Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
(Giúp bạn)Trào ngược dạ dày - thực quản là một căn bệnh mãn tính thường gặp, có tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease – GERD) là tình trạng thực quản trở nên viêm tấy dưới tác dụng của acid đi từ dạ dày lên. Thực quản là một ống kéo dài từ họng đến dạ dày. Khi thức ăn được nuốt vào miệng sẽ đi xuống thực quản.
Dạ dày sản xuất ra acid chlohyric (HCl) sau bữa ăn để giúp tiêu hóa thức ăn.
- Lớp niêm mạc ở phía trong dạ dày có tác dụng chống lại sự ăn mòn của acid. Các tế bào của lớp này tiết ra một số lượng lớn chất nhầy có tính chất bảo vệ.
- Lớp niêm mạc của thực quản không có những tính chất này do đó có thể bị acid của dạ dày làm tổn thương.
Bình thường, vòng cơ ở dưới cùng của thực quản được gọi là cơ vòng thực quản dưới, có tác dụng ngăn sự trào ngược lên của acid.
- Cơ vòng này giãn ra trong khi nuốt để thứ ăn đi qua. Sau đó nó sẽ xiết lại để ngăn không cho thức ăn quay ngược trở lại.
- Tuy nhiên trong bệnh GERD, cơ vòng thực quản giãn ra giữa các lần nuốt và làm cho các chất trong dạ dày và acid ăn mòn trào lên và gây tổn thương cho lớp niêm mạc của thực quản.Không chỉ người lớn mà thậm chí trẻ nhỏ và trẻ lớn cũng đều có thể bị GERD.
Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Khám phá cho biết, không ai biết được chính xác nguyên nhân của GERD. Những yếu tố sau góp phần làm yếu hoặc giãn cơ thắt thực quản dưới làm hiện tượng trào ngược trở nên nặng hơn:
- Lối sống – sử dụng rượu, bia, thuốc lá, béo phì, đi khom lưng.
- Thuốc – ức chế Calci, theophylline (Tedral, Hydrophed, Marax, Brochial, Quibron), nitrates, kháng histamine.
- Chế độ ăn – nhiều mỡ và thức ăn chiên, sô cô la, tỏi, hành và thức uống có chứa caffein, thức ăn chua như trái cây thuộc giống cam quít, cà chua, thức ăn có nhiều gia vị, hương liệu bạc hà.
- Thói quen ăn uống – ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc, ăn trước khi đi ngủ.
- Và một số tình trạng khác như thoát vị hoành, mang thai, đái tháo đường, tăng cân nhanh.
Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Chứng ợ nóng dai dẳng là triệu chứng thường thấy nhất của GERD
Ợ nóng là cảm giác đau rát ở giữa ngực, sau xương ức. Nó thường xuất hiện ở thượng vị và lan lên cổ. Đau có thể kéo dài đến khoảng 2 giờ.
- Ợ nóng thường nặng hơn sau khi ăn.
- Nằm xuống hoặc gập người xuống có thể gây ra ợ nóng họăc làm cho nó nặng thêm.
- Đau thường không bẳt đầu hoặc nặng hơn khi hoạt động thể lực.
- Chứng ợ nóng đôi khi được cho là do có sự tăng tiết quá mức của dạ dày.
- Không phải tất cả mọi người bị GERD đều bị ợ nóng.
Những triệu chứng khác của GERD là:
- Ợ ra acid đắng trong khi ngủ hoặc cuối gập người.
- Thấy vị đắng trong miệng
- Ho khan dai dẳng
- Khàn giọng (đặc biệt vào buổi sáng)
- Cả thấy khó chịu trong cổ họng, như có một mẫu thức ăn nằm ở đó.
- Thở khò khèNhững triệu chứng thường gặp ở trẻ em là nôn nhiều lần, ho và những vấn đề về đường hô hấp.
Hạn chế chứng trào ngược dạ dày - thực quản thế nào?
Theo thông tin trên trang tin điện tử Bệnh viện Việt Đức, tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc thực quản: Chủ yếu tăng cường nhu động để tống dịch vị trở lại dạ dày, có thể dùng các thuốc kích thích nhu động như: motilium, metoclopramido...
Có thể dùng sucrafate vì khi tiếp xúc với dịch vị toan, sucrafate sẽ tạo thành một màng bao phủ lên niêm mạc, vết trợt hoặc vết loét để bảo vệ chất chống toan dịch vị.
Hạn chế yếu tố tấn công niêm mạc thực quản bằng các thuốc ức chế tiết toan như famotidine, omeprazol, pantoprazol.
Hạn chế các yếu tố thuận lợi cho việc trào ngược dịch vị lên thực quản chủ yếu bằng chế độ sinh hoạt, như không ăn các chất béo và các chất khó tiêu, nhất là vào bữa tối; không ăn gì thêm sau 20 giờ; không nằm ngay sau khi ăn và ngủ gối cao đầu, kê đầu giường cao hơn một chút để nằm hơi dốc; tránh béo phì.
Trong trường hợp có rối loạn cấu trúc tâm vị có thoát vị cơ hoành hoặc hẹp môn vị cần đi thăm khám để bác sĩ quyết định can thiệp bằng nội soi hay phẫu thuật.
Trà Mi
Theo GDVN