Giảm thính lực, bệnh của xã hội hiện đại

15:43 14/04/2015

(Giúp bạn)Thính lực của con người có nguy cơ bị suy giảm do phải chịu sự tác động từ nhiều yếu tố gây hại như: ô nhiễm tiếng ồn, thói quen nghe nhạc, sự lão hóa.

Suy giảm thính lực tác động lên cả những người trẻ

Theo Đại đoàn kết, trong cuộc sống hiện đại, thính lực của con người có nguy cơ bị suy giảm do phải chịu sự tác động từ nhiều yếu tố gây hại như: ô nhiễm tiếng ồn, thói quen nghe nhạc, sự lão hóa, sử dụng một số loại thuốc độc với tai, chấn thương đầu, viêm nhiễm ở tai… Nếu không có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hậu quả là suy giảm thính lực, thậm chí điếc vĩnh viễn.

Sức khỏe và Đời sống cho biết, suy giảm thính lực là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 40% người trên 65 tuổi bị giảm thính lực do bộ phận dẫn truyền âm thanh thoái hóa hay bộ phận thần kinh dẫn tín hiệu nghe lên não bị ảnh hưởng. Khi tuổi trên 50, các bộ phận thính giác bước vào giai đoạn lão hóa, màng nhĩ dày đục, chuỗi xương bị canxi hóa, dây thần kinh thính giác thoái hóa,… khiến quá trình suy giảm thính lực ngày một nhanh chóng.

Ban đầu sẽ xuất hiện các hiện tượng như lãng tai, nghe kém. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ bị mất thính lực vĩnh viễn. Điều nguy hại hơn là bệnh lý này đang có dấu hiệu trẻ hóa, mà nguyên nhân chính là những thói quen sử dụng thiết bị âm thanh quá mức.

Nghiên cứu ở Úc chỉ ra rằng, khoảng 40% người trưởng thành mắc một loại bệnh về thính lực và thường có thói quen xem tivi, nghe nhạc âm lượng lớn.

Theo nhiều nghiên cứu, âm thanh trên 90 decibel tác động liên tục trong một thời gian dài là nguyên nhân gây ra bệnh giảm thính lực. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị chơi nhạc di động hiện nay đều được sản xuất với âm lượng lớn hơn 120 decibel. Do đó, người nghe nên để âm lượng bằng hoặc nhỏ hơn 80 decibel sẽ đảm bảo thính lực cho tai.

Trong điều trị suy giảm thính lực, những người bị điếc đột ngột có thể dùng corticoid tiêm xuyên nhĩ. Đối với trường hợp suy giảm thính lực do lão hóa, sử dụng máy trợ thính vẫn là phương pháp phổ biến nhất đảm bảo chức năng nghe cho người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị cần phải được thăm khám kỹ, thực hiện nhiều thử nghiệm phức tạp.

Một số điều người suy giảm thính lực cần biết

Nguyên nhân: Do tuổi cao, viêm nhiễm ở tai, tiếng ồn, sau sử dụng một số thuốc độc với thính giác (salicylat, quinine, kháng sinh nhóm aminosid), di truyền, sau chấn thương vật lý, dị vật, dị tật…

Hậu quả: Khó khăn trong giao tiếp vì không nghe được; rối loạn về tâm lý, trầm cảm, cảm giác bị cô lập, tính khí thất thường; với trẻ em hậu quả còn nặng nề hơn, ảnh hưởng tới học tập và tương lai của trẻ.3.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, dùng thuốc: Ăn uống đủ dưỡng chất, ưu tiên các nhóm thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin D, hạn chế rượu bia, thuốc lá; tránh chấn thương ở vùng đầu, tai; không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai hoặc đưa vật lạ vào tai; tránh stress, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; tránh nơi có tiếng ồn lớn; tránh dùng những thuốc có nguy cơ độc với thính giác.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Cảnh báo bệnh tật qua đôi chân
-2 Biểu hiện của suy giảm thính lực là ù tai
-3 Những yếu tố ảnh hưởng lớn đến thính lực
-4 Những thực phẩm có hại cho sức khỏe nếu dùng lâu dài


Theo GDVN

Comments