẻ em trong thời kỳ phát triển càng không thể thiếu đường được.
2. Ăn nhiều đường dễ dẫn đến nhiều bệnh tật
Đường cũng có mặt bất lợi, ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Sau khi tiến hành điều tra, nghiên cứu trên mấy chục quốc giá, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng: Ăn nhiều đường là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho loài người hiện nay. Tỷ lệ tử vong có liên quan đến lượng đường tiêu dùng. Người già mắc bệnh tim mạch cũng liên quan đến việc ăn nhiều đường, chính vì ăn nhiều đường nên chất cholesterol và mỡ tăng lên dẫn đến bệnh tim mạch.
Nguyên nhân chính của bệnh béo phì cũng liên quan đến việc ăn nhiều đường vì đường làm cho gan tích mỡ, đại bộ phận chất béo trung tinh trong máu sẽ chuyển hóa thành mỡ dưới da. Nguyên nhân của bệnh tiểu đường cũng liên quan đến việc ăn nhiều đường. Đường nhiều quá sẽ làm tăng gánh nặng cho chất insulin, dần dần hình thành bệnh tiểu đường, vì thế, người mắc bệnh tiểu đường nên ăn ít đường.
Với trẻ em, nếu ăn nhiều đường sẽ làm đường trong máu tăng lên gây ức chế đại não khiến trẻ lười ăn. Đặc biệt răng của trẻ sẽ bị suy yếu, không đủ sức chống lại chất chua, đường dính vào rằng hoặc khe răng, dưới tác dụng của vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành vật chất có tính axit, gây sâu răng. Ngoài ra, do trẻ em đang trong thời kỳ phát triển nếu ăn nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
Căn cứ vào những nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy: hàng ngày nếu ăn nhiều đường sẽ dẫn đến cận thị, bở vì đường thuộc loại thực phẩm mang tính axit, nếu cơ thể hấp thụ nhiều đường quá sẽ làm tiêu hao nhiều canxi và nếu thiếu canxi tất sẽ gây rối loạn sinh lý, làm giảm sức thẩm thấu của máu, qua sự truyền dẫn của thần kinh thị giác làm cho độ thẩm thấu thấp hơn dạng tinh thể khiến nhãn cầu mất đi độ kiên cố, dễ làm nhãn cầu biến dạng, độ to nhỏ tăng lên, gây hưng phấn cho tế bào cảm quang trên thị võng mạc, vì thế không thể truyền dẫn đến trung tâm thần kinh qua con đường thị giác, dẫn đến thị giác bị mờ.
Ngoài ra, ăn nhiều đường sẽ dẫn đến sỏi thận, bệnh mụn nhọt, viêm mũi v.v… Nghiên cứu khoa học mới nhất đã chứng minh: ăn nhiều đường còn dẫn đến bệnh loét dạ dày, ung thư dạ dày v.v… Một danh y Nhật Bản đã viết trong cuốn sách “Chữa trị bệnh ung thư như thế nào” đã chỉ rõ: “Đường cũng như rượu, thuốc lá, hai thứ này có hại thì mọi người rất chú ý, nhưng lại không chú ý đến đường, trên thực tế rất nhiều người xem nhẹ tác hại của đường, ngay cả khi mắc bệnh ung thư vẫn không chịu bỏ thói quen ăn ngọt… Quả thật đường có sức kích thích ngoài sức tưởng tượng của con người, nó làm cho dịch vị toan dư thừa dẫn đến loét dạ dày”.
Các loại đường đỏ, đường trắng, đường viên, đường mạch nha, đường mật ong v.v… tuy có một số chất dinh dưỡng nhất định có tác dụng bổ máu, ích khí, tán hàn, nhưng tóm lại, lợi bất cập hại, hiện nay nhiều nước và khu vực đã không ăn đường nữa, đặc biệt là đường mía. Họ đã ăn các chất thay thế khác như các loại nước hoa quả, cam quýt v.v… Hơn nữa những loại đường này không phải là những món ăn đặc biệt quan trọng và không phải là nguồn năng lượng chủ yếu, bởi vì cacbon hydrat khác như ngũ cốc, hoa quả, rau, đậu đỗ mới là nguồn cung cấp đường cần thiết cho cơ thể.
