Chấm điểm lợi - hại đồ uống cho trẻ ngày nóng
(Giúp bạn)Trong những ngày thời tiết nắng nóng thì việc cho trẻ uống những loại đồ uống như thế nào vừa tốt cho sức khỏe vừa giải khát rất được các mẹ quan tâm.
Những lưu ý khi cho trẻ dùng đồ uống ngày nắng nóng
Theo Sức khỏe & đời sống:
Nước: Sẽ chẳng có gì làm thỏa cơn khát của bé trong ngày nắng bằng một cốc nước mát. Nước có tác dụng dưỡng ẩm, điều hòa nhiệt độ cơ thể, ngăn ngừa táo bón và nhiễm trùng đường tiết niệu. Bạn không cần thiết phải pha thêm đường hay vài viên đá vào nước mát cho trẻ.
Nước dừa: Đây là thức uống rất phù hợp trong mùa hè với những em bé đang trong quá trình tập đi. Nước dừa giàu vitamin và khoáng chất vì vậy rất lý tưởng để ngăn ngừa tình trạng mất nước do bé đổ nhiều mồ hôi. Nếu bé bị tiêu chảy thì nước dừa cũng là một gợi ý không tồi. Tuy nhiên, nếu trẻ có các vấn đề về thận thì không nên uống nước dừa.
Nước ép trái cây: Đây cũng là một món đồ uống được nhiều trẻ em yêu thích. Tuy nhiên, bạn không nên để bé uống nước ép hoa quả nhiều vì bé có thể thiếu chất xơ. Việc ăn một trái cam vẫn tốt hơn là uống một cốc nước cam ép.
Nước ép rau củ quả: Nước ép cà chua, cà rốt rất có lợi cho sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là với những bé lười ăn rau. Bạn có thể pha chế giữa nước ép rau củ với một phần nước trái cây để tăng hương vị cho món uống ngày hè của bé thêm hấp dẫn.
Sữa đậu nành (Làm từ đậu nành nguyên chất): Sữa đậu nành là loại thức uống thay thế cho trẻ nhỏ không dung nạp lactose có trong sữa bò, mặc dù hàm lượng các chất dinh dưỡng ít hơn. Nếu bé chỉ sử dụng được sữa đậu nành thì các mẹ cần bổ sung thêm các loại vitamin cho trẻ. Ngoài ra, một số nhãn hiệu sữa đậu nành hiện nay đã được bổ sung thêm Canxi và vitamin A, D, và B12.
Sữa gạo (Xay từ hạt gạo): Sữa gạo ít chất dinh dưỡng và ít protein hơn sữa bò. Bạn có thể tự tay làm sữa gạo ở nhà một cách đơn giản để có thêm món uống hấp dẫn cho bé.
Trà: Trà có chứa chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe nói chung nhưng nó có chứa caffeine, không phù hợp với trẻ em. Mức tối đa lượng trà trẻ có thể uống là ¼ tách trà. Một số gia đình thường pha trà gừng khi trẻ bị cảm lạnh hay viêm họng. Hãy thay thế trà bằng vài lá húng quế cùng với gừng thay vì dùng trà.
Đồ uống tăng lực: Ngày hè oi bức lại có nhiều chuyến đi chơi xa nên đôi khi cha mẹ cho rằng bổ sung đồ uống tăng lực để trẻ giảm mệt mỏi. Thực chất loại đồ uống này không có giá trị dinh dưỡng. Hầu hết chúng đều chứa một lượng lớn caffeine, đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo. Một số khác có chứa một vài loại thảo mộc và các chất phụ gia không an toàn cho trẻ nhỏ.
Nước ngọt có ga: Cả hai loại đồ uống này được nhiều trẻ nhỏ ưa thích nhưng thực tế chúng không có giá trị dinh dưỡng. Đồng thời chứa chất tạo màu, chất làm ngọt nhân tạo có thể làm hại men răng của trẻ.
Cà phê đá: Nhiều cha mẹ có thói quen dùng cà phê đá khi trời nóng và tiện thể cho con uống. Cà phê hòa tan có chứa nhiều caffeine và đường hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của trẻ em.
Vnexpress cho biết thêm, mỗi lần làm nước ép cho trẻ, mẹ chỉ lấy một lượng vừa đủ một lần dùng và trẻuống trong khoảng 15-20 phút mà không hết cũng nên bỏ đi để tránh nhiễm khuẩn. Bất kỳ cách bảo quản nào với nước quả tươi cũng được khuyến cáo là không nên dùng. Các bác sĩ thường khuyên là không quá 120 ml nước ép rau, củ cho một ngày. Uống quá nhiều nước ép hoa quả tươi có thể khiến bé bị tiêu chảy và tăng nguy cơ sâu răng. Mẹ cũng nên cho trẻ uống nước hoa quả trực tiếp bằng cốc.
Tham khảo thuốc: OP.Liz: Nhuận tràng, trị táo bón. |
Phùng Nguyễn
Theo GDVN