Tác dụng chữa bệnh của cây hoa dâm bụt

14:54 21/07/2015

(Giúp bạn) - Ngoài tác dụng là cây cảnh trang trí, cây hoa dâm bụt còn được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Cây hoa dâm bụt chữa bệnh sỏi thận, bệnh tim mạch, mụn nhọt; có tác dụng chăm sóc tóc, làm sạch da….

Hình dáng cây
Dâm bụt (hay còn gọi là bông bụp, bông lồng đèn) có nguồn gốc Đông Á, cây cao từ 1 đến 2m. Hoa lớn, màu đỏ hồng, cũng có loại màu vàng; thường mọc ở nách lá hay đầu cành.

Ảnh minh họa

Tính vị, tác dụng

Hoa dâm bụt có vị ngọt, tính ôn hòa, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, lợi tiểu.

Rễ dâm bụt cũng có vị ngọt, tính ôn hòa, có tác dụng chữa ho tiêu viêm, chữa viêm khí quản, viêm cổ tử cung, kinh nguyệt không đều.

Lá dâm bụt có vị nhạt, có tác dụng làm dịu, an thần.

Các bài thuốc từ cây hoa dâm bụt

Chữa bệnh sỏi thận: Hoa dâm bụt làm nát, cho thêm muối và nước lạnh, vắt hết bã để uống. Ngày uống 2-3 lần. Dùng trong 12-15 ngày.

Chữa bệnh tim mạch: Hoa và lá dâm bụt phơi khô, sao qua rồi pha thành trà, nó chứa các chất oxi hóa giúp kiểm soát lượng cholesterol trong máu và giảm nguy cơ bị bệnh tim.

Chữa đau nhức xương: Lá dâm bụt, lá mận, lá đào, lá thài lài tía thái nhỏ, phơi khô, ngâm với rượu, dùng để xoa bóp hàng ngày.

Chữa kinh nguyệt không đều: Kết hợp vỏ rễ dâm bụt 30g, ngải cứu 20g, lá huyết dụ 15g sắc ngày 1 thang, uống 3 lần; trước kì kinh khoảng 1 tuần.

Chữa mụn nhọt: Hoa và lá dâm bụt giã dập, đắp lên chỗ mụn nhọt. Ngày thay thuốc một lần, Hoặc giã dập cùng một chút muối hột, đắp lên chỗ sưng tấy để giảm sưng và tránh mưng mủ.

Chăm sóc tóc: Đun sôi một chén dầu dừa, đổ hỗn hợp hoa và lá dâm bụt nghiền nát vào, đậy nắp nồi lại và tắt bếp. Dùng tinh dầu này massage cho tóc và da đầu khoảng 30p, sau đó gội lại bằng dầu gội đầu.

Làm sạch da: Dùng lá dâm bụt cọ xát lên mặt, lên cổ để loại bỏ tế bào chết, các mụn đầu đen. Lá có tính kháng viêm nên có thể dùng để chữa mụn trứng cá.



Comments