3. Cacbon hydrat phải là món ăn chủ lực
Thói quen ăn uống truyền thống của người Trung Quốc chủ yếu là thực phẩm thực vật như ngũ cốc các loại, thực phẩm phụ là các loại rau quả, rất ít ăn thịt. Nguyên nhân chủ yếu hình thành truyền thống này là vì Trung Quốc lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, người dân có thói quen ăn uống tiết kiệm, bữa ăn lấy chất bột và các hợp chất cacbon làm chính, vì thế người ít béo, ít bệnh tật.
Nhưng cùng với sự tiến bộ xã hội, sức sản xuất ngày một nâng cao, kết cấu bữa ăn đã có sự thay đổi, kết cấu bữa ăn có nhiều chất đường, chất mỡ, nhiệt lượng đã làm thay đổi thói quen ăn uống từ mấy ngàn năm nay của người dân. Người dân Trung Quốc vốn rất khỏe mạnh trước đây bỗng trở nên béo phì, các bệnh xơ cứng động mạch vành, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường v.v… ngày càng xuất hiện nhiều.
Trong quá trình đấu tranh lâu dài với bệnh tật, người ta đã nhận ra rằng muốn mạnh khỏe, sống lâu thì phải tránh thừa chất dinh dưỡng, hạn chế ăn nhiều chất béo; muốn giảm béo thì phải vận động, bữa ăn vẫn cần lấy các loại thực phẩm ngũ cốc có chất lượng dinh dưỡng cao làm chính, bao gồm các loại lương thực thô và tinh, các loại đậu đỗ, hoa quả và rau.
Cacbon hydrat được gọi là thực phẩm có mật độ thấp, còn chất béo là thực phẩm có mật độ cao. Mật độ thực phẩm càng cao thì thể tích càng nhỏ, muốn ăn no thì phải ăn nhiều hơn, ăn càng nhiều chất béo thì cơ thể càng chứa nhiều mỡ, con người càng nhanh chóng béo lên. Do chất xơ trong các cacbon hydrat khó hấp thụ nên bụng ngày càng “phệ ra”; cũng không nên hấp thụ quá nhiều nhiệt lượng, vì các cacbon hydrat được tích tụ dưới dạng đường trong tổ chức cơ bắp và gan sẽ dần dần “đốt cháy” có thể duy trì năng lượng cho cơ thể trong một thời gian dài.
4. Cacbon hydrat làm cho làn da đẹp hơn
Qua nghiên cứu của một bác sĩ người Mỹ cho thấy: nếu ăn nhiều đường thì chất dính của da, gân cốt sẽ bị mất đi, làm cho gân cốt nhão, da nhăn nheo, tác dụng của nó là khống chế lẫn nhau, nếu ăn nhiều đường quá thì sự khống chế đó càng làm giảm tính đàn hồi khiến cho da bị lão hóa, dẫn đến nhăn nheo. Vì thế, muốn có làn da đẹp thì phải hạn chế ăn đường và các loại hoa quả ngọt. Giáo sư bác sĩ, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh da ở trường đại học California đã nêu lên 10 loại cabon hydrat có khả năng làm cho làn da đẹp như sau:
Rau xanh
Rau xanh giàu vitamin A và C, ăn rau xanh có thể làm cho làn da giữ được tính đàn hồi và tăng cường được khả năng chống tổn thương của da.
Củ cà rốt
Cà rốt có tác dụng chống khô và có ích cho việc trao đổi thay thế của chất phốt pho. Ăn cà rốt sẽ làm cho da đỡ nhăn nheo.
