8 dấu hiệu trẻ cần đi khám mắt

14:24 14/04/2015

(Giúp bạn)80% những điều trẻ học ở trường được tiếp nhận bằng mắt. Điều này có nghĩa là tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị), nếu không được điều chỉnh, có thể ảnh hưởng nặng nề tới kết quả học tập và sự phát triển của trẻ.

Nguyên nhân cận thị ở trẻ

Tuy chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây cận thị nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy cận thị tiến triển là do sự kết hợp các yếu tố di truyền và môi trường.

- Trẻ có cha mẹ cận thị dễ bị cận thị hơn các trẻ khác.

- Trẻ dành nhiều thời gian trong nhà (đọc sách, xem tivi, làm việc trên máy tính, chơi trò chơi điện tử hay làm những công việc phải nhìn gần chăm chú) có nguy cơ cận thị cao hơn trẻ dành nhiều thời gian ở ngoài trời.

-1

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ trên Vnmedia cho biết, rất khó nhận biết cận thị ở trẻ nhỏ vì các bé chưa biết rằng nhìn mờ là chuyện không bình thường. Đa số trường hợp cận thị chỉ được phát hiện khi trẻ bắt đầu đi học và không nhìn rõ chữ trên bảng.

Theo bác sĩ, cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất và ngày càng gia tăng ở trẻ em. Ước tính tại các thành phố lớn của nước ta khoảng 25-30% học sinh bị cận thị. Trẻ cận thị thường không nhìn rõ các đồ vật ở cự ly xa, nhưng có thể nhìn rõ khi thực hiện các công việc ở cự ly gần như đọc sách, dùng máy vi tính.

Cận thị thường bắt đầu phát triển khi trẻ đến tuổi dậy thì, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả ở trẻ rất nhỏ. Khi cơ thể phát triển, mắt ngày một dài ra và do đó cận thị cũng nặng lên. Tình trạng này thường ổn định khi cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, nhưng đôi khi có thể tiến triển tới tuổi 25-30. Cận thị hiếm khi xuất hiện sau tuổi 30, nếu điều này xảy ra thì đây có thể là dấu hiệu sớm của đục thủy tinh thể.

Một số dấu hiệu nhận biết trẻ cần phải đi khám mắt

Thường xuyên ngồi gần TV hay cúi gằm khi đọc sách

Theo Vnexpress, thói quen ngồi gần TV có thể là biểu hiện của thị lực kém. Nếu trẻ không thể nhìn rõ các hình ảnh trên màn hình hay phải cúi sát khi đọc sách, rất có thể bé đã bị cận thị.

Thường xuyên dụi mắt

Trẻ thường dụi mắt khi mệt mỏi hay buồn bực. Nếu bé dụi mắt khi cố tập trung nhìn vào vật gì đó hoặc đang vui chơi, cần nghĩ tới vấn đề về thị lực.

Lạc chỗ khi đọc hoặc phải dùng ngón tay để hướng dẫn mắt

Khi học đọc và cố đọc to các từ, ban đầu trẻ thường sử dụng ngón tay để trỏ theo các từ cần đọc. Thông thường, sau một lúc làm quen, trẻ có thể tập trung và không bị lạc khỏi chỗ cần đọc. Nếu sau khi đọc được một lúc, bé vẫn dùng ngón tay lần theo chữ, hãy yêu cầu con thử đọc to không cần chỉ tay. Nếu trẻ không thực hiện được điều này, nên đưa bé đi kiểm tra thị lực.

Nhạy cảm với ánh sáng hoặc chảy nước mắt nhiều hơn bình thường

Con bạn có bị nhạy cảm quá mức với ánh sáng trong nhà, ánh nắng mặt trời hay ánh sáng đèn flash? Trẻ sợ ánh sáng hoặc quá nhạy cảm với ánh sáng có thể thấy đau đầu, buồn nôn. Nhạy cảm với ánh sáng có thể là biểu hiện của một vài bệnh lý mắt nghiêm trọng.

Nhắm một mắt khi đọc hay xem TV

Thường xuyên nhắm một mắt có thể là dấu hiệu của tật khúc xạ hay có vấn đề về thị lực, ảnh hưởng tới khả năng phối hợp đồng bộ hai mắt. Nhắm một mắt để đọc hay nhìn màn hình có thể là biểu hiện của bệnh lý mang tên "rối loạn hội tụ".

Kết quả học tập giảm sút

Trẻ thường không chia xẻ với cha mẹ việc mình không nhìn rõ chữ trên bảng. Khi thấy kết quả học tập của con giảm sút không rõ lý do, nên đưa bé đi kiểm tra thị lực. Trong nhiều trường hợp, sau khi đeo kính điều chỉnh, kết quả học tập của con lại được cải thiện.

Đau mỏi mắt khi dùng máy vi tính

Trẻ thường xuyên dùng máy vi tính hay các thiết bị điện tử khác rất hay bị mỏi mắt. Hãy nhắc bé thường xuyên nghỉ giải lao mỗi 20 phút để nhìn vào vật ở cách xa tối thiểu 60 m trong vòng 20 giây. Nếu bé vẫn kêu mỏi mắt thì cần đưa bé đi khám bác sĩ.

Nheo mắt hay nghiêng đầu để nhìn bảng rõ hơn

Giáo viên cần chú ý phát hiện sớm những trẻ phải nheo mắt hay nghiêng đầu khi nhìn lên bảng. Nếu chưa thể bố trí kiểm tra thị lực, nên cân nhắc chuyển trẻ lên ngồi ở vị trí gần bảng hơn.

Tham khảo thuốc: Vitamin A

Vitamin A cần thiết cho sự duy trì và phát triển của các tế bào biểu mô. Thiếu Vitamin A là do chế độ ăn không cung cấp đủ lâu ngày hoặc kém hấp thu ở đường tiêu hoá (do suy tuỷ, sỏi mật, bệnh tiêu chảy mỡ, bệnh sprue, viêm dạ dày ruột mãn tính…)

Thiếu Vitamin A kéo dài dẫn đến bệnh khô mắt, triệu chứng đầu tiên của thiếu vitamin A là quáng gà, sau đó là viêm kết mạc - giác mạc, loét giác mạc... các triệu chứng khác là sự thay đổi trên da và niêm mạc bao gồm cả sự khô và sừng hoá da

Tiến Khê

Nên đọc
-2 Bệnh viêm màng não
-3 Bệnh Alzheimer
-4 Cách mẹ bầu nghe nhạc kích thích trí thông minh cho bé
-5 Bệnh phụ khoa thường gặp vào mùa lạnh

Theo GDVN

Comments