Dầu trám
Mỗi ngày ăn độ một thìa dầu trám cũng đủ làm cho da mịn màng hơn, khiến lớp da xám xịt trở thành lớp da có sức sống tràn trề.
Cá
Chất béo trong cá là vật chất hoạt tính trừ khử các sinh vật làm tổn hại chất keo của da, mỗi tuần ăn cá ba lần sẽ làm cho da tốt hơn.
Hoa quả
Là loại chứa nhiều vitamin C, ăn hoa quả có thể tránh cho da khỏi bị tổn thương, làm cho da giữ được độ căng cần thiết.
Dưa hấu
Làm cho da mịn hơn, dưa hấu có những chất hoạt tính có thể chữa khỏi những tổn thương da ở chỗ bị nhăn nheo.
Đậu nành
Đậu nành là vị cứu tinh của da, nó có nhiều hoạt chất, ngoài ra, còn có nhiều vitamin E giúp ích cho sự phát triển của tế bào.
Yến mạch
Có thể lọc bỏ các độc tố trong cơ thể, đây là điều rất quan trọng nhằm giữ cho da luôn mịn màng. Yến mạch còn có nhiều vitamin B rất quan trọng đối với da.
Nước
Cung cấp độ ẩm cần thiết cho cơ thể, độ khô của da, làm cho da có độ đàn hồi. Uống nhiều nước có thể loại trừ được các vết nhăn.
IV. Vitamin
1. Các loại và tác dụng của vitamin
Vitamin là chất cần thiết cho sự phát triển và duy trì sức sống của cơ thể. Chủng loại vitamin có rất nhiều, hiện nay chúng ta mới chỉ biết được vài chục loại, đại thể có thể chia chúng làm hai loại lớn là hòa tan trong chất béo và hòa tan trong nước. Loại thứ nhất gồm các vitamin A, D, E, K, loại thứ hai gồm các vitamin B, C và các vitamin khác. Loại hòa tan trong nước thì sau khi hòa tan, đại bộ phận sẽ được thải ra theo nước tiểu, còn các vitamin A, D hòa tan trong chất béo thì phần dư thừa không thải ra được.
Phần lớn vitamin không thể tổng hợp trong cơ thể mà phải hấp thụ từ các món ăn. Lượng nhu cầu của cơ thể không lớn lắm, nhưng thiếu nó, sẽ làm cho cơ thể sinh bệnh – bệnh thiếu vitamin.
Chúng ta đã biết khoảng 30 loại vitamin, nhưng chỉ có độ mười mấy loại là quan trọng gồm: vitamin A, B1, B2, B6, B12, C, D, E, K, PP v.v… Với những người khỏe mạnh thì chỉ cần duy trì kết cấu bữa ăn hợp lý, cân đối các món ăn, hấp thụ dinh dưỡng trong các món ăn hợp lý ba bữa một ngày là hoàn toàn có thể thỏa mãn được vitamin cho cơ thể. Trong các món rau chúng ta ăn hàng ngày có khá nhiều vitamin, những chất này tham gia vào việc cấu tạo răng, xương, cơ bắp, huyết quản v.v… của tổ chức cơ thể, bảo đảm duy trì hoạt động sinh lý bình thường của con người.
Vitamin C
Vitamin C có tác dụng trợ giúp cho hoạt động của tế bào T, bảo vệ cho tác dụng của vitamin canxi, vitamin A và E, phòng chống bệnh ung thư và bệnh tim mạch, làm cho vết thương chóng lành, hạ thấp tỷ lệ cảm cúm, tăng cường sức miến dịch. Đối với người già, vitamin C có tác dụng làm chậm độ lão hóa và đề phòng bệnh tật. Ăn nhiều món ăn có vitamin C sẽ có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ được chất sắt.
Các loại rau tươi có hàm lượng vitamin C cao nhất, đặc biệt là các loại rau: ớt, rau cải, tỏi, rau hẹ, rau cần, rau muống v.v… Các loại quả có nhiều vitamin C nhất là táo tươi, cứ 100g táo tươi có 300mg vitamin C trở lên; ngoài ra, còn nhiều loại khác nhau cũng chứa nhiều vitamin C như : sơn trà, cam, quýt, chanh… Một số quả dại như đào khỉ, táo chua, cũng có hàm lượng vitamin khá cao.
Vitamin E
Còn có tên là tocopherol, phần lớn tồn tại ở bộ phận màu xanh của tổ chức thực vật và trong mầm non của cây trồng, là loại vitamin hòa tan trong chất béo. Vitamin E tham gia vào quá trình sản sinh ra chất albumin, tinh trùng, kháng thể trong cơ thể giúp cho việc kháng trung của tế bào, bảo vệ tác dụng duy trì vitamin A, C và tính hoàn chỉnh của hồng cầu, phòng chống các bệnh tim mạch, giảm cholesterol trong gan và chống oxy hóa, chống suy thoái trong cơ thể người già, hình thành chất béo oxy hóa, phòng ngừa xơ cứng huyết quản. Các chuyên gia Nhật Bản, các giáo sư trường đại học NewYork sau khi tiến hành các thí nghiệm đã đi đến kết luận: vitamin E có tác dụng chống lão hóa rõ rệt.
Các chuyên gia y dược khi làm nghiên cứu thực nghiệm và quan sát lâm sàng đều cho rằng vitamin E có tác dụng kích thích nguồn sữa, đề phòng tắc sữa và thiếu sữa sau sinh đẻ, hành kinh kéo dài v.v… Cũng giống như vitamin C, vitamin E còn có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành các axit có hại, tăng cường khả năng miến dịch, giúp cơ thể đề phòng sự xâm nhập của các vi khuẩn. Vitamin E có tác dụng rất tích cực trong việc phòng ngừa các bệnh ung thư dạ dày, ung thư tử cung, ung thư tuyến vú, ung thư phổi v.v…
Dầu thực vật là thứ có nhiều vitamin E nhất, nếu ta hấp thụ vitamin E từ các mầm non của lương thực, từ vừng, hạt đào, lạc, các loại hoa quả vỏ cứng, các loại ngũ cốc và rau xanh thì đó sẽ là con đường tốt nhất, tự nhiên nhất, sẽ rất có lợi cho sức khỏe.
Vitamin B
Vitamin B1 có tác dụng kích thích hoạt động của dạ dày, làm cho tao có cảm giác ăn ngon, nếu cơ thể thiếu vitamin B1 sẽ dẫn đến bệnh phù nề, viêm thần kinh, tim to, giảm trí nhớ v.v… Lạc là thứ có nhiều B1 nhất, cứ 100g lạc thì có 1,03mg vitamin B1, các loại ngũ cốc khác, các loại đậu đỗ, hoa quả vỏ cứng, cũng có lượng B1 khá cao.
Vitamin B2: Nếu cơ thể thiếu B2 sẽ dễ dẫn đến viêm họng, viêm môi, viêm lưỡi, viêm giác mạc v.v… Gan dê là loại có nhiều B2 nhất, cứ 100g gan dê có 3,67mg B2, gan các loại động vật khác, các loại trứng, sữa, đậu đỗ, rau xanh, nấm, rau dại v.v… cũng đều có nhiều B2.
Thiếu B6 sẽ làm cho cholesterol trong máu tăng cao, gây xơ cứng động mạch vành, dẫn đến tắc nghẽn cơ tim. Nguồn B6 chủ yếu có trong các loại thịt, bánh mỳ, các sản phẩm sữa, hoa quả, rau.
Gần đây, các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước đã phát hiện: nếu thiếu B6 có thể dẫ đến bệnh hạch, thiếu dinh dưỡng thần kinh não, rối loạn tâm thần v.v…
Vitamin A
Vitamin A có 2 dạng: dạng vitamin A và tiền vitamin A. Vitamin A có trong gan động vật, trong thịt cá, còn tiền vitamin A thường có trong những rau quả có màu đỏ và vàng. Vitamin A là “chất dinh dưỡng chống bệnh ung thư”, thiếu nó sẽ dẫn đến ung thư đường hô hấp, ung thư da, ung thư bàng quang và ung thư đường ruột. Nếu cơ thể được bổ sung một lượng vitamin A hợp lý thì có thể loại trừ được những nguy cơ trên và có tác dụng phòng ngừa diễn biến của bệnh ung thư đối với khí quản, tuyến vú, thực quản, dạ dày, phổi, đường ruột v.v…
Qua nghiên cứu đã chứng minh nếu uống nhiều vitamin A quá, sẽ gây nhức đầu, đau xương, mệt mỏi, buồn phiền v.v… thậm chí dẫn đến ngộ độc, chẳng những sẽ mất hẳn tác dụng ngăn chặn bệnh ung thư, mà còn tạo điều kiện cho bệnh ung thư phát triển. Tiền vitamin A khi đi vào cơ thể có thể chuyển đổi thành vitamin A. Bản thân cơ thể không thể tạo ra được tiền vitamin A mà phải hấp thụ từ các món ăn hàng ngày.
Hàng ngày ăn rau xanh và hoa quả có tiền vitamin A sẽ có lợi cho tất cả chúng ta. Chẳng những hoa quả và rau có sinh tố β, mà còn có nhiều thành phần dinh dưỡng khác. Nhiều học giả cho rằng ăn nhiều tiền vitamin A sẽ tốt hơn, an toàn hơn ăn vitamin A động vật.
Vitamin D
Thiếu vitamin D sẽ làm cho gân cốt người già lỏng lẻo, vitamin D không có nhiều trong món ăn nhưng có thể hấp thụ được qua da dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời để thỏa mãn nhu cầu của mình
Vitamin PP (Vitamin B3)
Còn có tên gọi là niacin (axit nicotinic), tham gia vào quá trình oxy hóa hoàn nguyên của cơ thể, thúc đẩy tiêu hóa, bảo vệ sức khỏe cho da và thần kinh. Thiếu sinh tố PP sẽ dẫn đến bệnh tróc lở da hay còn gọi là viêm da, bệnh xám da, viêm miệng, lưỡi, bệnh tiêu chảy, bệnh nghễnh ngãng v.v… Vitamin PP có khá nhiều trong gan động vật, trong lạc, trong men, trong các loại ngũ cốc.
2. Ăn nhiều vitamin quá có hại cho sức khỏe
Những người mắc bệnh khi dùng vitamin bồi bổ sức khỏe cần chú ý không phải cứ uống là tốt, trái lại còn có hại đến sức khỏe, thậm chí có khi còn bị ngộ độc.
Uống quá nhiều vitamin C (mỗi ngày quá 2g) sẽ dễ bị sỏi đường tiết niệu, sỏi thận.
Uống nhiều vitamin sẽ gây trở ngại cho việc hấp thụ các nguyên tố vi lượng, làm cho chất sắt tích tụ trong cơ thể quá nhiều, lượng sắt dư thừa sẽ gây tổn thất cho việc oxy hóa các nguyên tố khác, có khi nguy hiểm đến cơ thể.
Uống nhiều vitamin B có khả năng sẽ dẫn đến đau tim, làm trầm trọng thêm bệnh loét dạ dày, dẫn đến tiêu chảy, tổn thất chức năng của gan.
Uống quá nhiều B1, B2 có thể mắc bệnh khối u (biếu cổ).
Các vitamin hòa tan trong chất béo, cơ thể con người không thể tự tạo ra được, phải bổ sung từ bên ngoài nhưng nếu uống vitamin A quá liều dài ngày có thể dẫn đến nhức buốt chân tay, da bị tróc, hay buồn nôn mửa, không muốn ăn, tụ mỡ ở gan, xơ cứng gan. Nếu phụ nữ có thai dùng quá liều lượng có thể dẫn đến thai nhi dị dạng.
Uống vitamin D quá liều lượng sẽ gây mệt mỏi, xuất huyết, sưng vú, có hại cho mắt, làm cơ bắp bị teo v.v…
Vì thế tốt nhất vẫn là hấp thụ vitamin từ các món ăn. Nếu cần bổ sung cũng cần phải ăn sao cho hợp lý mới được. Vậy phải bổ sung như thế nào để đảm bảo sự cân đối vitamin trong cơ thể?
Các nhà dinh dưỡng học đã chỉ rõ: về mặt lý luận, chỉ cần kết cấu món ăn hợp lý, có thói quen ăn điều độ, không ăn ít quá hoặc nhiều quá, ít ăn các món rán bằng dầu và nói chung không nên bổ sung quá nhiều vitamin. Nhưng trong đời sống thực tế, do việc chế biến, nấu nướng các món ăn không hợp lý nên làm mất đi các vitamin. Khi bổ sung thường thích dùng nhiều loại vitamin như B, B1, B2, B6, B12 v.v… Tóm lại, nếu cơ thể thiếu một loại vitamin nào đó cần bổ sung bằng thuốc bổ thì phải uống theo chỉ định của bác sĩ.
3. Tác dụng của vitamin C
Vitamin C có tác dụng khống chế tế bào ung thư
Vitamin C là loại thuốc hoàn nguyên và thuốc chống oxy hóa rất tốt. Có một số chất hóa học, chỉ sau khi bị oxy hóa mới chuyển hòa thành những chất gây ung thư, còn vitamin C thì lại chống được oxy hóa, có khả năng chặn đứng các mầm mống của bệnh ung thư, vì thế, nó trở thành loại thuốc bảo vệ cho cơ thể con người. Trong gan, có một hệ thống chất xúc tác rất phức tạp gọi là chất xúc tác oxy hóa hỗn hợp, nó có thể thúc đẩy hoạt động của các chất hóa học, và trở thành chất gây ung thư. Thuốc chống oxy hóa co thể chặn đứng tác dụng này của các chất xúc tác, do đó làm giảm thiểu các chất gây ung thư.
Đó chính là nguyên nhân vì sao vitamin C có thể chống được các chất gây ung thư trong cơ thể.
Bản thân vitamin E vốn đã có tác dụng chống ung thư và chống suy thoái, còn vitamin C thì lại có tác dụng hỗ trợ, bảo vệ cho vitamin E, vì thế nếu cùng sử dụng một lúc hai loại vitamin này thì sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất. Tác dụng chống ung thư của vitamin C và E phối hợp với nhau tạo nên sức manh, đó là một trong những cơ chế quan trọng chống bệnh ung thư của vitamin C.
Qua nghiên cứu một học giả Mỹ đã phát hiện vitamin C có quan hệ đến tuổi thọ của con người, phàm những người già cả, có lượng vitamin C trong máu ít, tuổi thọ đều ngắn, còn những người già có lượng vitamin C cao trong máu đều sống lâu hơn. Dường như những người mắc bệnh ung thư, đều có tỷ lệ vitamin C trong máu rất thấp. Qua nghiên cứu trên đã gợi ý và thức tỉnh chúng ta về ý nghĩa quan trọng của vitamin C đối với sức khỏe con người, vì thế chúng ta nên dùng vitamin C nhiều hơn.
Khi thiếu máu, muốn bổ sung chất sắt phải uống nhiều vitamin C
Hiện nay người ta thường hay quảng cáo rùm beng các loại thuốc bổ máu, tăng cường chất sắt, nhưng học không hiểu rằng: Lượng sắt hấp thụ vào cơ thể nói chung chỉ khoảng 10%. Dù những chất có chứa sắt nhiều đến đâu, dù chúng ta có ăn nhiều đến đâu cũng vô ích, bởi lẽ phần lớn chất sắt sẽ rơi vãi hết, vậy làm gì phải tốn tiền và ăn nhiều. Các học giả đều cho rằng tăng cường hấp thụ chất sắt không có nghĩa là ăn nhiều chất có sắt thì có thể cải thiện được chất dinh dưỡng.
Qua nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia ngành y học đều kết luận rằng dùng vitamin C sẽ giúp cho cơ thể hấp thụ được chất sắt. Qua nghiên cứu các chuyên gia đã phát hiện: chỉ cần dùng một lượng vitamin trung bình thì tỷ lệ hấp thụ sắt đã đạt được tới 50%, nếu dùng một lượng vitamin C cao hơn, thì tỷ lệ hấp thụ sắt sẽ càng cao. Có nghĩa là vitamin C có thể đẩy mạnh việc hấp thụ chất sắt, vì thế việc dùng vitamin C liều cao sẽ là cách bổ máu tốt nhất đối với những người mắc bệnh thiếu máu.
Thiếu máu rất có thể sẽ dẫn đến bệnh ung thư và khi đã mắc bệnh ung thư rồi thì việc thiếu máu lại càng trở nên trầm trọng hơn, đó là một sự tuần hoàn ác tính. Sử dụng một lượng vitamin C thỏa đáng, sẽ có thể cải thiện được tình trạng thiếu máu ở những người mắc bệnh ung thư. Không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng vitamin C là niềm hy vọng chữa trị của người mắc bệnh ung thư.
Vitamin C có khả năng bảo vệ hệ thống tim mạch
Những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện: các nhân tố dinh dưỡng và môi trường sống là rất quan trọng đối với tỷ lệ mắc bệnh tim mach. Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở những người hút thuốc lá cao gấp hai lần so với người không hút thuốc. Vitamin C chẳng những có tác dụng chống bệnh ung thư ở những người hút thuốc lá, mà còn có tác dụng bảo vệ tim mạch.
Qua nghiên cứu đã phát hiện dùng nhiều vitamin C sẽ tăng cường được số lượng protein có mật độ cao và giảm thiểu số lượng protein có mật độ thấp, sự biến đổi của hai thứ đó đều có lợi cho việc chống các bệnh tim mạch. Quá trình này có liên quan đến việc vận chuyển và tích tụ của cholesterol. Nguyên do là chất albumin có mật độ thấp thường chuyển cholesterol vào huyết quản rồi lắng đọng ở màng huyết quản, còn albumin có mật độ cao thì lại chuyển cholesterol từ huyết quản đi, làm cho lượng cholesterol trong huyết quản giảm xuống giúp cho sự xơ cứng động mạch vành được cải thiện, hạ đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tim mạch.
Việt uống rượu hạn chế cũng có ích cho việc tăng nhiều protein có mật độ cao và làm giảm protein có mật độ thấp. Điều đó, giải thích tại sao việc vận động và hạn chế uống rượu lại có lợi cho tim mạch (tất nhiên những người mắc bệnh tim mạch không nên uống rượu)
4. Tốt nhất nên bổ sung vitamin C có trong thực phẩm
Nhiều nhà nghiên cứu về bệnh ung thư đều phản đối việc dùng thuốc để bổ sung vitamin C, họ nhấn mạnh rằng vitamin C trong thức ăn có quan hệ đến việc hạ thấp tính nguy hiểm của bệnh ung thư, vì vitamin C có trong thực phẩm có khả năng chống bệnh ung thư.
Vitamin C có trong thực phẩm khác hẳn với vitamin C mà mọi người thường uống. Bản thân vitamin C mọi người thường uống là loại đơn thành phần, còn những thực phẩm có chứa vitamin C thì thuộc dạng nhiều thành phần dinh dưỡng khác nhau, bởi vì ngoài vitamin C ra, nó còn có các chất vitamin A, B, E và các nguyên tố vi lượng khác, những vật chất này sẽ đồng tâm hiệp lực giúp chúng ta chống bệnh ung thư, điều mà vitamin đơn chất không thể làm được.
<